Hà Nội

COVID-19 có thể gây tổn thương não, phát triển rối loạn lo âu ở người bệnh

11-03-2022 18:07 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Những người sống chung với COVID-19 kéo dài thường gặp các triệu chứng bao gồm sương mù não và rối loạn lo âu, ngay cả khi mắc COVID-19 nhẹ.

  • Một nghiên cứu cho thấy tình trạng viêm trong não và tổn thương tế bào thần kinh có liên quan đến các triệu chứng lo âu ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài.
  • Cả những người sống sót sau COVID-19 nhập viện và không nhập viện với các triệu chứng rối loạn lo âu, đều cho thấy sự suy giảm nhận thức và mức độ cao của các dấu hiệu sinh học của viêm não.
photo-1646989913746

COVID-19 có thể gây rối loạn lo âu

1. COVID-19 có thể gây rối loạn lo âu bất kể bệnh nặng hay nhẹ

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học Đại học Northwestern đã phát hiện ra rằng tình trạng viêm não và tổn thương tế bào thần kinh ở những bệnh nhân COVID-19 kéo dài, kể cả những người không phải nhập viện, có liên quan đến sự phát triển rối loạn lo âu.

Nghiên cứu trên một nhóm bệnh nhân, bao gồm:

  • Bệnh nhân COVID -19 đã phải nhập viện trong thời gian dài
  • Bệnh nhân COVID-19 nhẹ không nhập viện
  • Bệnh nhân nhập viện vì một bệnh não khác
  • Những người khỏe mạnh không bị nhiễm COVID-19

Những người tham gia đã trả lời các câu hỏi về chất lượng cuộc sống của mình sau khi hồi phục COVID-19; hoàn thành các hoạt động được tiêu chuẩn hóa nhằm kiểm tra khả năng nhận thức, tốc độ xử lý, sự chú ý, chức năng điều hành và trí nhớ làm việc…

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những bệnh nhân đã nhập viện do COVID-19 có mức độ suy giảm nhận thức và giảm chất lượng cuộc sống tương tự như những người có trường hợp nhẹ hơn. Do đó, kết quả nhận thức không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng dấu hiệu sinh học cho chứng viêm não phổ biến hơn ở những người trải qua lo lắng. Ngoài ra, những người bị lo lắng nghiêm trọng hơn có tỷ lệ dấu hiệu viêm cao hơn.

Điều này đúng ngay cả khi các nhà nghiên cứu tính đến sự khác biệt về nhân khẩu học như tuổi tác, giới tính và chỉ số khối cơ thể.

2. Đóng góp thêm dữ liệu về COVID-19 gây tác động tới thần kinh

photo-1646989917291

Một số người cho rằng lo lắng hoặc trầm cảm ở những bệnh nhân COVID-19 kéo dài là kết quả của những thay đổi môi trường trong thời kỳ đại dịch hoặc sự kỳ thị liên quan đến việc bị nhiễm bệnh, nhưng mối liên hệ giữa các triệu chứng rối loạn lo âu và các dấu ấn sinh học trong nghiên cứu này đã chỉ ra rằng có những thay đổi thể chất đối với não ở một số bệnh nhân. Điều này có thể gợi ý rằng có thể có một nguyên nhân cơ học nào đó gây ra triệu chứng lo âu tâm thần kinh đó. Các nhà khoa học cho biết.

Từ lâu, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân nhập viện do bệnh hiểm nghèo đôi khi phải gánh chịu hậu quả thần kinh do các phương pháp điều trị cần đặt nội khí quản hoặc hạn chế oxy lên não. So sánh nhóm này với những người chưa bao giờ nhập viện do COVID-19, chỉ ra rằng SARS-CoV-2 đang gây ra các vấn đề về thần kinh.

Theo các nhà khoa học, các nghiên cứu về COVID -19 kéo dài nên tính đến các nhóm đối chứng khỏe mạnh, cũng như nhóm bệnh nhân nhập viện và không nhập viện. Do có nhiều yếu tố từ đại dịch có thể ảnh hưởng đến hoạt động nhận thức, như cô lập xã hội, căng thẳng và trầm cảm, nếu chúng ta có thể tìm thấy hai nhóm đều sống trong đại dịch - một nhóm đã bị nhiễm bệnh và một nhóm chỉ bị ảnh hưởng - và vẫn cho thấy có sự khác biệt, điều đó thực sự quan trọng.

Mặc dù là nghiên cứu nhỏ và cần có những nghiên cứu sâu hơn với nhiều người tham gia hơn, bao gồm cả những bệnh nhân đã hồi phục sau COVID-19 mà không có các triệu chứng thần kinh để làm rõ hơn kết quả của nghiên cứu, nhưng phát hiện của nghiên cứu này vẫn đóng góp vào lượng kiến thức ngày càng tăng về tác động tâm thần kinh của COVID kéo dài.

Hiểu được tác động của COVID-19 tới thần kinh sẽ giúp phát triển các phương pháp chẩn đoán và điều trị tốt hơn.

Mời độc giả xem thêm video:

Chuyên gia- Cần 2 điều kiện cơ bản để F0 đi làm an toàn



Ngọc Bích
(Theo VWH)
Ý kiến của bạn