Theo các công bố gần đây cho thấy tác động của COVID-19 lên sức khoẻ sinh sản nam giới không chỉ nằm ở phổi, tim hay thận mà còn để lại hậu quả ở chức năng sinh sản cũng như ham muốn tình dục của người đàn ông. Việc phân biệt rạch ròi đâu là "trách nhiệm" của COVID-19 và đâu là của các hệ luỵ tâm lý gây ra bởi nó trong cơ chế sinh bệnh là điều không hề dễ dàng.
Rối loạn cương dương
Có nhiều bài báo và công trình nghiên cứu đưa ra về chủ đề này. Một nghiên cứu gần đây của Ramasamy và cộng sự cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể cư trú ở dương vật lên tới 9 tháng sau nhiễm, gây rối loạn chức năng các tế bào nội mô và có thể gây nên rối loạn cương dương. Điểm đáng lưu ý nhất của nghiên cứu này là bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ vẫn có thể mắc rối loạn cương dương nặng nề.
Tuy vậy như đã nói ở trên, việc phân biệt rõ ràng tổn thương tế bào nội mô gây RLCD này là do COVID-19 hay do stress tâm lý đi kèm còn gây nhiều tranh cãi. Stress cũng có thể gây giảm tiết các hormone sinh dục như testosterone, gây giảm hứng thú tình dục và gây rối loạn cương dương.
Tại Hoa Kỳ, doanh số bán các thuốc điều trị rối loạn cương dương tăng mạnh trong thời kỳ diễn ra đại dịch và khách hàng của họ không chỉ là các bệnh nhân COVID-19 khiến việc điểm mặt chỉ tên COVID - 19 là nguyên nhân còn cần thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn.
Hoạt động tình dục
Một số khảo sát cộng đồng cho thấy có sự giảm hoạt động tình dục trong thời gian diễn ra đại dịch, một số khảo sát khác trên các đối tượng cao tuổi hơn lại cho thấy có sự gia tăng. Lý giải cho hiện tượng này có lẽ do các cặp đôi trẻ thường bị vây quanh bởi trẻ nhỏ tại nhà hàng ngày.
Theo bác sĩ Bình Dương – Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc thì hiện chưa có bằng chứng cho thấy sau mắc COVID-19, bệnh nhân có suy giảm ham muốn tình dục so với trước khi mắc. Vì vậy hiện tại ảnh hưởng của đại dịch lên hoạt động tình dục là chưa thực sự rõ ràng, cần thêm các dữ liệu có tính hệ thống hơn.
Ảnh hưởng lên tinh trùng
Virus có vẻ không đi vào tinh dịch. Một nghiên cứu thực hiện 34 nam giới ở Trung Quốc không thấy sự hiện diện của virus SARS-CoV-2 trong tinh dịch sau 1 tháng mắc. Khả năng cao COVID-19 không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục và vì vậy cũng không lây từ bố sang con khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
Tuy nhiên chất lượng tinh trùng có thể bị ảnh hưởng. Một vài nghiên cứu cho thấy, mắc COVID-19 có thể khiến số lượng và vận động của tinh trùng bị suy giảm trong khoảng từ 3 tới 6 tháng. Thực tế tình trạng này cũng xảy ra sau khi mắc các bệnh lý virus khác. Điều này khiến các bệnh nhân vừa mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi ít nhất 6 tháng sau khi khỏi bệnh để tinh trùng hồi phục chất lượng.
Vaccine
Hiện các nghiên cứu cho thấy các vaccine nhóm mRNA như của Pfizer và Moderna không gây ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng tinh trùng. Vì vậy việc tiêm vaccine không nên bị trì hoãn nếu bạn đang có dự định có con. Các loại vaccine khác hiện chưa có dữ kiện ở thời điểm này.
Ảnh hưởng của đại dịch lên sức khoẻ sinh sản nam chưa thực sự rõ ràng và có vẻ không quá trầm trọng, tuy nhiên điều kiện về mặt thời gian chưa cho phép có thêm thông tin về hậu quả lâu dài sau khi mắc bệnh. Vậy nên theo bác sĩ Bình Dương thì nhận định COVID-19 có thể gây vô sinh ở nam giới là thiếu căn cứ trong thời điểm hiện tại.