Hà Nội

COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, những ai điều trị phải trả chi phí?

08-11-2023 14:24 | Y tế
google news

SKĐS - Tại Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19/10/2023 của Bộ Y tế, Bộ Y tế đã điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.

Theo đó khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì có sự thay đổi trong thanh toán chi phí điều trị việc điều trị COVID -19. Cụ thể COVID -19 sẽ không được điều trị miễn phí. Tuy nhiên, nếu người dân có BHYT mà mắc Covid -19 phải điều trị thì sẽ vẫn được BHYT thanh toán theo đúng như định mức trên thẻ. COVID-19 đã được đưa vào thông tư số 20/2022/TT-BYT thanh toán BHYT. Tương tự, với những người không có thẻ BHYT sẽ phải thanh toán toàn bộ chi phí điều trị Covid-19..

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán chi phí điều trị cho người bệnh mắc COVID-19 và chế độ chính sách cho người tham gia chống dịch COVID-19. Đồng thời, nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong việc việc thực hiện các chính sách, biện pháp phòng, chống dịch khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B.

COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, những ai điều trị phải trả chi phí?- Ảnh 1.

Khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì có sự thay đổi trong thanh toán chi phí điều trị việc điều trị COVID -19.

Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành, cơ sở y tế thực hiện một số nội dung:

1. Đối với việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh và tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh COVID-19 kể từ ngày 20/10/2023:

  • Đối với người có thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
  • Đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế tự thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.
  • Chi phí tiền ăn, sinh hoạt phí thực hiện theo quy định của Luật Phòng, Chống Bệnh Truyền nhiễm nhóm B.

2.Về những trường hợp người bệnh vào viện đến ngày 20/10/2023 và ra viện sau ngày 20/10/2023:

  • Chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19 trước ngày 20/10/2023 thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
  • Chi phí tiền ăn, sinh hoạt phí đối với người bệnh COVID-19 kể từ ngày 20/10/2023 thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Luật Phòng, Chống Bệnh Truyền nhiễm nhóm B.
Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động phối hợp rà soát các nguồn lực đã được mua sắm, đầu tư và căn cứ vào hướng dẫn chuyên môn y tế để xây dựng nhu cầu và bảo đảm kinh phí khám bệnh, chữa bệnh và giám sát dịch bệnh khi dịch COVID-19 chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Theo thông tin của Bộ Y tế, từ đầu năm 2023 đến ngày 29/5/2023, cả nước ghi nhận 85.493 ca mắc COVID-19, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc (giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022); ghi nhận 20 ca tử vong do COVID-19, tỉ lệ tử vong giảm mạnh xuống còn 0,02% (năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%).

COVID-19 chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, những ai điều trị phải trả chi phí?- Ảnh 2.

Với người có thẻ BHYT thanh toán chi phí điều trị theo đúng như định mức trên thẻ.

Các ca tử vong ghi nhận trong thời gian này đều là những trường hợp có bệnh nền nặng đang điều trị từ trước, phần lớn có tiền sử chưa tiêm đủ mũi vaccine phòng COVID-19. Hiện nay, tỷ lệ người bệnh COVID-19 nhập viện thấp hơn; tỷ lệ nặng cũng giảm bằng hoặc thấp hơn một số bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Số liều vaccine COVID-19 đã tiêm trên 100 người dân tại Việt Nam cao hơn 1,6 lần so với trung bình của thế giới. Tỷ lệ tiêm liều cơ bản cao hơn 1,4 lần so với trung bình của thế giới và tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cao hơn 2 lần so với trung bình thế giới./.

Từ ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc, dịch COVID-19 nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.

Sau hơn 3 năm xảy ra đại dịch, ngày 5/5/2023, WHO xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế; thời điểm này thế giới ghi nhận trên 696 triệu trường hợp mắc tại 231 quốc gia, vùng lãnh thổ, trên 6,9 triệu ca tử vong.

Bình Thuận phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm B để người đồng thuận và chủ động tham gia   Bình Thuận phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thuộc nhóm B để người đồng thuận và chủ động tham gia

SKĐS - Sở Y tế Bình Thuận yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các chính sách có liên quan về phòng, chống COVID-19 để người dân hiểu, đồng thuận và chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn