Hà Nội

COVID-19: Mỗi người dân hãy là một liều vắc-xin

27-03-2020 21:30 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, tôi cho rằng mọi nỗ lực đều đổ sông đổ biển nếu mỗi chúng ta bỏ qua bài học ý thức.

Việt Nam đã, đang rất nỗ lực để chống giặc COVID-19. Thành công lớn nhất đến lúc này là chưa có trường hợp tử vong. Các nước trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh của chúng ta. Một số nước xem Việt Nam là hình mẫu có thể áp dụng vào đất nước mình. “Làm tốt các hướng dẫn, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gần đây.

Hàng ngàn người đến mua hàng tại ngày khai trương một siêu thị ở Quảng Ngãi sáng 26/3


Điều khiến dư luận quan tâm vào lúc này, đó là ý thức của mỗi người dân trước dịch bệnh. Ý thức kém của một số người đi từ vùng dịch về, như không trung thực khai báo lịch trình đi lại, để là nguồn cơn làm lây sang người nhà và những người có tiếp xúc. Rồi chuyện những người trốn cách ly. Hay người phải cách ly tập trung đã có những lời lẽ thiếu chuẩn mực khi làm việc với cơ quan chức năng, phàn nàn về điều kiện sinh hoạt ở khu cách ly không như...ở nhà.

Gần đây chính quyền nhiều địa phương đã có quyết định tạm dừng đóng cửa các cơ sở kinh doanh như quán bar, karaoke, mát-xa... nhưng thực tế còn “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Phủ Tây Hồ ở Hà Nội, trong ngày đầu tháng ba âm lịch này vẫn đông nghịt người đến chiêm bái. Quán Bar 3.14 Lounge, khi cơ quan chức năng kiểm tra đã phát hiện 34 chai rượu và 17 nhân viên cùng 35 khách, trong đó có 5 đối tượng dương tính với chất ma túy. Hoặc sự việc một siêu thị ở Quảng Ngãi tổ chức lễ khai trương vào sáng 26/3, hàng ngàn người đến mua sắm như mở hội. Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng và ngành y tế, nhiều người dân vẫn không đeo khẩu trang khi ra đường, không giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét ở nơi công cộng; nhiều quán trà đá vỉa hè ở Thủ đô vẫn còn những người túm 5 tụm 3 trong những làn khói thuốc lá, thuốc lào...

Ấn Độ đã phong tỏa toàn quốc, người dân ra đường mà không đeo khẩu trang sẽ bị cảnh sát dùng... gậy baton nhắc nhở, hoặc phạt người vi phạm tập thể dục, hít đất ngoài đường

Tôi rất tâm đắc với một số quốc gia khi họ đã có những hình thức xử phạt đối với người dân, nếu họ không tuân thủ các quy định của Chính phủ trong việc ngăn chặn dịch COVID-19. Chẳng hạn tại Ấn Độ, quốc gia này đã phong tỏa toàn quốc, người dân ra đường mà không đeo khẩu trang sẽ bị cảnh sát dùng... gậy baton nhắc nhở, hoặc phạt người vi phạm tập thể dục, hít đất ngoài đường. Tại Australia, các cá nhân không chấp hành lệnh của chính quyền trong trường hợp khẩn cấp về y tế sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 5.500 AUD (3.700 USD) đến 50.000 AUD (36.000 USD) và phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm. Chính phủ Ả-rập Xê-út cũng vừa chính thức thông báo phạt những người trốn hoặc khai báo không trung thực về thông tin sức khỏe y tế như lịch sử đi lại trước khi nhập cảnh vào quốc gia này, với mức phạt hành chính là 133.000 USD (khoảng 3 tỷ VND) mỗi người...

Ý thức với nhiều người ở nước ta vẫn là điều gì đó khá xa xỉ. Văn hóa nghệ thuật không thiếu chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi” như hát nhép, đạo nhạc, đạo văn, đạo tranh, cố tình khoe thân, diễn cảnh nóng...để đạt được mục đích cá nhân. Giữa thanh thiên bạch nhật nơi công cộng, một số người vẫn thản nhiên tiểu tiện bừa bãi. Hoặc các em học sinh lao vào đánh lộn mà nhiều bạn cùng trang lứa, người lớn còn quay video, hùa vào cổ vũ...

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ vừa chia sẻ trên trang cá nhân, virus lan nhanh không hẳn là do chúng ta chưa có thuốc chữa mà do chính những thành viên trong cộng đồng chúng ta vô ý thức, vô tâm, thiếu trung thực, ích kỷ đến mức trở thành những kẻ độc ác với cộng đồng. “Làm ơn, đất nước này đã khốn khổ với dịch bệnh lắm rồi. Làm ơn, ngồi yên đi và biết nói lời từ chối đi, để không trở thành kẻ có tội với đất nước, hỡi những kẻ ham vui, vô tâm và ích kỷ ạ. Bớt vô tâm, ích kỷ tầm 2 tuần đi, cố bớt đi, xem như là tích đức, nhé!” – Facebooker Hoàng Nguyên Vũ viết.

Tôi cho rằng, trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19, mọi nỗ lực đều đổ sông đổ biển nếu mỗi chúng ta thiếu ý thức và trách nhiệm công dân với đất nước. Một lời nói hay, một hành động tốt và ý thức không chủ quan với dịch bệnh lúc này sẽ là một liều “vắc - xin” đặc hiệu để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Mỗi người dân là một liều vắc-xin ấy, tại sao không?


Quỳnh Phạm
Ý kiến của bạn