Công viên dành cho ai?

13-10-2016 11:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Dân số Hà Nội ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2013, Hà Nội có mật độ dân số là 971 người/km2.

Dân số Hà Nội ngày càng có chiều hướng gia tăng. Theo Tổng cục Thống kê, đến cuối năm 2013, Hà Nội có mật độ dân số là 971 người/km2. Chính vì thế, nhu cầu về các khoảng xanh trong đời sống đô thị để điều hòa không khí là điều không thể thiếu. Đặc biệt là công viên, nơi không chỉ đem lại bầu không khí trong lành mà còn là nơi người dân tìm đến như một địa điểm nghỉ ngơi, thư giãn. Nhưng thật tiếc, trong thực tế, công viên Hà Nội không giữ được nguyên vẹn ý nghĩa tốt đẹp đó.

Nuôi thả động vật?

Theo công thức vẫn được thế giới áp dụng, công viên (CV) là một không gian mở dành cho mọi đối tượng đến để vui chơi, thư giãn. Theo Quy chuẩn xây dựng VN 01/2008 thì diện tích vườn hoa, cây xanh mục đích phục vụ cho các lứa tuổi và cộng đồng, diện tích xây dựng không quá 10% diện tích đất. Với diện tích còn lại, người dân có thể ra vào tự do, không thu phí. Việc xây dựng phải đảm bảo cho người dân dễ dàng tiếp cận với phần không gian xanh. Trong khi đó, phương án bố trí tổng mặt bằng do Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội phê duyệt chưa phù hợp với bố cục công trình và phân khu chức năng trong CV.

Trồng rau trong công viên Vĩnh Tuy.

Thế nhưng hiện tại, đa số các cơ sở trên địa bàn TP. Hà Nội đều áp dụng việc thu phí vào cửa, trong đó có những CV lâu đời như Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo… Vé vào cửa là vậy nhưng muốn tham gia các trò chơi khác thì người dân phải móc ví tới dăm bảy lần. Xét cho cùng, đó là không gian công cộng, mà đã là không gian công cộng sao người dân phải bỏ tiền ra để tới vui chơi? Hồ điều hòa Trung Văn (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) là một không gian công cộng để cho các hộ dân sống xung quanh có không gian xanh vui chơi, giải trí, hòa mình gần gũi với thiên nhiên hơn. Nhưng cách đây không lâu, nhiều hộ dân ở hai dãy nhà liền kề 11A và 11B thuộc Khu đô thị Mỗ Lao chỉ biết đứng ở ngoài nhìn vào khuôn viên bởi một hàng rào lưới sắt B40 quây kín hồ điều hòa.

Hiện tại, rất nhiều CV ở Hà Nội đang có tình trạng động vật được chăn thả tự do. Theo quan sát của chúng tôi, tại CV Thống Nhất hàng ngày có rất nhiều giống chó được thả rông, thậm chí còn nuôi và xích vào ghế đá để trông hàng quán. Những chú chó này đi lại ngông nghênh, phóng uế bừa bãi, thi thoảng gầm gừ người dạo chơi. Trong đó có nhiều loại chó săn có thân hình lực lưỡng, hung dữ như Leonberger (Béc giê sư tử); chó Alaska (Mỹ), Ngao Tây Tạng…Chính vì thế, nhiều người “hồn bay phách lạc” vì những chú chó đùa giỡn, cắn nhau inh ỏi. Một điều đang lưu tâm trong mùa hè vừa qua, dịch chó dại bùng phát tại Việt Nam, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Thế nhưng, hầu hết các CV Hà Nội chó được thả rông mà không có rọ mõm.

Sử dụng làm chỗ kinh doanh

CV vốn được coi là “lá phổi xanh” của thành phố - là nơi người dân tìm đến để tận hưởng bầu không khí trong lành. Tuy nhiên, một số khu vực như CV Thống Nhất, Hòa Bình, Hà Đông… lại trở thành địa điểm lý tưởng cho hàng quán và đủ các loại tệ nạn. Đáng buồn khi những không gian xanh hiếm hoi ở Thủ đô đang trở thành “bãi chiến trường” của đủ loại rác thải, kim tiêm và những cảnh tượng nhếch nhác, khó coi. Trước thực tế đáng buồn, nhiều năm trở lại đây, một số CV ở Hà Nội đã không còn tồn tại đúng mục đích, chức năng của nó. Cảnh quan nhếch nhác, buồn tẻ, các công trình, hạng mục xuống cấp, cũ kỹ, cộng với môi trường tiềm ẩn nhiều “tệ nạn” đã khiến những “lá phổi xanh” bị lãng quên giữa lòng đô thị.

Ngoài việc một số người dân tổ chức bán hàng quán tạo sự nhếch nhác thì tình trạng lấn chiếm đất cũng có chiều hướng nở rộ. CV Thủ Lệ (thuộc Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội) để kinh doanh các quán bia, nhà hàng, cafe, bãi trông xe... Mặc dù sự việc diễn ra từ rất lâu nhưng vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc giải quyết.

Theo quan sát của phóng viên, dọc phố Đào Tấn (đoạn gần khách sạn Daewoo) có thể dễ dàng nhìn thấy 2 quán bia hơi “Nhà hàng Tuấn A2” hoành tráng kéo dài trên mặt đường, ngay bên cạnh là cửa hàng “9A Phố Ngói” được xây dựng kiên cố, thiết kế thành nhà hàng với diện tích hàng nghìn mét vuông. Hàng ngày, khách ra vào nườm nượp, ôtô, xe máy đỗ tràn cả lên vỉa hè. Bên cạnh các nhà hàng, quán bia… còn có một cơ sở được treo biển “Dịch vụ ôtô số 9 Đào Tấn” chiếm một khoảng không gian rộng lớn của khuôn viên vườn thú.

Ông Nguyễn Văn Chinh (64 tuổi, sống tại phố Đào Tấn) cho biết: “Hàng ngày, khi đi tập thể dục trên con phố này, tình trạng xe cộ dựng trước cửa các nhà hàng, lấn chiếm vỉa hè gây cản trở rất nhiều đối với người tham gia giao thông. Dù đã nhiều lần các cử tri có ý kiến với cấp chính quyền về việc chấm dứt hoạt động của các cửa hàng này, trả lại không gian thông thoáng, lấy chỗ sinh hoạt cộng đồng nhưng đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ”.

Như đã nói, dân số Hà Nội đang gia tăng mạnh mẽ, chính vì thế, nhu cầu có các khoảng xanh để điều hòa không khí là điều không thể thiếu trong quy hoạch đô thị. Mới đây, dư luận vô cùng bức xúc khi TP. Hà Nội mang hơn 2,7ha đất vàng quy hoạch CV, cây xanh tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho doanh nghiệp thuê mở nhà hàng, quán nhậu dưới cái tên thật mỹ miều “Công viên, cây xanh kết hợp dịch vụ công cộng”.

Hình ảnh chăn thả động vật nhếch nhác, thường thấy ở nhiều công viên tại Hà Nội.

Hình ảnh chưa đẹp

Điều nữa đáng nói ở đây, nhiều bạn trẻ biến CV không chỉ thành nơi hẹn hò mà thành nơi ái ân. Đi dọc các CV Hòa Bình, Bách Thảo, Thống Nhất, Đống Đa… sẽ dễ dàng bắt gặp các cặp đôi kẻ ngồi làm gối cho kẻ nằm trên ghế đá. Hoặc núp sau những bụi cây để “yêu thương” nồng cháy, thăng hoa hơn. Ghi nhận của chúng tôi khi đi quanh CV Thủ Lệ - nơi có rất nhiều trẻ em đến thăm vườn bách thú…Tuy nhiên, đôi lúc các phụ huynh phải nóng mặt, dẫn con mình đi lối khác để tâm hồn trẻ nhỏ không bị vẩn đục.

Bà Nguyễn Thị Dung (58 tuổi, Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết: “Ngày nào tôi cũng tập thể dục quanh hồ! Cứ tối tối là bọn trẻ rủ nhau ra hồ ngồi kín cả lối đi, rồi làm “trăm thứ chuyện”, nó cứ đập vào mắt mình, nhìn phản cảm lắm! Không biết bọn trẻ nó có biết ngại là gì không, mình còn thấy thẹn thay cho chúng nó”.

Một bất cập khác là nhiều người đã biến các diện tích hồ này thành các hồ câu cá, dạo qua các hồ nước như Ngọc Khánh, Giảng Võ, Văn Quán, Hồ Tây, đặc biệt là hồ nước của CV Thống Nhất sẽ dễ dàng bắt gặp các “ngư ông” đô thị thả câu tràn lan, cá to hay nhỏ khi dính câu đều được cho vào giỏ hoặc ném lên bờ để mang về nhà chế biến làm đồ nhậu. Phải chăng họ đang tận diệt hệ sinh thái, biến các ao hồ trong công viên trở thành ao hồ chết, chỉ còn bọt, bèo và rác (!?). Một mặt nữa khiến các công viên Hà Nội ngày càng nhếch nhác hơn bởi tụ họp các nhóm người trong công viên, không chỉ để vui chơi, giải trí đơn thuần mà biến công viên thành nhà hàng, khách sạn bày biện, ăn nhậu trên thảm cỏ. Như tại CV Bách Thảo - nơi tập trung các loài thực vật nhiệt đới cùng hệ thống hồ xanh mướt. Đây từ lâu được xem là không gian lý tưởng để người dân đi bộ hóng mát, tập thể dục hay thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, đồi cỏ rất đẹp nằm trong đó đã trở thành địa điểm tổ chức tiệc tùng của giới trẻ mà sau những cuộc vui là vô số rác rưởi, vỏ hoa quả, chai lọ… vứt vương vãi khắp nơi. Dù trong khu vực đã bố trí nhiều thùng rác nhưng hiếm ai có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Lâu nay, ở Hà Nội xảy ra nghịch lý là dù ít nhưng vẫn thừa chỗ vui chơi. Đó là tình trạng người dân ngại đến, ngại va chạm bởi sự nhếch nhác, không phải là chỗ nghỉ ngơi lý tưởng. Ngay như CV Tuổi Trẻ nằm trên địa bàn phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) đã chục năm nay tồn tại trong tình trạng “có mà như không” do dự án xây dựng công viên vẫn chưa hoàn thành và công tác quản lý, khai thác yếu kém. Nay, cơ sở này được giao cho Công ty Công viên cây xanh Hà Nội quản lý. Ông Nguyễn Đức Mạnh - cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết, công ty đang tiến hành thiết lập lại quản lý, đầu tư sửa chữa để nơi đây trở thành điểm đến của người dân Thủ đô.

TP. Hà Nội đã có quy hoạch các CV, vườn hoa, cây xanh và hồ nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hy vọng trước những nỗ lực của thành phố, việc quản lý, sử dụng công viên sẽ được siết chặt. Và các cơ quan hữu trách cũng sẽ làm rõ mục đích sử dụng, trả lại nguyên trạng những hình ảnh đẹp để CV là nơi giải trí, sinh hoạt của đông đảo người dân trong bầu không khí bình yên, trong lành.


Vũ Văn Hùng
Ý kiến của bạn