1. Corticoid là gì?
Corticoid là những thuốc gồm dạng tổng hợp của cortisol, hormone tiết ra bởi tuyến thượng thận và đáp ứng trong stress.
Đây là nhóm thuốc có tác dụng mạnh và được sử dụng rất rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh. Corticoid có thể dùng đường uống dưới dạng viên nén, qua đường khí dung, qua đường tiêm hoặc các thuốc dạng gel và kem bôi ngoài da.
Ví dụ một số thuốc corticoid thông dụng như:
- Cortisol/Cortisone
- Prednisone
- Prednisolone/methylprednisolone
- Hydrocortisone
- Triamcinolone
- Fludrocortisone
- Deflazacort
- Betamethasone
- Dexamethesone
Corticoid không được dùng nhầm lẫn với steroid đồng hóa, một dạng corticoid tăng tạo cơ bắp dùng như là một chất dopping trong thể thao.
2. Corticoid được chỉ định khi nào?
Khi mới ra đời, corticoid được coi như là một "thần dược" điều trị bách bệnh. Đến nay, vai trò của thuốc vẫn còn rất lớn và được sử dụng nhiều trong các trường hợp liên quan đến viêm, dị ứng và miễn dịch, như: Hen phế quản, viêm loét đại tràng, bệnh Chron, lupus, viêm đa khớp dạng thấp, thấp khớp cấp, hen phế quản, một số bệnh da mạn tính...
Tuy nhiên, đây là nhóm thuốc có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt nếu lạm dụng.
Tác dụng phụ của corticoid khi dùng thời gian ngắn:
- Mụn trứng cá.
- Thay đổi tính cách đột ngột.
- Tăng sự thèm ăn.
Tác dụng phụ khi dùng corticoid đường uống dài ngày:
- Yếu cơ.
- Tăng đường máu, tăng mỡ máu, hôn mê tăng đường máu.
- Hội chứng Cushing: béo bụng, béo mặt, mặt tròn đỏ, teo cơ, tăng huyết áp, xuất huyết dưới da…
- Loãng xương, gãy xương tự phát
- Glôcôm (tăng nhãn áp: đau nhức mắt, giảm thị lực)
- Đục thủy tinh thể
- Suy thượng thận thứ phát
- Giảm sức đề kháng, dễ nhiễm trùng, lâu lành vết thương...
3. Corticoid có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường không?
Một trong những tác dụng phụ của corticoid đường uống là có thể gây tăng đường máu và tăng đề kháng insulin, có thể dẫn đến đái tháo đường type 2.
Với các trường hợp dùng thuốc đúng theo chỉ định và được kiểm soát bởi bác sĩ, nếu có tăng đường máu thì sau khi ngừng sử dụng corticoid, mức đường máu sẽ trở về bình thường. Tuy nhiên, một số trường hợp, nhất là người đã có yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường từ trước, corticoid sẽ làm bộc lộ sớm bệnh đái tháo đường.
Với người dùng corticoid trong khoảng thời gian kéo dài từ 3 tháng trở lên, có thể tăng nguy cơ mắc đái tháo đường type 2. Đối với người đã mắc đái tháo đường, corticoid gây tăng đường huyết gián tiếp, làm giảm dung nạp glucid, có nguy cơ nhiễm ceton…
Với người lạm dụng corticoid tiêm trực tiếp vào khớp để điều trị bệnh khớp có thể gây ra tác động trên trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận, làm tăng đề kháng insulin và ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng tế bào beta tuyến tụy. Từ đó dẫn đến tăng đường huyết (có thể không có triệu chứng) hoặc dẫn đến các tăng áp lực thẩm thấu máu và mệt mỏi. Nếu tình trạng này không hết sau khi ngừng thuốc, được gọi là bệnh đái tháo đường do steroid.
4. Bệnh nhân đái tháo đường cần dùng corticoid phải làm gì?
Bệnh nhân đái tháo đường cần biết mức đường máu có thể tăng trong khi dùng corticoid, đặc biệt là với trường hợp sử dụng corticoid đường uống.
Do đó, nếu buộc phải dùng thuốc thì cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Đối với nhứng trường hợp chưa tự kiểm tra đường máu tại nhà, bệnh nhân nên đề nghị bác sĩ hướng dẫn cách tự test đường máu tại nhà, để có thể thường xuyên giám sát mức đường huyết một cách chủ động. Trong quá trình sử dụng corticoid, nếu mức đường máu tăng đáng kể, cần báo với bác sĩ chuyên khoa nội tiết.
Nên đo đường máu ít nhất 1 lần mỗi ngày, sau bữa ăn tối. Với người trước đó chưa mắc hoặc chưa được phát hiện mắc đái tháo đường, đo đường huyết mức trên 12 mmol/L (216 mg/dL), cần phải gặp bác sĩ để được điều trị duy trì mức đường huyết từ 6-10 mmol/L. Các trường hợp này cần thử HbA1c trước khi bắt đầu sử dụng steroid, nhất là ở người có nguy cơ cao mắc đái tháo đường do steroid.
Trường hợp đo đường máu 2 lần liên tiếp đều trên 12 mmol/L, bệnh nhân cần đo đường huyết 4 lần/ngày. Nếu mức đường huyết cảnh báo ở mức cao như vậy cần được ưu tiên sử dụng insulin tiêm dưới da thay vì thuốc viên hạ đường máu uống.
Mời độc giả xem thêm video:
Trẻ bị đau đầu: Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm phụ huynh cần biết | SKĐS