Để Công viên Tuổi trẻ chuyển sang mô hình hoạt động công ích từ 1/11, Hà Nội đang khẩn trương xử lý hàng chục công trình không phép như nhà hàng, quán bar, siêu thị, bãi trông xe, sân bóng mọc lên suốt nhiều năm qua.
Ngày 20/9, Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Lâm Anh Tuấn cho biết, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô do Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Tuổi trẻ quản lý, song do năng lực quản lý yếu kém nên vi phạm trật tự xây dựng, đất đai diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Thống kê của quận Hai Bà Trưng cho thấy, công viên hiện có 24 công trình không có giấy phép xây dựng, thời gian qua đã bị lực lương chức năng quận xử lý. Song, do quản lý không tốt lại có 17 công trình tái lấn chiếm.
Cung Xuân xây dựng trong công viên và trở thành nơi tổ chức tiệc cưới. |
"Mặt bằng công viên cứ giải tỏa đến đâu, chỗ đó lại được sử dụng làm bãi trông xe, gây bức xúc trong nhân dân. Hiện đã có 6 bãi đỗ xe trong khu vực giải phóng mặt bằng", ông Tuấn cho biết.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cũng cho hay, qua kiểm tra, công viên hiện tồn tại nhiều công trình vi phạm quy hoạch như nhà hàng Queenbee II, 8 sân tennit, 3 sân bóng đá, 3 bãi đỗ xe... Ngoài ra, tầng hầm của Cung Xuân có 1.500 chỗ ngồi, tuy xây dựng đúng quy hoạch nhưng lại sử dụng sai mục đích. Sau khi chính quyền giải tỏa, 17 hộ dân đã tái lấn chiếm đất trong công viên.
Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố bàn giao Công viên Tuổi trẻ Thủ đô cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh quản lý, vận hành theo mô hình hoạt động công ích, phục vụ nhu cầu thể thao giải trí của người dân; đồng thời yêu cầu quận Hai Bà Trưng giải tỏa các vi phạm trật tự xây dựng, thu hồi diện tích sử dụng không đúng quy hoạch.
Nhà hàng, quán bar mọc trong công viên khiến an ninh trật tự trở nên phức tạp, xảy ra nhiều vụ đâm chém, nổ súng. Tháng 8/2011, bar này đã xảy ra vụ xô xát khiến 2 người bị chém chết. |
Trước những băn khoăn về các vấn đề tồn đọng của dự án công viên Tuổi trẻ Thủ đô, đặc biệt là còn khoản nợ nhiều tỷ đồng của các dự án, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyên Huy Tưởng nhấn mạnh, thành phố sẽ chỉ đạo xử lý những vấn đề còn tồn đọng và trách nhiệm của đơn vị nào thì đơn vị đó phải chịu.
Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cũng chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải có ngay văn bản thẩm định để khẳng định, công trình nào vi phạm quy hoạch thành phố đã duyệt năm 2010. Từ đó, có căn cứ để UBND quận Hai Bà Trưng xử lý triệt để công trình vi phạm.
Sở Xây dựng có trách nhiệm yêu cầu, đôn đốc quận xử lý các hạng mục vi phạm với thời hạn cuối cùng là tháng 12/2012. Đồng thời, các ngành cần vào cuộc để hỗ trợ cho quận đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng 8,3 ha còn lại của công viên.
Theo VnExpress