Hiện nay, đa số các gia đình trẻ sống tự lập, vì vậy, các bố mẹ trẻ cần có kiến thức cơ bản về chăm sóc trẻ sơ sinh.
Bài viết này nói về corticoid ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh như thế nào nếu không dùng đúng cách.
Corticoid (glucocorticoid) là một loại thuốc kháng viêm được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau như:
- Các bệnh tự miễn (viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn, lupus....);
- Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;
- Cơn gout cấp;
- Buồn nôn và nôn dự phòng do thuốc điều trị ung thư;
- Corticoid được sử dụng cùng các thuốc khác để dự phòng hệ miễn dịch tấn công các cơ quan vừa được ghép như gan, thận…
- Một số bệnh lý ngoài da: eczema, vảy nến, phát ban, kích ứng nhẹ do côn trùng đốt... cũng dùng corticoid.
Corticoid dùng trong điều trị có tác dụng tương tự như hormone được sản xuất bởi tuyến thượng thận (hai tuyến nhỏ nằm phía trên thận).
Trên thị trường, thuốc chứa corticoid được sản xuất dưới nhiều dạng dùng khác nhau: dạng viên uống như Medrol, Menison, Prednisolone, Dexamethasone, Betamethason, Asmacort, Triamcinolol,…; dạng tiêm trực tiếp vào trong mạch máu, trong khớp, cơ; dạng hít qua miệng; dạng xịt mũi thuốc nhỏ tai mũi họng; dạng dung dịch dùng với máy khí dung… với các tên như như Hadocort, Avamys, Flixonase, Meseca, Nasonex, Rhinocort, Benita…; và dạng kem, gel, thuốc mỡ dùng bôi ngoài da trong da liễu như Hydrocortisone, Fucidin H, Fucicort Emuvat, Gentrisone,…
Thực tế, khi thấy trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ bị hăm (vết đỏ và kích ứng da ở vùng da tiếp xúc với tã hoặc ẩm độ cao), nhiều bậc cha mẹ thường tự ý mua thuốc bôi trong da liễu để điều trị cho trẻ, mà không để ý thuốc có chứa corticoid hay không.
Trong khi đó, thuốc có thành phần corticoid chỉ được sử dụng trong thời gian nhất định và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu sử dụng corticoid liều cao, có thể dẫn tới những tác dụng phụ nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bao gồm:
- Trên sức khỏe tim mạch của trẻ: có thể gây ra tăng huyết áp, loạn nhịp tim. Đái tháo đường, hạ kali máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
- Trên hệ thần kinh trung ương: rối loạn tâm lý, tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm, loạn nhịp tim, đau đầu và tăng nguy cơ bệnh động kinh.
- Trên hệ tiêu hóa: viêm đại tràng, loét dạ dày, suy giảm chức năng gan và tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa.
- Trên hệ miễn dịch: suy giảm chức năng miễn dịch, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, giảm sức đề kháng của cơ thể nên trẻ dễ bị nhiễm trùng, loãng xương.
Ngay cả thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid khi sử dụng cho trẻ em cũng có thể gây tác hại: teo da là tác dụng phụ phổ biến nhất. Tình trạng ức chế tuyến thượng thận còn làm cho da ngày càng mỏng dần và dễ bị bầm tím, những vết căng giãn màu đỏ tía xuất hiện dưới da.
Trẻ mọc trứng cá, rậm lông, hoại tử xương vô trùng, yếu cơ teo cơ, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, chậm phát triển chiều cao.
Sử dụng corticoid liều cao, kéo dài có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ. Và đặc biệt, trẻ có thể có nguy cơ mắc bệnh Cushing. Điều này xảy ra khi corticoid tích tụ trong cơ thể, gây ra tăng sản xuất cortisol và có thể dẫn đến các triệu chứng như tăng cân, tăng huyết áp, đường huyết cao, béo ở mặt và bụng, tứ chi gầy.
Hội chứng Cushing xảy ra khi trong cơ thể người bệnh có một tình trạng tăng quá mức các hormone cortisol kéo dài gây ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể. Cortisol là một loại hormone glucocorticoid được sản xuất bởi vỏ tuyến thượng thận. Cortisol có nhiều chức năng quan trọng như thúc đẩy chuyển hóa, sử dụng năng lượng dự trữ, giúp cơ thể chống lại tình trạng stress…. Tuy nhiên khi quá dư thừa cortisol sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực. Sự tiết hormone này được kiểm soát bởi vùng dưới đồi, tuyến yên và tuyến thượng thận.
Hội chứng Cushing xảy ra khi có bất thường ở tuyến thượng thận, tuyến yên, vùng dưới đồi hoặc do cortisol trong thuốc được đưa vào cơ thể.
Người mắc Hội chứng Cushing sẽ có những đặc trưng như:
- Tích tụ mỡ vùng trung tâm mặt tròn như mặt trăng, ở vùng da như mí mắt, cổ, bụng, bướu mỡ giữa 2 xương bả vai (bướu trâu);
- Tứ chi: mệt mỏi, yếu cơ, teo cơ tứ chi;
- Biến đổi ở da: da mỏng, rậm lông, rạn da màu tím đỏ, dễ bầm máu, nổi nhiều mụn trứng cá ở mặt, lưng.
Hiểu rõ về tác dụng có hại của corticoid, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc corticoid nào cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bố mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ trước mắt và lâu dài.
Mời độc giả xem thêm video dưới đây:
Cứu sống bé sơ sinh chào đời có ruột nằm ngoài ổ bụng | SKĐS