Theo nghiên cứu này, những người bị nhiễm vi-rút 3 tuần sau khi nhận 1 liều vắc-xin sẽ giảm 38-49% nguy cơ truyền vi-rút cho các thành viên trong gia đình (so với những người chưa được tiêm chủng).
Mức độ bảo vệ này, được quan sát vào khoảng ngày thứ 14 sau khi tiêm chủng. Kết quả tương tự nhau bất kể độ tuổi của người được tiêm chủng hay của các thành viên trong gia đình.
Nghiên cứu này đã theo dõi 57.000 người từ 24.000 gia đình có 1 người được tiêm chủng khi có kết quả dương tính và so sánh họ với gần 1 triệu người tiếp xúc với những người chưa được tiêm chủng.
Cơ quan y tế công cộng của Anh chỉ ra rằng một liều vắc-xin sau bốn tuần, giảm từ 60 đến 65% nguy cơ phát triển các triệu chứng.
Các hộ gia đình được coi là nơi “có nguy cơ cao” về khả năng lây truyền. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tiêm 1 liều vắc-xin sau 4 tuần cũng có thể giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng của COVID-19 từ 60-65%. Các nghiên cứu được công bố vào cuối tháng 3.2021 của PHE đã chỉ ra rằng vắc-xin Pfizer và AstraZeneca đã ngăn ngừa được 10.400 trường hợp tử vong ở những người trên 60 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock cho biết: “Đây là một tin tuyệt vời. Chúng tôi đã biết rằng vắc-xin cứu sống nhiều người và nghiên cứu toàn diện nhất được tiến hành trong điều kiện thực tế này cũng cho thấy chúng làm giảm sự lây truyền của loại vi-rút chết người”.
Vương quốc Anh đã tham gia vào chiến dịch tiêm chủng hàng loạt kể từ đầu tháng 12/2020, hiện đang sử dụng các loại vắc-xin AstraZeneca, Pfizer/BioNTech và Moderna. Theo số liệu chính thức được công bố hôm thứ ba, gần 34 triệu liều đầu tiên đã được tiêm và một phần tư dân số trưởng thành, hay 13,2 triệu người, đã được tiêm liều thứ hai.