Tổng thống Mỹ coi dịch bệnh COVID-19 là một thảm họa quốc gia, nhưng liệu dịch bệnh này có thể “hạ gục” hệ thống y tế của Mỹ như Italy hay gây thảm họa cho nền kinh tế, xã hội Mỹ hay không?
3 tháng trước, không ai biết đến sự tồn tại của virus SARS-CoV-2, thế mà giờ đây, nó đã lây lan sang gần như tất cả các quốc gia trên thế giới với số ca mắc gần 700.000 trường hợp, số tử vong lên hơn 30.000 người. Đi đến đâu COVID-19 gây họa đến đó, nó làm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của một số quốc gia bị phá vỡ, đường phố trở nên vắng lặng vì bị phong tỏa, nó khiến con người buộc phải duy trì khoảng cách với nhau.
Mỹ tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới của dịch bệnh COVID-19 khi có số ca mắc vượt 120.000 người, hơn 2.000 sinh mạng đã nằm lại. New York tiếp tục là bang có số người nhiễm bệnh cao nhất với hơn 52.000 trường hợp, trong đó có hơn 700 người tử vong. “Điểm nóng” thứ hai của Mỹ về dịch COVID-19 là bang New Jersey đã ghi nhận hơn 11.000 người mắc bệnh, trong đó 140 ca tử vong. Bang California ở bờ Tây nước Mỹ cũng đã ghi nhận gần 5.000 người nhiễm, trong đó có hơn 100 trường hợp tử vong.
Mỹ trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.
Diễn biến dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ sẽ được quyết định trong 3 tuần nữa
Viện Đo lường và đánh giá y tế (IHME) tại Trường Y thuộc Đại học Washington dự báo COVID-19 có thể khiến các bệnh viện Mỹ quá tải vào đầu tháng 4. Giám đốc IHME Christopher Murray cảnh báo: “Quỹ đạo của đại dịch sẽ thay đổi và đột ngột tệ hơn nếu người dân xem nhẹ biện pháp cách ly xã hội hay không thực hiện nghiêm các biện pháp đề phòng khác”.
Trong khi dịch bệnh ập tới “cuồn cuộn như sóng thần”, Mỹ nhận nhiều chỉ trích về những phản ứng không kịp thời hoặc đã “bỏ lỡ thời gian vàng” để phòng chống dịch bệnh. Thực tế là với trên 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày lại tập trung chủ yếu ở 3 bang New York, California, New Jersey thì việc thiếu các trang thiết bị y tế cho cấp cứu, điều trị hoặc các cơ sở y tế là điều không thể tránh khỏi đối với bất cứ quốc gia nào, kể cả nơi có nền y tế phát triển như ở Mỹ.
Theo Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo, số lượng bệnh nhân phải nhập viện tại Mỹ đã tăng 13 lần trong 10 ngày qua. Chính quyền thành phố New York đã kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất máy thở, thiết bị y tế và lên kế hoạch xây dựng thêm 8 bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch bệnh. Theo dự báo, tại bang New York, dịch COVID-19 sẽ lên tới đỉnh điểm trong khoảng 3 tuần nữa. Như vậy, dù không có những chuẩn bị từ xa nhưng nước Mỹ đang cho thấy một sự đáp ứng với dịch bệnh trong một thời gian rất ngắn. Ông Cuomo nhận định, dù số mắc bệnh vẫn tăng, nhưng tốc độ đang chậm lại, đây là một tín hiệu mừng nhưng tất cả phụ thuộc vào 21 ngày tới.
Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đang cân nhắc biện pháp cách ly bắt buộc 2 tuần đối với các bang New York và một phần các bang New Jersey và Connecticut nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Kinh tế Mỹ sẽ suy thoái?
Việc ngừng hoạt động của các doanh nghiệp do đại dịch COVID-19 đã khiến 3,3 triệu người ở Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, sản lượng kinh tế sụt giảm đáng kể. Dự báo số người thất nghiệp tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho rằng Mỹ rất có thể đã rơi vào suy thoái, đồng thời cảnh báo thời gian để dỡ bỏ các hạn chế xã hội vốn gây thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tùy thuộc vào diễn biến dịch COVID-19.
Dịch COVID-19 đang giáng đòn thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Mỹ khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân phải ở tại nhà và sự hoảng sợ đang bao trùm ảnh hưởng tới các thị trường tài chính. Ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo GDP của Mỹ sẽ sụt giảm vài phần trăm. Còn ngân hàng Deutsche Bank không loại trừ khả năng kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái trầm trọng nhất, ít ra là kể từ sau Thế chiến thứ II đến nay.