Hà Nội

COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh trong bụng mẹ

08-06-2022 16:30 | Quốc tế
google news

SKĐS - Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm thần Châu Âu và Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) cho thấy trẻ sơ sinh tiếp xúc với COVID-19 khi còn trong bụng mẹ có nguy cơ thay đổi phát triển thần kinh cao hơn.

COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ sơ sinh trong bụng mẹ - Ảnh 1.

Nghiên cứu cho thấy COVID-19 có thể ảnh hưởng đến các chức năng vận động của trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm COVID-19.

Về cơ bản, những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ nhiễm COVID-19 khi đang mang thai có nguy cơ não phát triển khác với những đứa trẻ không tiếp xúc với COVID-19 trong bụng mẹ cao hơn.

Những thay đổi được nghiên cứu cho thấy trẻ sinh ra từ "bà mẹ bị nhiễm bệnh" gặp "khó khăn hơn trong việc kiểm soát cử động đầu và vai." Nghiên cứu cho thấy COVID-19 có thể đã ảnh hưởng đến các chức năng vận động của trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm COVID-19.

"Không phải tất cả trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm COVID-19 đều có sự khác biệt về phát triển thần kinh, nhưng dữ liệu của chúng tôi cho thấy nguy cơ của trẻ này tăng lên so với những trẻ không tiếp xúc với COVID-19 khi còn trong bụng mẹ. Chúng tôi cần một nghiên cứu lớn hơn để xác nhận mức độ chính xác của sự khác biệt này" - Trưởng dự án, Tiến sĩ Rosa Ayesa Arriola cho biết.

Một bản tóm tắt của nghiên cứu do Đại hội Tâm thần Châu Âu thực hiện cho biết, những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm COVID-19 có "khó khăn hơn trong việc thư giãn và thích nghi khi chúng được bế," so với những đứa trẻ khác được sinh ra từ những bà mẹ không bị COVID-19.

Dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu trên đến từ dự án COGESTCOV-19 của Tây Ban Nha, một nghiên cứu về quá trình mang thai và sự phát triển của em bé ở những bà mẹ nhiễm COVID-19. Nghiên cứu đang được tiến hành về ảnh hưởng của những đứa trẻ được sinh ra từ những bà mẹ bị COVID-19 khi mang thai và sẽ tiếp tục trong 18 đến 42 tháng đầu đời của trẻ.

Các bà mẹ trong nghiên cứu đã trải qua một loạt các cuộc kiểm tra cả khi mang thai và sau khi mang thai. Theo Hiệp hội Tâm thần Châu Âu, các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm nội tiết tố và sinh hóa như kiểm tra nồng độ cortisol và phản ứng miễn dịch, cũng như xét nghiệm nước bọt, phản ứng vận động và khảo sát tâm lý.

Các đối tượng nghiên cứu cũng phân tích ở nhiều độ tuổi và giới tính trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh được kiểm tra sau khi sinh để đo các chuyển động và hành vi của trẻ.

"Chúng tôi nhận thấy rằng bằng phép đo NBAS, một số yếu tố đã bị thay đổi ở trẻ 6 tuần tuổi tiếp xúc với virus SARS-COV-2. Chúng tôi nhận thấy rằng những đứa trẻ có mẹ tiếp xúc với COVID-19 đã có biểu hiện ảnh hưởng đến thần kinh ở tuần th 6, nhưng chúng tôi không biết liệu những tác động này có dẫn đến bất kỳ vấn đề lâu dài nào hay không, quan sát lâu dài hơn có thể giúp chúng tôi hiểu điều này" – nhà khoa học Águeda Castro Quintas thuộc Trung tâm Mạng lưới Nghiên cứu Y sinh về Sức khỏe Tâm thần, người tham gia nghiên cứu cho biết.

Trong nghiên cứu trên, chỉ có 21 đối tượng là bà mẹ và trẻ sơ sinh được thử nghiệm, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục tiến hành một nhóm mẫu lớn hơn gồm 100 bà mẹ và trẻ sơ sinh.

"Chúng tôi cũng lưu ý rằng đây là một mẫu tương đối nhỏ, vì vậy chúng tôi đang  theo dõi trong thời gian dài hơn. Chúng tôi cần một mẫu lớn hơn để xác định vai trò của nhiễm trùng đối với sự thay đổi phát triển thần kinh của con cái và sự đóng góp của các yếu tố môi trường khác" - đồng nghiên cứu viên, nhà khoa học Nerea San Martín González cho biết.

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng


Hà Anh (theo Jerusalem Post)
Ý kiến của bạn