Theo thống kê của Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) điều trị tại đây luôn chiếm khoảng 30%. Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 thế giới, chỉ đứng sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não... Cũng theo dự đoán của WHO, số người mắc bệnh sẽ tăng từ 3-4 lần trong thập kỷ này và đến năm 2020, COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. Làm thế nào để phát hiện, phòng ngừa và điều trị căn bệnh này? Phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã trao đổi với PGS.TS. Phan Thu Phương, Phó Giám đốc Giám đốc Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, thành viên Ban Quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng chống COPD và hen phế quản.
PV: Thưa tiến sĩ, xin tiến sĩ cho biết thực trạng bệnh nhân mắc bệnh COPD ở nước ta hiện nay?
Theo các nghiên cứu của chúng tôi năm 2005 nhận thấy, tỷ lệ mắc COPD trong dân cư TP. Hà Nội là 2% (tỷ lệ mắc bệnh ở nam là 3,4% và ở nữ là 0,7%). Tỷ lệ mắc COPD trong dân cư TP. Hải Phòng chung cho 2 giới là 5,65% (tỷ lệ mắc ở nam là 7,91% và ở nữ là 3,63%). Một số thống kê ở khu vực lâm sàng cho thấy tại Bệnh viện Bạch Mai từ năm 1996-2000 tỷ lệ các bệnh nhân mắc COPD vào điều trị là 25,1%, đứng đầu các bệnh lý về phổi.
Ở Việt Nam, theo những kết quả ban đầu trong đề tài nghiên cứu dịch tễ học bệnh COPD cấp quốc gia, năm 2009, nhận thấy: tỷ lệ mắc COPD chung của toàn quốc là 4,2%, trong đó tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới là 7,1% và nữ giới là 1,9%.
Đo chức năng hô hấp phát hiện bệnh COPD.
PV: Vậy, bệnh COPD nguy hiểm như thế nào? Những ai có nguy cơ mắc phải căn bệnh này?
PGS.TS. Phan Thu Phương: COPD là bệnh mạn tính, không chữa khỏi hoàn toàn được và bệnh tiến triển nặng lên liên tục. Bệnh nặng lên ở các đợt cấp với các biểu hiện như khó thở tăng, ho, khạc đờm tăng, sốt và trong những trường hợp nặng bệnh nhân có thể tử vong. Ở giai đoạn bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể thấy khó thở ngay cả khi gắng sức nhẹ. Theo nghiên cứu khảo sát được thực hiện tại Bắc Mỹ, 6 nước châu Âu đã chỉ ra tình trạng mắc COPD khiến người bệnh có cảm giác lo lắng, cảm giác bị cô lập, phụ thuộc người khác, do đó khiến họ có khả năng bị trầm cảm. Do bệnh tiến triển nặng liên tục, nên hàng năm bệnh nhân và gia đình sẽ thường xuyên phải chi trả một số tiền không nhỏ để điều trị bệnh. Theo nghiên cứu tại Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai năm 2008, trung bình, một đợt cấp COPD nhập viện tiêu tốn 7-8 triệu đồng cho chi phí trực tiếp liên quan đến thuốc, xét nghiệm... Như vậy, nếu tính cả chi phí điều trị gián tiếp, chi phí điều trị ngoại trú cho bệnh nhân sẽ rất tốn kém.
Những người có nguy cơ mắc bệnh COPD: Thuốc lá, thuốc lào là căn nguyên chính gây COPD, hơn 90% số người COPD có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào.
Những yếu tố nguy cơ khác của COPD bao gồm:
- Tiếp xúc khói, bụi nghề nghiệp.
- Tiếp xúc thường xuyên khói bếp than, khói củi, rơm rạ.
- Nhiễm trùng hô hấp.
- Các trường hợp có thiếu hụt men alpha 1 antitrypsin.
Những người có các yếu tố nội tại của bệnh hoặc thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố môi trường của bệnh thì sẽ có nguy cơ mắc phải bệnh COPD hơn những người bình thường. Ví dụ, những người có tiền sử hút thuốc lá nhiều hơn 20 điếu/ngày hoặc những người hay tiếp xúc với khói thuốc lá. Hoặc các công nhân hay phải tiếp xúc với bụi nghề nghiệp như công nhân ngành than, thợ mỏ, thợ đúc, luyện kim, thợ cưa, ngành dệt hoặc những người hay tiếp xúc với khói than, khói bếp. Với điều kiện sống hiện nay, số bệnh nhân mắc bệnh COPD dự đoán sẽ ngày càng tăng cao.
PV: Với những bệnh nhân không may đã mắc bệnh, tiến sĩ có lời khuyên gì, họ phải đến đâu để được chữa bệnh?
PGS.TS. Phan Thu Phương: Đối với những bệnh nhân mắc COPD, cần phải tuân thủ nghiêm túc các chỉ dẫn của bác sĩ như: bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói thuốc; dùng thuốc giãn phế quản và corticoid phù hợp, đầy đủ; tiêm phòng vắc-xin cúm và phế cầu. Thứ hai, bệnh nhân nên có kiến thức đầy đủ về bệnh COPD (hiểu về bệnh và các dấu hiệu cần thay đổi điều trị, khám bác sĩ hoặc nhập viện cấp cứu). Thứ ba, bệnh nhân nên duy trì tinh thần lạc quan, thoải mái, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện với mức độ phù hợp để nâng cao tình trạng sức khỏe chung. Từ đó, bệnh có thể được kiểm soát và giảm các đợt cấp cần nhập viện, cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân. Người bị mắc COPD có thể đến khám và tư vấn tại Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai hoặc Phòng Quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Bạch Mai - 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội.
PV: Trân trọng cảm ơn tiến sĩ!