COVID-19 có thể ảnh hưởng đến mục tiêu toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS

01-08-2020 08:07 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNAIDS, nếu không nỗ lực để giảm thiểu và khắc phục sự gián đoạn trong các dịch vụ và nguồn cung cấp y tế trong đại dịch COVID-19, các mục toàn cầu về phòng, chống HIV/AIDS có thể không thực hiện được...

Bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO cho biết: Các quốc gia và các đối tác phát triển của họ phải làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng những người cần điều trị HIV tiếp tục tiếp cận các dịch vụ này. Chúng ta không thể để đại dịch COVID-19 phá hủy những thành quả không dễ gì đạt được trong phản ứng toàn cầu đối với căn bệnh này.

COVID-19 làm đình trệ tiến độ thực hiện mục tiêu

Theo dữ liệu được công bố mới đây từ UNAIDS và WHO, số ca nhiễm HIV mới đã giảm 39% trong khoảng thời gian từ 2000-2019. Số ca tử vong liên quan đến HIV đã giảm 51% trong cùng kỳ và khoảng 15 triệu người đã được cứu sống nhờ sử dụng liệu pháp kháng virus.

Tuy nhiên, tiến độ của các mục tiêu toàn cầu này đang bị đình trệ. Trong 2 năm qua, số ca nhiễm HIV mới hàng năm không đổi, ở mức 1,7 triệu người và chỉ có một sự giảm nhẹ về số ca tử vong liên quan đến HIV, từ 730.000 vào năm 2018 xuống còn 690.000 vào năm 2019. Mặc dù đã có những tiến bộ ổn định trong việc tăng quy mô điều trị - 25 triệu người cần ARV được dùng thuốc vào năm 2019 - các mục tiêu toàn cầu quan trọng năm 2020 sẽ khó đạt được.

Các dịch vụ phòng ngừa và xét nghiệm HIV không đến được với các nhóm đối tượng đích. Vì vậy, việc cải thiện đích đến của các dịch vụ xét nghiệm và phòng ngừa hiệu quả là điều tối quan trọng để tạo đà lại cho nỗ lực toàn cầu đối với HIV.

Các dịch vụ phòng ngừa, xét nghiệm HIV có thể không đến được đối tượng đích trong đại dịch.

Các dịch vụ phòng ngừa, xét nghiệm HIV có thể không đến được đối tượng đích trong đại dịch.

Hướng dẫn của WHO

Gần đây, WHO đã ban hành hướng dẫn cho các quốc gia về cách duy trì một cách an toàn việc tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu trong đại dịch, bao gồm cho cả những người sống chung hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV. Hướng dẫn khuyến khích các quốc gia hạn chế gián đoạn trong việc tiếp cận điều trị HIV thông qua việc “phân phối nhiều tháng”, một chính sách theo đó các loại thuốc được kê trong khoảng thời gian dài hơn, thậm chí lên đến 6 tháng. Đến nay, 129 quốc gia đã áp dụng chính sách này.

Các quốc gia cũng đang giảm thiểu tác động của sự gián đoạn bằng cách duy trì các chuyến bay và chuỗi cung ứng, kêu gọi cộng đồng tham gia vào việc cung cấp thuốc điều trị HIV và làm việc với các nhà sản xuất để vượt qua các thách thức về hậu cần.

Cơ hội điều trị HIV mới cho trẻ nhỏ

Năm 2019, ước tính có khoảng 95.000 ca tử vong liên quan đến HIV và 150.000 ca nhiễm mới ở trẻ em. Chỉ có khoảng một nửa (53%) số trẻ em cần điều trị bằng thuốc kháng virus được sử dụng thuốc này. Việc thiếu các loại thuốc tối ưu với các công thức phù hợp với bệnh nhi là một rào cản lâu dài trong việc cải thiện sức khỏe cho trẻ nhiễm HIV.

Điều đáng mừng là tháng trước, WHO đã hoan nghênh quyết định của Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ về việc phê duyệt một công thức mới 5mg dolutegravir trị HIV cho trẻ sơ sinh và trẻ em trên 4 tuần và nặng hơn 3kg. Quyết định này sẽ đảm bảo rằng tất cả trẻ em có quyền tiếp cận nhanh một loại thuốc tối ưu, mà cho đến nay, chỉ có sẵn cho người lớn, thanh thiếu niên và trẻ lớn. WHO cam kết thúc đẩy việc phê chuẩn sớm dolutegravir ở dạng thuốc gốc cho các quốc gia sử dụng thuốc này càng sớm càng tốt.

BS Meg Doherty - Giám đốc Chương trình HIV, Viêm gan Toàn cầu và STI tại WHO cho biết: Qua sự hợp tác của nhiều đối tác, chúng ta có thể sẽ có phiên bản thuốc gốc của dolutegravir cho trẻ em vào đầu năm 2021, cho phép giảm mạnh chi phí của loại thuốc này. Điều này sẽ cung cấp một công cụ mới khác để tiếp cận trẻ em nhiễm HIV và giúp các em sống và sống khỏe.

Giải quyết các bệnh nhiễm trùng cơ hội

Nhiều trường hợp tử vong liên quan đến HIV là do các bệnh nhiễm trùng cơ hội như: lao, viêm gan, COVID-19, nhiễm ký sinh trùng Toxoplasmosis và nhiễm nấm, bao gồm cả bệnh nhiễm nấm Histoplasma.

WHO mới đây cũng đã phát hành các hướng dẫn mới về việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm nấm Histoplasma ở người nhiễm HIV. Bệnh nấm Histoplasma rất phổ biến và có thể gây tử vong. Phần nhiều các trường hợp tử vong này có thể được ngăn ngừa thông qua chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Trong những năm gần đây, sự phát triển của các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, nhạy đã cho phép chẩn đoán nhanh chóng và chính xác bệnh nấm Histoplasma và bệnh nhân được bắt đầu điều trị sớm hơn. Tuy nhiên, các phương pháp chẩn đoán sáng tạo và điều trị tối ưu cho bệnh này vẫn chưa có sẵn rộng rãi trong các cơ sở hạn chế về nguồn lực.

Một cuộc khảo sát mới của WHO cho biết, 73 quốc gia đã cảnh báo rằng họ có nguy cơ hết dự trữ thuốc kháng virus (ARV) do đại dịch COVID-19. 24 quốc gia báo cáo có trữ lượng thuốc ARV cực kỳ thấp hoặc có gián đoạn trong việc cung cấp các loại thuốc này.

Năm 2019, ước tính có 8,3 triệu người được hưởng lợi từ ARV tại 24 quốc gia, hiện đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn cung. Con số này là 1/3 (33%) tổng số người đang điều trị HIV trên toàn cầu. Mặc dù hiện chưa có thuốc chữa khỏi HIV, ARV có thể kiểm soát virus và ngăn ngừa lây truyền qua đường tình dục cho người khác.

Hà Phương
Ý kiến của bạn