COVID-19 có thể tấn công ADN ở tim

04-10-2022 07:06 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Theo kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí Immunology, COVID-19 có thể gây tổn thương ADN ở tim và gây ảnh hưởng đến cơ thể theo cách hoàn toàn khác với bệnh cúm.

Tổn thương tim trong bệnh COVID-19 khác với bệnh cúm

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu tim của những bệnh nhân tử vong do COVID-19, bệnh cúm và các nguyên nhân khác. Kết quả nghiên cứu có thể cung cấp manh mối về lý do tại sao SARS-CoV-2 lại dẫn đến các biến chứng như các vấn đề về tim.

Tác giả nghiên cứu Arutha Kulasinghe và cộng sự tại Đại học Queensland (Úc) đã phân tích tim của 7 bệnh nhân COVID-19, 2 bệnh nhân cúm và 6 bệnh nhân tử vong do các nguyên nhân khác. Họ đã đánh giá trình tự gen, cấu trúc ADN liên quan tới mô tim của bệnh nhân.

Vì các nghiên cứu trước đây đã cho thấy có những vấn đề về tim liên quan đến COVID-19, nhóm nghiên cứu ban đầu cho rằng có thể sẽ tìm thấy tình trạng viêm rất nghiêm trọng ở tim. Tuy nhiên, kết quả đã cho thấy các tín hiệu viêm đã bị ngăn chặn trong tim, trong khi các dấu ấn về tình trạng tổn thương và sửa chữa ADN cao hơn. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định được chắc chắn nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Nhóm nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều tổn thương ADN chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân COVID-19, mà không có ở bệnh nhân cúm. Do đó, dưới góc nhìn này, COVID-19 và bệnh cúm rất khác nhau về cách chúng gây ảnh hưởng đến tim".

"Các dấu hiệu ở mô tim cho thấy có sự tổn thương ADN, không phải là viêm nhiễm. Có điều gì đó khác thường đang diễn ra mà chúng tôi chắc chắn cần phải tìm hiểu thêm"- Nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Cần nghiên cứu thêm về tổn thương tim do COVID-19

COVID-19 có thể tấn công ADN ở tim - Ảnh 2.

COVID-19 có thể gây tổn thương ADN ở tim

Các nhà khoa học hy vọng rằng, các nghiên cứu khác có thể dựa trên kết quả nghiên cứu này để xây dựng các mô hình nguy cơ nhằm xác định những bệnh nhân nào có thể đối mặt với nguy cơ cao mắc các biến chứng COVID-19 nghiêm trọng, từ đó có thể giúp bác sĩ kịp thời đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất. Ví dụ, tất cả 7 bệnh nhân COVID-19 trong nghiên cứu mới này đều mắc các bệnh mạn tính khác như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và bệnh tim.

Theo nhóm nghiên cứu: "Lý tưởng nhất là trong tương lai, nếu bệnh nhân bị bệnh tim mạch, béo phì hoặc bị các rối loạn khác, và có thêm một dấu hiệu trong máu cho thấy có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng, thì các bác sĩ có thể phân nhóm bệnh nhân theo mức độ nguy cơ khi được chẩn đoán".

Các nhà khoa học cho biết, kết quả nghiên cứu này mới chỉ là sơ bộ ban đầu do kích thước mẫu nghiên cứu còn nhỏ. Thể loại nghiên cứu này thường gặp khó khăn khi tiến hành vì các nhà nghiên cứu phải chờ đợi các tạng của bệnh nhân tử vong, cũng như cần gia đình bệnh nhân cho phép để khám nghiệm tử thi và sinh thiết, qua đó mới có thể xem xét tác động của bệnh lên các mô của cơ thể.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: "Thách thức của chúng tôi là cần đưa ra khuyến nghị lâm sàng từ kết quả nghiên cứu, điều mà chúng tôi chưa thể thực hiện được ở giai đoạn này. Mặc dù kết quả nghiên cứu mới đã cho thấy có sự khác biệt sinh học thực sự cơ bản giữa COVID-19 và bệnh cúm, nhưng việc tiến hành các nghiên cứu lớn hơn để xác thực điều này là cần thiết".

Phương pháp gen giúp phục hồi tổn thương timPhương pháp gen giúp phục hồi tổn thương tim

Theo kết quả một thí nghiệm mới đây của các nhà khoa học thuộc Trường đại học Thomas Jefferson - Mỹ, phương pháp cấy gen có thể giúp điều trị những tổn thương về tim cho bệnh nhân mắc bệnh tim.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Hơn 40 Người Tử Vong Vì Bệnh Dại, Bộ Y Tế Cảnh Báo Nguy Cơ Bùng Phát - SKĐS


BS.Thanh Liêm
Ý kiến của bạn