COVID-19 kéo dài có thể coi là tình trạng mạn tính và cần tới thuốc chống viêm?

14-05-2022 17:07 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Những bệnh nhân COVID-19 kéo dài có thể bị tình trạng phản ứng viêm quá mức lan tỏa khắp cơ thể và việc làm giảm bớt tình trạng viêm đó có thể là chìa khóa để cứu sống họ - Theo kết quả nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí Frontiers in Medicine.

1. Thuốc chống viêm steroid có thể giúp giảm tử vong ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài?

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Florida (Mỹ) nhận thấy, tình trạng viêm hệ thống nặng trong thời gian nhập viện vì COVID-19 làm tăng nguy cơ tử vong trong vòng 1 năm sau khi bệnh nhân hồi phục, ra viện.

Nhóm nghiên cứu cho biết, bệnh nhân bị phản ứng viêm càng mạnh trong thời gian nhập viện vì COVID-19, thì khả năng tử vong trong vòng 1 năm sau khi phục hồi càng cao. Tuy nhiên, những bệnh nhân được sử dụng thuốc chống viêm steroid có nguy cơ tử vong sau khi xuất viện thấp hơn so với những người không được dùng thuốc, mặc dù điều này vẫn còn đang gây tranh cãi.

COVID-19 kéo dài có thể coi là tình trạng mạn tính và cần tới thuốc chống viêm? - Ảnh 2.

COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể do phản ứng viêm.

Trưởng nhóm nghiên cứu Arch Mainous, tại Khoa y tế công cộng và Y học gia đình thuộc Đại học Florida (Mỹ), cho biết: "COVID-19 ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể do phản ứng viêm. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi gợi ý rằng có thể điều trị cho bệnh nhân bằng một số loại thuốc chống viêm sau khi họ xuất viện".

"Nghiên cứu mới này tiếp nối 1 nghiên cứu khác của Đại học Florida vào cuối năm ngoái cho thấy những người đã hồi phục sau mắc COVID-19 nặng có nguy cơ tử vong trong 1 năm sau đó cao hơn 2 lần vì bất kỳ nguyên nhân nào, so với những người mắc COVID-19 nhẹ và trung bình. Vì vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao lại như vậy?" - Mainous cho biết thêm.

Để trả lời câu hỏi này, Mainous và cộng sự đã theo dõi hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Đại học Florida từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2021 để xem bệnh nhân tiến triển ra sao trong vòng 1 năm sau hồi phục.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá nồng độ protein phản ứng C (CRP) của các bệnh nhân, là xét nghiệm đánh giá tình trạng phản ứng viêm của cơ thể trong đáp ứng miễn dịch với mầm bệnh. Đồng thời, kiểm tra xem bệnh nhân có được kê đơn thuốc steroid đường uống sau khi xuất viện hay không.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân COVID-19 nhập viện với nồng độ CRP cao nhất trong thời gian mắc bệnh có nguy cơ tử vong trong vòng 1 năm sau khi xuất viện cao hơn khoảng 60% so với những bệnh nhân COVID-19 có nồng độ CRP thấp nhất.

Ngoài ra, nguy cơ tử vong của những bệnh nhân COVID-19 có nồng độ CRP cao nhất sẽ giảm khoảng 50% nếu họ được kê đơn dùng thuốc chống viêm steroid sau khi ra viện.

2. Chuyên gia nói gì?

Mainous cho biết, tình trạng viêm hệ thống các cơ quan cơ thể giúp giải thích lý do vì sao COVID-19 kéo dài lại có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau cho người bệnh.

"Đó là lý do vì sao một số người gặp vấn đề về nhận thức, một số khác bị mất khứu giác, hoặc các vấn đề về thận hoặc đột quỵ. Tình trạng viêm hệ thống nặng có thể gây ra vấn đề sức khỏe cho người bệnh theo những cách khác nhau, và COVID-19 dường như có thể tấn công nhiều cơ quan trong cơ thể cùng một lúc. Điều này khiến chúng ta cần phải xem xét kỹ hơn COVID-19, trong đó có nhiều vấn đề dường như hoàn toàn không liên quan" - Mainous cho biết thêm.

COVID-19 kéo dài có thể coi là tình trạng mạn tính và cần tới thuốc chống viêm? - Ảnh 3.

Bệnh nhân cần được khám để phòng COVID-19 kéo dài.

Theo các chuyên gia, còn quá sớm để biết những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục có nên dùng thuốc chống viêm kéo dài hay không, vì đây mới chỉ là một nghiên cứu quan sát, không phải là một thử nghiệm lâm sàng đánh giá cụ thể xem các loại thuốc chống viêm thực sự có hiệu quả như thế nào.

Tiến sĩ Ravindra Ganesh, phụ trách Phòng khám chăm sóc hậu COVID-19 thuộc Bệnh viện Mayo Clinic ở Rochester, Minn (Mỹ) cho biết: "COVID-19 kéo dài nên được coi là một tình trạng mạn tính, vì hầu hết những bệnh nhân này tiếp tục bị các triệu chứng trong nhiều tháng tiếp theo".

"Hầu hết các bệnh nhân của chúng tôi đều có các triệu chứng sau 6 tháng, và một số tiếp tục phát triển hội chứng viêm cơ tủy xương/mệt mỏi mạn tính (ME/CFS) và có thể kéo dài suốt đời" - Ganesh cho biết thêm.

Tuy nhiên, Ganesh cho rằng: "Dựa trên những gì chúng tôi thấy ở bệnh nhân của mình, phần lớn các triệu chứng cuối cùng sẽ biến mất". Mặc dù đồng ý rằng tình trạng viêm vẫn gia tăng ở những bệnh nhân COVID-19 kéo dài, nhưng Ganesh cũng không chắc chắn rằng việc kê đơn sử dụng thuốc chống viêm kéo dài có phải là biện pháp hiệu quả hay không.

"Việc sử dụng chống viêm cũng có những nguy cơ nhất định, bao gồm cả nguy cơ gây nhiễm trùng thứ phát. Tuy chưa rõ việc sử dụng thuốc chống viêm có giúp kiểm soát được tình trạng COVID-19 kéo dài hay không, nhưng đây sẽ là một chủ đề đáng quan tâm và cần đánh giá lợi ích/nguy cơ trước khi áp dụng biện pháp này" - Ganesh nhấn mạnh.

6 cách không dùng thuốc giúp giảm nhẹ chứng COVID kéo dài6 cách không dùng thuốc giúp giảm nhẹ chứng COVID kéo dài

SKĐS - Các giải pháp tự nhiên có thể giúp bạn đối phó với các triệu chứng COVID kéo dài: Thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, hoạt động thể chất ... Chuyên gia dinh dưỡng người Pháp Raphaël Gruman mách bạn 6 giải pháp tự nhiên cho các chứng rối loạn COVID kéo dài khác nhau.

Mời các bạn xem video nhiều người quan tâm:

SEA Games 31- Lo ngại chấn thương & cách phục hồi.


BS. Mẫn Thu
Ý kiến của bạn