Trung Quốc - nơi khởi nguồn của SARS-CoV-2
Virus Corona được biết tới đầu tiên tại Vũ Hán, Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc vẫn được coi là quốc gia khởi nguồn của đại dịch đã lây lan ra khắp thế giới, để lại những hậu quả vô cùng thảm khốc. Hàng trăm nghìn sinh mạng đã ra đi, hàng chục triệu người nhiễm bệnh, các biện pháp phong tỏa, đóng cửa khiến thế giới trở nên như “không còn sự sống”, COVID-19 đi đến đâu nó reo rắc mối lo âu, sự sợ hãi đến đó.
Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán suốt 76 ngày trong tình trạng nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hàng nghìn y bác sĩ được huy động đến thành phố 11 triệu dân để hỗ trợ. Việc kiểm soát dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã thành công, từ quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc, tử vong, đến nay Trung Quốc chỉ còn đứng thứ 80 quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Hiện Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược truy vết, xét nghiệm diện rộng và phong tỏa theo khu vực khi xuất hiện các ổ dịch mới. Việc kiểm soát tốt đại dịch đã tạo điều kiện để Trung Quốc phát triển kinh tế và trở thành một trong những nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng dương trong năm nay.
COVID-19: Thảm kịch lịch sử tại Mỹ
Cường quốc hàng đầu thế giới đã đánh mất hơn 300.000 sinh mạng bởi con virus nhỏ bé mang tên SARS-CoV-2, điều này đã gây sốc cho người dân Mỹ. Mặc dù tốc độ lây nhiễm ca bệnh ở xứ sở cờ hoa có xu hướng giảm sau khi đạt đỉnh vào trung tuần tháng 12, nhưng vẫn còn đó mối lo khi quốc gia này vừa trải qua “tháng chết chóc” nhất với hơn 63.000 ca tử vong, cộng thêm việc các chuyên gia y tế cảnh báo “những ngày đen tối nhất còn ở phía trước”, các nhà khoa học chưa xác định được liệu vắc-xin phòng COVID-19 có hiệu quả với biến chủng mới của SARS-CoV-2 hay không. Một số chuyên gia cho rằng, Mỹ có chiến lược chống COVID-19 nửa vời, bởi việc phong tỏa, cách ly chỉ thực hiện hời hợt, ở một số bang, trong khi đó người đứng đầu nước Mỹ là Tổng thống Donald Trump luôn phản đối các biện pháp hạn chế, phong tỏa mà nhanh chóng mở cửa trở lại mặc dù dịch bệnh chưa được kiểm soát. Sự phục hồi của nền kinh tế không đồng đều ở mọi lĩnh vực, mọi tầng lớp xã hội là câu trả lời cho chiến lược của Mỹ. Những người chỉ trích quan điểm này cho rằng, cuộc khủng hoảng này tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008. Bắt đầu từ một đại dịch, và Mỹ không thể ngăn kinh tế lao dốc chừng nào đại dịch chưa được kiểm soát.
Tâm lý chủ quan ở châu Âu, Italia là tâm dịch của châu lục
Châu Âu đã trải qua 2 làn sóng dịch. Mỗi quốc gia ở lục địa già này có cách thức riêng để ứng phó với cuộc khủng hoảng mang tên COVID-19. Các chuyên gia đều lo ngại châu lục này sẽ đối mặt với làn sóng dịch thứ 3 vào đầu năm 2021. Ở giai đoạn đầu, tâm lý chủ quan của người dân và những phản ứng chậm của chính quyền đã tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Người dân ngại hoặc không có thói quen đeo khẩu trang, họ quan niệm có bệnh mới đeo. Chính phủ nhiều nước chỉ dừng ở biện pháp khuyến nghị việc đeo khẩu trang phòng bệnh, hạn chế đi lại... do văn hóa của người phương Tây thường đề cao tự do cá nhân, trong khi các nước phương Đông đề cao yếu tố tập thể. Chính vì thiếu quyết liệt trong hành động nên châu Âu đã không thể ngăn được dịch bệnh. Trong số các nước châu Âu, Italia - từng được mệnh danh là tâm dịch ở châu lục, quốc gia này đã bị “trọng thương” khi COVID-19 tấn công. Hàng chục nghìn người đã tử vong vì COVID-19, hệ thống y tế gặp khủng hoảng khi số người nhập viện tăng quá nhanh, không đủ giường và thiết bị y tế cấp cứu người bệnh, nhân viên y tế không đủ trang thiết bị bảo hộ...
Hàn Quốc khuất phục trước COVID-19?
Hàn Quốc đã từng là hình mẫu trong phòng chống dịch, hồi tháng 2-3, quốc gia Đông Bắc Á này từng có số ca nhiễm lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc sau khi bùng phát ổ dịch ở một cơ sở tôn giáo, tuy nhiên Hàn Quốc đã sớm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh vào tháng 4 nhờ chiến lược truy tìm tiếp xúc, xét nghiệm và điều trị tích cực cũng như tăng cường sử dụng khẩu trang. Việc kết hợp các phương thức này đã khiến quốc gia có 51 triệu dân này làm phẳng đường cong dịch bệnh mà không cần đến các biện pháp phong tỏa. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 cũng được Hàn Quốc ngăn chặn kịp thời hồi tháng 6. Tuy nhiên vài tuần trở lại đây dịch bệnh quay trở lại và bùng phát mạnh mẽ ở khu vực thủ đô với mỗi ngày trên 1.000 trường hợp mắc trong 5 ngày liên tiếp, gấp 10 lần so với những tháng trước đó. Chiến lược “sống chung với virus” của Hàn Quốc dường như không phát huy tác dụng, đẩy xứ sở Kim Chi vào nguy cơ phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội mức độ cao hơn so với hiện nay.
Lựa chọn miễn dịch cộng đồng khiến Thụy Điển phải trả giá đắt
Sau khi loại virus đầu tiên chưa từng được biết tên “gõ cửa” Thụy Điển vào tháng 1, quốc gia Scandinavia với 10 triệu dân này đã lựa chọn một cách tiếp cận khác đa phần các quốc gia khác là miễn dịch cộng đồng để xử lý đại dịch, tức là gia tăng số ca tiếp xúc với virus để tránh làn sóng lây nhiễm. Trong khi các nước láng giềng “cửa đóng then cài”, thì người dân Thụy Điển vẫn thoải mái đi ra ngoài giao lưu, tiếp xúc. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng chỉ trích “con đường đi” của Thụy Điển. Ở thời điểm đó, Thụy Điển là quốc gia châu Âu duy nhất không ban hành lệnh phong tỏa. Khi làn sóng thứ 2 ập đến khiến số ca mắc bệnh tăng vọt, hệ thống y tế nước này trong trạng thái quá tải thúc đẩy Chính phủ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn, các quy định hạn chế đã được ban hành. Lúc này, hành động đã quá muộn, Thụy Điển trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 bình quân theo đầu người cao nhất thế giới. Mãi đến tháng 11/2020 quốc gia Bắc Âu này mới bước vào đợt phong tỏa đầu tiên.
Chiến lược “đánh nhanh, đánh mạnh” của New Zealand
Khi virus bắt đầu lây lan hồi tháng 3, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã nhanh chóng ra lệnh đóng cửa biên giới quốc gia và áp đặt lệnh phong tỏa chặt chẽ. Phương châm của New Zealand là “đánh nhanh, đánh mạnh”, nữ Thủ tướng Ardern hy vọng không chỉ ngăn chặn mà quốc gia này còn loại bỏ hoàn toàn virus. Việc đóng cửa hóa ra đã thành công ngoài mong đợi và New Zealand đã trải qua hơn 100 ngày mà không có bất kỳ sự lây truyền nào trong cộng đồng. Tuy nhiên, sau đó một số vụ dịch nhỏ xảy ra ở Auckland. New Zealand đã cố gắng dập tắt từng đợt bùng phát mới thông qua việc phong tỏa khu vực và theo dõi liên lạc. Đến nay người dân New Zealand đã trở lại làm việc, học sinh trở lại trường học và các hoạt động hàng ngày mà không có bất kỳ hạn chế đáng kể nào. Quốc gia 5 triệu dân này dừng lại ở hơn 2.000 người nhiễm bệnh và chỉ có 25 trường hợp tử vong.
Tiếp cận bình thản biến Brazil thành ổ dịch
Brazil đã trở thành ổ dịch lớn nhất ở Nam bán cầu khi vào đầu dịch, Brazil đã không áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vì lo ngại sẽ làm tổn hại nền kinh tế. Ngay cả Tổng thống Brazil cũng có quan điểm đây là căn bệnh giống với “bệnh cúm” và không điều gì có thể ngăn 70% người dân Brazil khỏi nhiễm bệnh. Bản thân Tổng thống, rồi đến Phó Tổng thống và nhiều quan chức cấp cao khác lần lượt nhiễm COVID-19. Giới lãnh đạo Brazil còn bỏ qua những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ nhiễm bệnh ở Brazil vẫn cao, đặc biệt tỷ lệ tử vong hiện xếp thứ 2 thế giới - chỉ sau Mỹ với 191.000 tử vong.
Mỗi quốc gia có một chiến lược và phương thức khác nhau trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù chung mang tên COVID-19. Nhưng làm thế nào để vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế là điều không phải đất nước nào cũng thành công trong suốt 1 năm qua. Với sự ra đời của vắc-xin, hy vọng cuộc chiến này sẽ có lối thoát... trong năm 2021.