Gánh nặng cho chăm sóc sức khỏe
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần và thể chất lâu dài. Những trường hợp này, được gọi là hội chứng “COVID-19 kéo dài”, đang ngày càng trở thành gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe. Kết quả nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí PLOS ONE cho thấy hơn 1/4 số người trưởng thành mắc COVID-19 vào năm 2020 đã không thể hồi phục hoàn toàn từ 6 đến 8 tháng sau đó.
Nghiên cứu bao gồm 431 người ở Zurich (Thụy Sĩ) có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 từ tháng 2 đến tháng 8 năm 2020. Tất cả bệnh nhân đều hoàn thành bảng câu hỏi khảo sát sức khỏe trực tuyến khoảng 7 tháng sau khi có chẩn đoán mắc COVID-19. Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 47. Kết quả cho thấy, gần 9/10 số bệnh nhân có biểu hiện các triệu chứng khi họ được chẩn đoán mắc COVID-19 và 19% đã phải nhập viện tại thời điểm chẩn đoán mắc bệnh.
Cần có chiến lược chăm sóc cho bệnh nhân mắc COVID-19 kéo dài
Theo nghiên cứu, 26% bệnh nhân cho biết họ chưa hồi phục sức khỏe hoàn toàn tính từ khi có chẩn đoán bị mắc COVID-19. Trong số đó, 55% cho biết có biểu hiện mệt mỏi, 25% bị khó thở và 26% có triệu chứng trầm cảm. Phụ nữ và những bệnh nhân phải nhập viện ngay tại thời điểm có chẩn đoán mắc bệnh thì có nguy cơ hồi phục không hoàn toàn cao hơn nam giới và những người không phải nhập viện. 4/10 số bệnh nhân cho biết đã ít nhất một lần phải đi khám sức khỏe tổng quát vì các triệu chứng dai dẳng của COVID-19.
Milo Puhan và các đồng nghiệp thuộc nhóm nghiên cứu tại Đại học Zurich cho biết: “Nghiên cứu này cho thấy 26% bệnh nhân COVID-19 không hồi phục hoàn toàn trong vòng 6 đến 8 tháng sau khi có chẩn đoán mắc bệnh và 40% bệnh nhân có ít nhất một lần cần được chăm sóc sức khỏe liên quan đến COVID-19".
Các nhà nghiên cứu cho rằng: "Những phát hiện này nhấn mạnh sự cần thiết phải lập kế hoạch kịp thời về các nguồn lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe để đáp ứng nhu cầu của những bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 kéo dài".