Nâng mức phòng, chống dịch COVID-19 tại chợ, siêu thị
Thực tế cho thấy, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp với 20 chợ đầu mối, chợ truyền thống và hàng chục siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích tại Hà Nội đã xuất hiện F0. Điều này ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa, thực phẩm thiết yếu khiến người dân lo lắng.
Ngày 5/8, trên địa bàn Hà Nội, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích... đã được nâng lên một mức.
Các cửa hàng Vinmart và siêu thị T-mart trên địa bàn quận Thanh Xuân, ngoài việc siết chặt quy định phòng, chống dịch theo thông điệp "5K", đều tăng cường thêm nhân viên ứng trực, yêu cầu người dân đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách với người khác, khu vực thanh toán, các cửa hàng đã lắp đặt vách ngăn, bố trí lối ra, vào khác hướng.
Tương tự, tại chợ Kim Giang (quận Thanh Xuân), công tác kiểm soát phiếu đi chợ được thực hiện nghiêm ngặt. Ban Quản lý chợ quận Thanh Xuân đã căng dây, kẻ vạch ngay cổng chợ để người dân xếp hàng, giữ khoảng cách.
Mỗi lượt vào chợ có 15 người, được kiểm tra thân nhiệt, sử dụng nước sát khuẩn, khai báo thông tin và trình phiếu đi chợ. Trung bình mỗi buổi sáng, chợ Kim Giang có khoảng 400 người xếp hàng đi chợ, buổi chiều ít hơn, khoảng 20-30 người.
Cách đó không xa, UBND phường Ngã Tư Sở đã thông báo khẩn cấp và triển khai việc tạm dừng kinh doanh tại khu vực phố Cầu Mới và phố Vĩnh Hồ để bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngay trong đêm 2/8.
Lực lượng Công an phường Ngã Tư Sở và các tổ COVID-19 cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành của người dân. Trước đó tại đây người mua bán khá lơ là, không đảm an toàn phòng, chống dịch.
Việc kiểm soát tại các chợ, siêu thị tại địa bàn quận Cầu Giấy cũng được thực hiện nghiêm túc. Ngoài việc tổng hợp danh sách hộ kinh doanh, bản cam kết phòng, chống dịch của tiểu thương tại các chợ dân sinh trên địa bàn về UBND quận trước ngày 5/8 để theo dõi, UBND Quận Cầu Giấy cũng yêu cầu người đi chợ phải khai báo y tế điện tử, giữ khoảng cách an toàn, đồng thời lên phương án lắp camera giám sát tại các cổng chợ dân sinh.
Tại chợ Bưởi, chợ Nghĩa Đô (chợ Bái) khu vực quận Tây Hồ, Hà Nội, công tác kiểm soát người đi chợ được tăng cường cao hơn. Do vị trí gần nhau, một chốt kiểm soát được lập ra ở điểm giữa 2 chợ để hạn chế tối đa người dân đi "lẫn" khu vực chợ không cần thiết. Những người có phiếu đi chợ được lực lượng kiểm tra hướng dẫn về khu chợ gần nhà nhất.
Nghiêm ngặt hơn, một số chợ dân sinh như chợ Bách Khoa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), còn chia thành các khu bán hàng, căng vách nhựa, nilon ngăn cách nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người bán và người mua. Nhiều cửa hàng tạp hoá, siêu thị khắp Hà Nội đã tự giác trang bị vách ngăn cứng, mềm ngăn cách khách và người bán, nhân viên.
Nhiều siêu thị "hết"… nhân viên
Một yêu cầu khác được đặt ra là để người dân mua sắm an toàn và chống đứt gãy hàng hóa, nhiều chuỗi sản xuất và hệ thống bán lẻ đề nghị được gấp rút tiêm vắc xin cho nhân viên. Chi phí dành cho việc khử trùng, kiểm dịch, đặc biệt là tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên cao… là các áp lực đè nặng lên nhiều nhà sản xuất, nhà bán lẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội cho biết, siêu thị Co.opmart Hà Đông bắt đầu đóng cửa từ sáng 31/7 để điều tra dịch tễ, khử khuẩn do liên quan tới ca F0. Đến nay các nhân viên đều có kết quả âm tính nhưng vẫn phải cách ly, nên siêu thị không đủ người bán trực tiếp tại cửa hàng, vẫn phải đóng cửa. Hiện siêu thị vẫn mở bán hàng online, có 3 xe tải đã được cung cấp luồng xanh đảm bảo giao hàng khắp nội thành Hà Nội.
Đại diện một siêu thị khác tại Hà Nội cho biết số lượng nhân sự trên 200 người nhưng chỉ một số nhỏ nhân viên được tiêm phòng vaccine COVID-19. "Chúng tôi vừa lo cho mình, nhân viên, lo cho cả khách hàng và sự ảnh hưởng đến công việc chung nữa. Hàng ngày phải trực tiếp phục vụ trong hàng chục khâu, cả trực tiếp với khách hàng, tôi mong muốn đội ngũ này được ưu tiên tiêm chủng để yên tâm phục vụ người dân" – vị đại diện tỏ ra lo lắng.
Tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ Masan là nhà sản xuất lượng lớn hàng tiêu dùng thiết yếu, ngoài việc sở hữu gần 2.500 siêu thị VinMart và VinMart+, Masan còn có mối quan hệ cung ứng mật thiết với gần 300.000 điểm bán lẻ truyền thống phủ sóng khắp Việt Nam cũng gửi công văn khẩn thiết đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp tạo điều kiện cho hơn 22.000 cán bộ nhân viên của VinCommerce được nhanh chóng tiêm vaccine COVID-19.
Để hỗ trợ các hệ thống bán lẻ duy trì hoạt động cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất với Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 về việc đưa người lao động tại hệ thống bán lẻ hàng hóa vào đối tượng ưu tiên tiêm; đề nghị Hà Nội và các tỉnh thành chỉ đạo ngành y tế của địa phương ưu tiên tiêm cho người lao động tại các doanh nghiệp phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu theo danh sách cụ thể Bộ cung cấp.
Trung bình các nhân viên mỗi siêu thị lớn tiếp xúc từ hàng trăm đến cả nghìn khách hàng/ngày, nguy cơ lây nhiễm là rất cao và thực tế nhiều nơi phải đóng cửa vì có ca nhiễm. Tuy nhiên, nhiều nhân viên siêu thị vẫn bám trụ, phần vì công việc, phần vì sự động viên từ công ty.
Chị Hoàng Thị Hoa, nhân viên bán hàng tại siêu thị Intimex (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Đi làm lúc dịch bệnh phức tạp, bản thân và gia đình luôn thường trực nỗi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chúng em cứ phải cố gắng để đáp ứng nhu cầu hàng hóa rất cấp thiết cho người dân, gạt bỏ những nỗi lo. Và công ty cũng hỗ trợ hết sức như trang bị, vật dụng, xét nghiệm, kiểm tra sàng lọc khách… nên bọn em cũng yên tâm hơn".
> Xem thêm video đang được chú ý trên Sức khỏe & Đời sống:
Bên trong phòng điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Video: Hà Văn Đạo