Cosplay là viết tắt của costume play dùng để chỉ trào lưu ăn mặc giống như những nhân vật trong truyện tranh, trò chơi điện tử, các show truyền hình... Người yêu thích cosplay có thể theo đuổi trào lưu một cách tự do hoặc lập câu lạc bộ để luyện tập và diễn cosplay cùng nhau. Trào lưu này rất thịnh hành tại Nhật Bản và bắt đầu xuất hiện ở nước ta vài năm gần đây. Cũng như nhiều trào lưu khác, sự mới mẻ và có phần “khác người” của cosplay ngay lập tức thu hút giới trẻ, nhưng cùng với đó là sự lo ngại về những diễn biến “bất thường”, không thực sự phù hợp với văn hóa Việt.
Bước vào mùa lễ hội, trào lưu cosplay cũng nở rộ ở cả hai miền. Giới trẻ Sài Gòn những ngày qua vô cùng phấn khích với vô vàn những hoạt động thú vị, đặc trưng văn hóa Nhật Bản. Bên cạnh những hoạt động thú vị như: YOSAKOI, các cuộc thi như thi hát tiếng Nhật, thi nhảy nhạc Nhật, hướng dẫn chơi cờ shogi, hoạt động từ thiện, hướng dẫn chơi kendama, biểu diễn Lolita, thì biểu diễn cosplay tự do chính là điểm nhấn thú vị nhất trong lễ hội.

Trào lưu cosplay du nhập vào Việt Nam nhiều năm nay nhưng chưa thực sự thuyết phục được số đông.
Hàng trăm học sinh, sinh viên đã đội mưa để được chiêm ngưỡng những cosplayer (người hóa trang) trong trang phục Lolita cực ngọt ngào. Trang phục của các Lolita thường rất cầu kỳ với những chi tiết đặc trưng: những chiếc váy thường dài đến đầu gối và được mặc cùng với khung váy để tạo độ phồng. Thuộc vào thời trang chính thống (mainstream) Nhật Bản, tất dài trên đầu gối và tất liền được sử dụng một cách đặc biệt phổ biến. Các Lolita có thể mang những đôi giày dễ thương như giày búp bê Mary Jane hoặc ngay cả những đôi bốt bằng da đế cao chủ yếu theo những thiết kế của Vivienne Westwood (platforms).
Mặc dù trong mắt không ít người lớn, cosplay chỉ là một trò hóa trang kỳ dị, thậm chí phản cảm. Tuy nhiên, những ai am hiểu về cosplay thì lại có cái nhìn khách quan hơn, không thể phủ nhận những hiệu ứng tích cực mà trào lưu hóa trang này mang lại cho giới trẻ: tiếp xúc với nền văn hóa mới lạ, được thỏa sức sáng tạo và làm những việc mình thích.
Lý giải về hiện tượng “cuồng” trào lưu cosplay, một nữ sinh viên cho biết: “Mình bắt đầu yêu thích cos (cách gọi tắt của cosplay - PV) từ năm 2008 khi có dịp tham gia một lễ hội văn hóa Nhật Bản. Vốn yêu thích truyện tranh Nhật Bản từ lâu nên mình rất thích thú khi nhìn thấy các anh chị hóa thân thành đủ mọi nhân vật. Mình nghĩ tại sao mình không thử hóa thân thành nhân vật mà mình yêu thích”. Sinh viên này cũng cho biết thêm, để chuẩn bị cho màn hóa trang của mình, cô đã tốn không ít công sức và tiền bạc để đầu tư cho việc trang điểm, làm tóc và trang phục. Chỉ tính sơ sơ, bộ trang phục bao gồm áo giáp, thắt lưng, kiếm, mũ... của cô đã ngốn gần 2 triệu đồng.
Có lẽ đây chính là một trong những lý do khiến các bậc phụ huynh kì thị trào lưu cosplay. Với các fan đang còn là học sinh, để có chi phí cosplay, nhiều em đã phải dành dụm tiền rất lâu từ khoản... ăn sáng và mua sách vở. Đấy là chưa kể những lễ hội cosplay thường diễn ra vào mùa lạnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người chơi. Những ngày qua, các fan tại Hà Nội cũng được thỏa mãn sở thích cosplay tại Royal City cùng với lễ hội mùa đông Fuyu Matsuri Nhật Bản. Lễ hội đã thu hút rất nhiều teen tham gia. Đặc biệt, mặc cho mưa gió rét mướt, những bạn trẻ có niềm đam mê cosplay vẫn khoác trên mình những bộ trang phục “phang thời tiết” để biến mình thành một mẫu nhân vật yêu thích. Những kiểu cosplay vừa lạ lùng vừa độc đáo của các bạn trẻ Hà thành khiến nhiều người rất thích thú, không ngừng khen ngợi và xin chụp ảnh cùng nhưng cũng khiến không ít người phải rùng mình vì lo “khổ chủ” bị cảm lạnh.
Đấy là chưa kể nhiều nhân vật truyện tranh từng bị kì thị bởi phong cách thời trang không phù hợp với văn hóa Á Đông thì các bạn trẻ cũng... bắt chước y chang khiến người xung quanh chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm. Chưa dừng lại ở đó, gần đây một vài biểu hiện tiêu cực của trào lưu cosplay cũng khiến cộng đồng mạng phản ứng dữ dội, nhận được nhiều “phản hồi” nhất chính là bộ ảnh cosplay với logo của tựa game Đột Kích - Trong Tầm Ngắm. Điều đáng nói là, cộng đồng xôn xao không phải vì bộ ảnh tạo được ấn tượng tốt, có tính nghệ thuật cao. Trái ngược lại hoàn toàn, những bức ảnh cosplay gần đây bị “ném gạch” vì khá nhiều lý do. Đầu tiên là sự gượng gạo, cách thể hiện biểu cảm có phần giả tạo của nhân vật trong bộ ảnh. Điển hình là những bộ ảnh cosplay do một số bạn trẻ Việt thực hiện có nội dung bạo lực.
Ngay cả những “tín đồ” cosplay cũng cho rằng, cách cầm súng của nhân vật quá thiếu chuyên nghiệp và gây phản cảm. Trên thực tế, có thể bản thân tác giả của bộ ảnh cũng không nhận biết được những chi tiết như vậy nên người mẫu nữ không thể miêu tả được không khí của bộ ảnh, dẫn đến sự thất bại thảm hại.
Người Việt hiếu khách, văn hóa Việt cũng khá cởi mở nhưng không dễ dãi đối với những trào lưu có biểu hiện “chệch hướng”. Suy cho cùng, cosplay đẹp hay xấu, tốt hay không tốt còn phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của người tham gia.