Đối mặt với COVID - 19, thế giới đang chứng kiến các hoạt động phòng ngừa bị hủy bỏ hoặc trì hoãn, nhân viên phòng thí nghiệm được chỉ định tập trung làm các xét nghiệm ưu tiên cho COVID-19, điều này khiến cho các trường hợp xét nghiệm phát hiện HIV và lao đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Các chương trình phòng chống bệnh lao, sốt rét, HIV đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung cấp và điều trị y tế, các dịch vụ bị gián đoạn.
Nhiều hoạt động đang bị hủy bỏ do: giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người, dừng các hoạt động vận chuyển, nạn kỳ thị liên quan đến COVID... trong khi đó, người dân không đi khám bệnh định kỳ. Dự báo, ở những nơi có nguy cơ bệnh dịch cao trên thế giới, tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV, lao và sốt rét trong 5 năm tới có thể tăng lên lần lượt là 10%, 20% và 36%.
Cần phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm song song phòng chống COVID-19.
Nguy cơ lao phổi bùng phát trở lại
Bệnh lao là căn bệnh gây tử vong lớn nhất thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người có tình trạng bệnh lý nền từ trước. Đặc biệt những người bị lao thường dễ bị các bệnh nhiễm trùng khác, bao gồm cả COVID-19 do tổn thương phổi đã có từ trước.
Các triệu chứng của lao tương đối giống COVID-19 bao gồm: sốt nhẹ, khó chịu, ho, đau và khó thở. Bệnh lao lây nhiễm phát triển nhanh trong cộng đồng và dễ bùng phát thành dịch trở lại sau một thời gian dài đã được kiểm soát.
Vấn đề đáng lo ngại trong khống chế dịch bệnh lao phổi là việc ngăn chặn ổ dịch đòi hỏi phải theo dõi tiếp xúc, cũng như cách ly và điều trị người bệnh trong vài tuần hoặc vài tháng - một thời gian tương đối dài.
Tuy nhiên, giờ đây khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới và tiêu tốn các nguồn lực y tế toàn cầu, kèm theo tình trạng bế tắc và gián đoạn chuỗi cung ứng đe dọa đến tiến trình phòng chống lao phổi.
Tử vong do HIV tăng cao trong thời kỳ COVID -19
Cái giá phải trả của việc không hành động do sự gián đoạn dịch vụ liên quan đến COVID-19 có thể làm tăng thêm hàng trăm nghìn ca tử vong do HIV trên toàn thế giới. Kết quả đạt được trong việc ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con nhiều năm qua có thể bị đảo ngược, với tỷ lệ nhiễm HIV mới ở trẻ em lên tới 162%.
Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về AIDS (UNAIDS) đã ước tính rằng nếu không nỗ lực để giảm thiểu và khắc phục sự gián đoạn trong các dịch vụ y tế và nguồn cung cấp trong đại dịch COVID-19, thì việc điều trị AIDS bằng ARV sẽ bị gián đoạn trong 6 tháng có thể dẫn đến hơn 500.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến AIDS, bao gồm cả bệnh lao, ở châu Phi và các khu vực cận sa mạc Sahara vào năm 2021.
Hiện có khoảng 25,7 triệu người tại khu vực châu Phi đang sống chung với HIV và 16,4 triệu (64%) đang điều trị bằng thuốc kháng virus. Số bệnh nhân này có nguy cơ bị gián đoạn điều trị do các dịch vụ HIV bị tạm dừng hoặc không thể cung cấp liệu pháp kháng virus vì gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc vì các dịch vụ đơn giản trở nên quá tải do tập trung nguồn lực phòng chống COVID-19.
Khi người bệnh không thể điều trị bằng thuốc kháng virus HIV thường xuyên, lượng virus sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Ngay cả những gián đoạn điều trị tương đối ngắn hạn cũng có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và tăng khả năng lây nhiễm HIV. Việc cung cấp thuốc điều trị ARV bị gián đoạn 3 tháng hoặc dài hơn sẽ dẫn đến việc tuân thủ điều trị một cách lẻ tẻ, kéo theo sự lan rộng của HIV kháng thuốc, với hậu quả nghiêm trọng là gia tăng tỷ lệ tử vong.
Viễn cảnh khủng khiếp về việc thêm nửa triệu người ở châu Phi chết vì các căn bệnh liên quan đến AIDS trong thời gian tới đang đe dọa chúng ta.
Sốt rét và COVID- 19
Trong đại dịch COVID- 19, bệnh sốt rét cũng bắt đầu bùng phát trở lại ở châu Phi, khu vực cận Sahara và một số quốc gia châu Á khác. Khả năng tiếp cận với các loại thuốc trị sốt rét hiệu quả giảm tới 75% và ước tính số ca tử vong do sốt rét ở châu Phi đến cuối năm 2020 sẽ lên tới 769.000 (gấp đôi năm 2018). Điều này cho thấy sự quay trở lại mức tử vong cao do sốt rét. Theo Báo cáo sốt rét thế giới 2019, khu vực châu Phi, cận Sahara chiếm khoảng 93% tổng số ca sốt rét và 94% số ca tử vong trong năm 2018, với hơn 2/3 số ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Thực tế đang cho thấy nguy cơ dịch bệnh sẽ không chỉ dừng ở COVID-19, mà đang lan sang nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác. Trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh, tất cả mọi người đều cần được bảo vệ, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất, các quốc gia cần sớm nhận biết nguy cơ và sớm có hành động để không ai bị bỏ lại phía sau.