COVID-19 sang nhóm B: Kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch bệnh để bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân

23-11-2023 13:45 |
google news

SKĐS - Bộ Y tế đặt ra một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 29/10/2023, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký ban hành Quyết định số 3984/QĐ-BYT ban hành Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025.

Mục tiêu cụ thể là giảm số mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; giảm ca nặng và tử vong do COVID-19; đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác. Tại kế hoạch này, Bộ Y tế đã đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch COVID-19 để bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác chỉ đạo, điều hành

Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống dịch, nhất là đầu tư phát triển hệ thống y tế, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chỉ đạo các địa phương căn cứ diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh, thực hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; xem xét kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp, phù hợp với việc đáp ứng tình hình dịch bệnh. Chỉ đạo các địa phương xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 của các địa phương. Xây dựng và triển khai Kế hoạch sử dụng vaccine phòng COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng; lồng ghép tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên. Hướng dẫn chính sách liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh COVID-19 khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B. Chỉ đạo, hướng dẫn việc giải quyết những ảnh hưởng do COVID-19 trong việc thực hiện các dịch vụ y tế cơ bản như: công tác tiêm chủng mở rộng, công tác dinh dưỡng, phòng chống các bệnh không lây nhiễm và các biểu hiện hậu COVID-19... 

COVID-19 sang nhóm B: Kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch bệnh để bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân- Ảnh 1.

Kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện phòng lây truyền COVID-19 và các bệnh khác.

Công tác chuyên môn

Theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, trong nước, cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh. Lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút. Thực hiện đánh giá nguy cơ định kỳ và đột xuất, triển khai ngay các đáp ứng trong phòng chống dịch tương ứng với các mức nguy cơ. Rà soát, sửa đổi, cập nhật hướng dẫn giám sát và phòng chống COVID-19 phù hợp tình hình dịch.

Về công tác điều trị, bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, người bệnh hồi sức tích cực, thân nhân tạo... Triển khai các hoạt động về quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng ngay tại cộng đồng; theo dõi và kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc COVID-19. Tổ chức phổ biến về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới. Rà soát, thống kê, điều chỉnh nhu cầu trang thiết bị y tế, hồi sức bao gồm máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, ô xy y tế… phục vụ cho phòng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới.

Về tiêm vaccine, xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vaccine phòng chống COVID-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao. Lồng ghép tiêm vaccine COVID-19 vào buổi tiêm chủng thường xuyên tại các cơ sở y tế hoặc tổ chức tiêm chủng chiến dịch phù hợp với thực tế triển khai tại địa phương.

Về dự phòng cá nhân, khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế. Thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng với nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi nhiễm, ho, hắt hơi. Định kỳ vệ sinh bề mặt nơi ở, sinh hoạt, làm việc. Khuyến cáo những trường hợp nghi mắc bệnh/mắc bệnh nhẹ hạn chế tiếp xúc với người khác, tự cách ly.

COVID-19 sang nhóm B: Kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch bệnh để bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân- Ảnh 2.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 là biện pháp đặc hiệu phòng chống COVID-19.

Công tác truyền thông

Thường xuyên cập nhật để thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam cho người dân biết, không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là. Truyền thông nguy cơ và các biện pháp phòng chống dịch bệnh để người dân hiểu và biết cách tự phòng bệnh. Truyền thông tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Định hướng cơ quan thông tin, báo chí trong các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 của ngành y tế.

Công tác tập huấn

Tập huấn về hướng dẫn giám sát phòng chống dịch COVID-19. Tập huấn về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19, Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám chữa bệnh. Triển khai các nhóm chuyên gia hỗ trợ các địa phương trong việc hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật.

Công nghệ thông tin

Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo, thống kê ca bệnh, xét nghiệm, tiêm vaccine; tư vấn, điều trị, đào tạo từ xa và chia sẻ thông tin về giám sát dịch bệnh, tiêm vaccine, xét nghiệm, điều trị… phục vụ phòng chống dịch. Triển khai ứng dụng dữ liệu dân cư, tài khoản định danh điện tử trong công tác quản lý ca bệnh.

Hợp tác quốc tế

Tiếp tục các hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình dịch, các biến thể mới, vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng chống dịch với các tổ chức quốc tế. Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển công nghệ sản xuất thuốc, vaccine.

Nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu khoa học về dịch tễ học, giám sát sự tiến hóa, biến chủng của tác nhân gây bệnh. Tiếp tục nghiên cứu sản xuất vaccine và các thuốc điều trị COVID-19. Triển khai nghiên cứu các vấn đề sức khỏe liên quan đến COVID-19 và các vấn đề do hậu COVID-19 gây ra. Khảo sát năng lực ứng phó dịch COVID-19 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và trường học. Chủ trì phối hợp với đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển trang thiết bị y tế sản xuất trong nước. Chủ trì phối hợp với đơn vị có liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nguồn lực, khả năng dự báo, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm trong nước.

Công tác hậu cần

Bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp với tình hình dịch. Thực hiện việc phê duyệt, cấp phép lưu hành các loại vaccine, thuốc kháng vi rút, sinh phẩm chẩn đoán để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch. Có phương án đảm bảo cơ số giường bệnh, giường điều trị tích cực, khu vực điều trị COVID-19 tại các tuyến huyện, tỉnh và trung ương. Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất các chính sách về xã hội hóa trong phòng chống dịch. Xây dựng, đề xuất các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, người trực tiếp tham gia công tác phòng chống dịch.

Đồng thời, xây dựng phương án đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Người mắc COVID-19 không triệu chứng có thể điều trị tại nhà  Người mắc COVID-19 không triệu chứng có thể điều trị tại nhà

SKĐS - Trong tình hình mới, khi COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, cả số ca bệnh và tử vong đều giảm mạnh, các biện pháp phòng chống dịch đã giảm mức độ phù hợp với bệnh truyền nhiễm nhóm B. Những người mắc COVID-19 mức độ nhẹ hoặc không triệu chứng cần làm gì...


Hải Yến
Ý kiến của bạn