“Cột mốc tâm linh” nơi đảo xa!

03-09-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Giữa muôn trùng sóng gió, chùa Trường Sa Lớn không chỉ là không gian tâm linh mà còn là dấu mốc thể hiện chủ quyền của Việt Nam với mảnh đất Trường Sa thiêng liêng đã có từ bao đời.

Giữa muôn trùng sóng gió, chùa Trường Sa Lớn không chỉ là không gian tâm linh mà còn là dấu mốc thể hiện chủ quyền của Việt Nam với mảnh đất Trường Sa thiêng liêng đã có từ bao đời. Ở nơi đó, trong không gian tâm linh, từ các chiến sĩ, cán bộ y bác sĩ đến quân dân trên đảo đều tựa vào cột mốc chủ quyền này thành khối đại đoàn kết dân tộc vững vàng trước đầu sóng ngọn gió bảo vệ vững chắc vùng lãnh hải, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Một cõi đi về của ngư dân Việt

Trong chuyến công tác ra đảo lần này, chúng tôi tới đảo Trường Sa Lớn (theo lịch âm) đúng vào ngày đầu tháng. Bởi vậy, người dân và chiến sĩ trên đảo đều đến chùa để thắp hương. Hình ảnh của những con người nơi đây khi bước vào cửa Phật bình an, thanh thản như bất kỳ hình ảnh ở ngôi chùa nào trong đất liền đã dấy lên trong tôi cảm giác rất thân thuộc nhưng vô cùng thiêng liêng về hai tiếng “đất mẹ”. Cổng chính vào chùa Trường Sa Lớn được xây dựng theo phong cách truyền thống kiên cố, vững chãi mang cốt cách của những ngôi chùa quê Việt Nam. Cổng nằm ở một khoảng không rộng, sừng sững và hiện hữu trên nền trời trong xanh của những ngày hè Trường Sa. Điều dễ nhận thấy trước mắt là những ngôi chùa trên huyện đảo Trường Sa đều được xây dựng theo phong cách truyền thống, một gian hai chái hay ba gian hai chái, mái cong với những đầu đao truyền thống. Những pho tượng ở đây được chế tác bởi bàn tay các thợ đá tài hoa trên khắp cả nước. Đặc biệt, ngôi chùa nào chính diện cũng hướng về Thủ đô Hà Nội, như tấm lòng người Việt từ bao đời nay. Thú vị và gần gũi hơn nữa từ những ngôi chùa trên đảo Trường Sa là các hoành phi, câu đối đều bằng chữ quốc ngữ: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ” và: “Cá đọc kệ được thành tiên/Rồng nghe kinh mà mộ đạo” (câu đối ở chùa Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn). Những câu đối ngắn gọn, súc tích, vừa nói lên sức cảm hóa to lớn của đạo Phật, vừa khẳng định được chủ quyền của Tổ quốc ta đã có tự ngàn xưa trên mảnh đất nơi tiền tiêu hải đảo.

“Cột mốc tâm linh” nơi đảo xa!  1
 Chùa Trường Sa Lớn là cột mốc tâm linh vững chãi cho toàn thể quân và dân trên thị trấn huyện đảo Trường Sa.

Ngồi ở bộ bàn ghế đá kê trong khuôn viên chùa mà bao quanh là những tán bàng vuông, tán phong ba cổ thụ, Đại đức Thích Giác Nghĩa trụ trì chùa Trường Sa Lớn bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về bộ kinh Pháp Hoa. Theo cách nói của người tu hành, mỗi người đều có một nghiệp. Và có lẽ nghiệp của Đại đức Thích Giác Nghĩa chính là nghiệp gắn bó với Trường Sa khi mà đây là lần thứ 3 thầy xin ra lại chùa Trường Sa. Hàng ngày, kiên nhẫn hành lễ, cung kính trong từng động tác lạy, thầy Nghĩa đã làm đổi màu cả hòn đá xanh lát trước ban thờ Phật.

Theo thầy Giác Nghĩa, truyền thống của người Việt Nam từ xưa là đi đâu, sống ở đâu thì đều đem theo văn hóa. Và một trong những văn hóa đó là văn hóa tâm linh thể hiện qua các công trình đình, chùa, miếu, mạo. Bởi vậy, một điều tất yếu rằng ở đâu có người Việt Nam sinh sống thì ở đó có chùa chiền. Họ thờ Phật, thờ các bậc tiền bối có công khai ấp lập làng để tri ân, cầu an, cầu độ trì cho họ được bình yên, sức khỏe... Bởi vậy, từ xa xưa, trên các đảo giữa biển Đông của Việt Nam đã có những am thờ do ngư dân người Việt dựng lên. Và trên cơ sở tín ngưỡng tâm linh truyền thống này, chùa Trường Sa Lớn cùng 2 ngôi chùa khác là chùa Song Tử Tây, chùa Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa ngày nay đều được tôn tạo lại từ các am thờ xưa... Đây là những minh chứng cho thấy chủ quyền của dân tộc Việt Nam với mảnh đất Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc đã có từ bao đời nay.

Thầy Nghĩa cho chúng tôi biết: “Chùa Trường Sa Lớn không chỉ là một nơi thờ phụng linh hồn của những người con dân Việt, các chiến sĩ đã hy sinh ngoài biển Đông mà còn là nơi để các chiến sĩ, hộ gia đình và ngư dân đi biển nương tựa khi có chuyện đau buồn xảy ra”.

Sức mạnh của đoàn kết

Giọng Huế thanh thoát, nhẹ nhàng vốn có hàng ngày của thầy Nghĩa bỗng trầm hơn nhưng cũng ấm áp hơn khi thầy tâm sự với chúng tôi về niềm tin và tình cảm của quân và dân trên đảo đối với ngôi chùa và với thầy. Thầy Nghĩa kể lại, mỗi lần trong đất liền có người thân mất hay ngày giỗ bố, giỗ mẹ, giỗ ông, giỗ bà mà người dân trên đảo không về được, họ đều đến chùa thắp nén nhang và nhờ thầy làm lễ cầu an, cầu siêu cho người thân. Hay cả khi các chiến sĩ biết tin bố mẹ bệnh mà không về được thì cũng đến chùa nhờ thầy làm một lễ cầu an, hướng về đất liền để cho bố mẹ được bình yên.

Hạ sĩ Nguyễn Anh Tài - phân đội 12,7 ly ở đảo Sinh Tồn, quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa - chia sẻ: “Em ra đây được 4 tháng rồi. Cứ sáng chủ nhật em lại đến chùa. Có một điều lạ kỳ là khi đến chùa, em càng tăng thêm sự quyết tâm và ý chí kiên cường. Chùa là điểm tựa để em rèn luyện sức mạnh nội sinh ấy. Chẳng hiểu sao mỗi khi em nghe tiếng chuông chùa ngân nga, em cảm thấy Tổ quốc mình thiêng liêng và đẹp đẽ vô cùng”. Trường Sa không còn là những doi đất nhỏ cô đơn giữa mênh mông biển cả; nơi chỉ có sóng gió, bão giông mà trở nên thân quen, gần gũi như một dải đất liền, như một làng chài của ngư dân ven biển. Bởi ở đó, cuộc sống đang sinh sôi, ngọt ngào cây trái, trong trẻo tiếng cười của trẻ thơ và nét mặt rạng ngời hạnh phúc của những người mẹ, người vợ trẻ... Song, biển cả bao dung mà cũng thật... vô tình! Sống giữa tứ bề mênh mông trời nước, mưa gió thất thường và những ẩn họa khó lường, lòng người đều hướng niềm tin nơi cửa Phật bao dung, che chở, mong cầu biển yên, sóng lặng, hòa bình... để ra khơi chài lưới, an sinh... Những ngôi chùa giữa biển Đông không chỉ đáp ứng đời sống tâm linh của người dân nơi biển đảo mà còn thể hiện khát vọng cuộc sống bình yên, hòa bình, hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng.

Nói về các ngôi chùa ở Trường Sa, Đại đức Thích Giác Nghĩa cho biết:  “Lịch sử đã chứng minh, tôn giáo, nhất là Phật giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc. Thời chiến cũng như thời bình, sự đồng hành của tôn giáo trên mảnh đất hương hỏa của Tổ quốc là tất yếu khách quan. Ở đâu có người dân ở đó có cuộc sống tâm linh hướng thiện, mà chùa là biểu hiện của cuộc sống tâm linh hướng thiện ấy”.      

  Bút ký của Vi Thảo


Ý kiến của bạn