Việt Nam là một trong những quốc gia giữ được sự ổn định, an toàn, trở thành điểm sáng của công cuộc chống dịch tầm cỡ thế giới… Thành tựu lớn đó, hiện thực cuộc chiến âm thầm mà khốc liệt đó lần đầu tiên được đưa lên sân khấu qua vở diễn Cuộc chiến COVID của Sân khấu Lệ Ngọc (tác giả Minh Nguyệt, đạo diễn NSND Lê Hùng).
Cảnh trong vở Cuộc chiến COVID.
Hiện thực rộng lớn, còn nóng hổi, lại rất khó đi vào từng câu chuyện, tâm tư con người cụ thể nên đến với vở diễn, rất nhiều người làm nghề cũng mang tâm lý hồi hộp, chờ đợi. Không hổ với sự tôn vinh thầy phù thủy của sân khấu, Lê Hùng đã trình làng một vở diễn khá hấp dẫn, đời thường, đủ cung bậc bi hài và quan trọng là đã làm dấy lên một tinh thần tự hào Việt Nam rất xúc động. Thông điệp của vở diễn được truyền tải một cách mềm mại, đời thường, dễ đi vào lòng người, giàu tính nhân văn khi thể hiện rõ tinh thần của nhà lãnh đạo với người dân; tình cảm của y bác sĩ với người dân và sự đùm bọc của người dân trong những lúc khó khăn. Tuy nhiên, sắc thái không hoàn toàn là màu hồng nên vở diễn cũng đã phác thảo những “sâu mọt” lợi dụng hoàn cảnh khốn khó để trục lợi, tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận.
Với sự trợ lực của màn hình LED, của âm nhạc, tiếng động, tác phẩm đã khắc họa khá toàn diện cuộc chiến không tiếng súng mà đầy khốc liệt. Hình ảnh nhân vật Đức (Văn Hải thủ vai), vị lãnh đạo tận tâm, lao tâm khổ tứ quên ăn quên ngủ cho công tác chống dịch. Rồi hai mẹ con cùng là bác sĩ: bác sĩ Tú Anh (Lệ Ngọc), Nga (Khương Thủy) kiệt sức trong khu cách ly liên tục có những ca bệnh trở nặng, lại đau đớn vì không thể về tiễn người thân đã mất… Bên cạnh đó còn là những nét phác thảo về tình cảm chia sẻ, đùm bọc của người dân với những người phải vào khu cách ly… Đạo diễn đã “đo” được khá tốt tâm lý người xem, cân bằng giữa những cuộc họp bàn giao công việc có phần khô khan là những cảnh hài hước thú vị như hai bà cụ và anh xích lô, chàng trai với cô gái trong khu cách ly... Sự ăn khớp giữa những lát phim tư liệu rất chắt lọc trên màn hình LED với nội dung cần diễn tả trên sân khấu. Tiếng động, âm nhạc, cung cách diễn tả rất thật: chiếc xích lô, những công cụ y tế, không khí khẩn trương khi dịch bệnh lan nhanh... đã gợi lại hồi ức chưa xa của người xem. Đã có những giọt lệ rơi, những tràng pháo tay khi cảnh diễn lên cao trào. Công lao đó thuộc về đạo diễn, về tập thể các nghệ sĩ, sự sáng tạo và đầu tư của những người điều hành Sân khấu Lệ Ngọc. Một sân khấu tư nhân lại mạnh dạn trực tiếp đưa lên sàn diễn đủ chiều kích lại vẫn sâu sắc về tinh thần đoàn kết của người dân, sự chỉ đạo sáng suốt của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, truyền được cảm hứng về lòng dũng cảm của những y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch. Khán giả xem vở diễn như được truyền lửa cho lòng tự hào về những ngày tháng gian nan vừa qua và sẵn sàng chấp nhận tiếp tục chiến đấu để có được sự bình yên của toàn xã hội.
Khó tránh khỏi vẫn còn những tiếc nuối về vở diễn như cảnh họp đầu kịch còn tản mạn, khô. Diễn viên đôi chỗ bị “khớp” nên diễn chưa đạt yêu cầu tự nhiên “diễn như không diễn”. Lời thoại còn chưa tinh. Tuy nhiên, tổng thể đây là vở diễn dễ xem, đáp ứng được nhu cầu nhìn lại đầy tự hào về thành tích đã qua, với tâm thế sẵn sàng vào trận khi cần của người dân. Làm tuyên truyền mà lại mềm mại, gây được xúc động, lại khiến người xem có thể cười vui... quả là không dễ.
Tin rằng, vở diễn sẽ tiếp tục tỏa sáng trên sàn diễn trong nhiều đêm, đem tới lòng tự hào cho mọi người dân đất Việt và nếu có cơ hội, sẽ lan tỏa tới nhiều nước trên thế giới về một Việt Nam kiên cường trước mọi kẻ thù, kể cả dịch bệnh.
1 năm COVID, sân khấu Lệ Ngọc dựng 6 vở kịch truyền thống, thời sự, phật giáo và vở COVID với 2 trăm buổi diễn. Điều ấy chứng tỏ, người nữ tướng chủ sân khấu dám nghĩ dám làm trong khi loại hình kịch đang bị mai một thì NSND Lệ Ngọc vẫn đương đầu vượt qua đại dịch để truyền tải tinh thần tới nhân dân tới khán giả. Hơn nữa, với hoạt động từ thiện, chị góp tiền Hội đồng đội Trung ương xây dựng trường học vùng khó khăn cũng như đi từ thiện cho 2 trường học miền núi tại Lào Cai.