Lũ đã rút tại một số địa phương nơi cơn bão đi qua, các đơn vị và người dân đang tạm gác lại các công việc thường nhật để tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ. Trong sự bề bộn của công việc, nhiệm vụ của ngành y tế lại cấp bách và khẩn trương hơn, bởi lẽ sau lũ, nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao.
Cán bộ y tế TTYT huyện Văn Lãng, Lạng Sơn vệ sinh bệnh viện sau khi lũ rút.
Ngay sau khi bão, lũ đi qua, ngành y tế các địa phương đang tích cực, chủ động chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) trên địa bàn ra quân làm vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch giúp người dân nằm trong vùng lũ sớm ổn định lại cuộc sống. Ghi nhận của phóng viên, cộng tác viên báo Sức khỏe&Đời sống tại một số tỉnh:
Lạng Sơn: Địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 2, công tác khắc phục hậu quả đang diễn ra rất khẩn trương. Trao đổi với PV báo SK&ĐS, BS. Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc TTYTDP Lạng Sơn cho biết, thời điểm này, lũ đã rút hết, tuy nhiên, “hiện trường” thì vẫn còn rất ngổn ngang. Dự kiến công tác khắc phục phải hết tuần này mới hoàn thiện. Với phương châm “nước rút đến đâu, môi trường sạch đến đấy”, trung tâm đã cung cấp thuốc men, hóa chất, vật tư y tế cho các vùng bị thiên tai; chỉ đạo các trạm xá y tế cùng với Y tế dự phòng (YTDP) cấp huyện xuống hướng dẫn người dân xử lý môi trường, khử khuẩn tiêu độc giếng nước, bể nước theo khuyến cáo để người dân ổn định sinh hoạt. Đáng chú ý, trong đợt bão lũ vừa qua, một số cơ sở y tế của Lạng Sơn cũng bị ngập sâu trong nước như BV huyện Văn Lãng, BV Y học cổ truyền, Trung tâm Phòng chống sốt rét, 2 trạm y tế xã. Do đó, bên cạnh việc huy động cán bộ y tế dự phòng xuống các khu dân cư hướng dẫn bà con vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, công tác khắc phục hậu quả tại các BV cũng phải tiến hành rất cấp bách để đảm bảo cảnh quan, môi trường bệnh viện và an toàn sức khỏe cho bệnh nhân. Nhiều cán bộ YTDP mặc dù gia đình cũng bị ngập lũ nhưng vẫn gác lại để cùng bà con phòng chống dịch bệnh. BS. Trường cũng khuyến cáo thêm, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế thì sự cần thiết lúc này là bà con phải làm tốt vệ sinh môi trường, không ăn thịt gia súc gia cầm chết, phải uống nước chín, hạn chế tiếp xúc với nước nhiễm bẩn, nhất là trẻ em để tránh bệnh ngoài da.
Tại Hà Giang: BS. Nguyễn Đình Dích - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế, đặc biệt là các trạm y tế và nhân viên y tế thôn bản tăng cường công tác trực 24/24h và có chế độ báo cáo hàng ngày; đảm bảo mỗi trạm y tế có 1 cơ số với 23 danh mục thuốc, bệnh viện và trung tâm y tế, mỗi đơn vị có 6 cơ số thuốc với 25 danh mục thuốc phòng chống lụt bão theo quy định. Đặc biệt, tại các địa bàn xảy ra lũ lụt huyện: Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, tăng cường cán bộ xuống các xã xảy ra lũ lụt để phối hợp với trạm y tế và nhân viên y tế thôn bản tiến hành phun khử khuẩn tại các địa phương xảy ra lũ; Cấp cứu nạn nhân kịp thời; Cung cấp các thuốc phòng chống lụt bão, khử trùng nguồn nước; Tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức về phòng chống lụt bão cho nhân dân; Chỉ đạo tất cả các trạm y tế và nhân viên y tế thôn bản huy động tối đa lực lượng ứng phó và trực tại nơi xảy ra lũ trên địa bàn phụ trách
Lai Châu: Cung cấp thông tin cho báo SK&ĐS, TTND.BS. Nguyễn Công Huấn - Giám đốc Sở Y tế Lai Châu cho biết, xác định công việc cấp bách và quan trọng của ngành y tế là phòng chống dịch bệnh cho nhân dân sau lũ rút nên chúng tôi đã luôn có sự chủ động trong phòng chống dịch bệnh. Mặc dù trước đó, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho bà con đã được thực hiện thường xuyên nhưng nguy cơ dịch bệnh xảy ra sau lũ rút luôn là vấn đề đáng lo ngại, vì vậy, ngành y tế đã chỉ đạo các Trung tâm y tế đã sẵn sàng cung cấp thuốc men, hóa chất, vật tư y tế cho các vùng bị thiên tai; chỉ đạo các trạm y tế xã cùng với YTDP cấp huyện xuống hướng dẫn người dân. Trong đợt mưa lũ vừa qua, ngành y tế Lai Châu không bị thiệt hại về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, mưa bão cũng làm sạt lở, ách tắc một số tuyến đường. Nhờ có sự chủ động cùng với việc xác định những tháng cao điểm mùa mưa bão nên công tác chuẩn bị đối phó với dịch bệnh sau mưa lũ luôn được ngành y tế ưu tiên lên kế hoạch và triển khai cụ thể các tình huống, do đó, các địa phương bị cô lập bởi lũ hay chưa được thông đường vẫn có cơ số thuốc dự trữ đủ trong 2 tháng cộng với nhân lực y tế tại chỗ luôn được tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh nên việc phòng chống dịch bệnh sau lũ được triển khai kịp thời.
Tại một số tỉnh khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang..., lãnh đạo ngành y tế các địa phương đã chỉ đạo các đơn vị y tế, đặc biệt là y tế dự phòng tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh đến các khu dân cư hướng dẫn bà con dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng, dọn dẹp vệ sinh...
Nguyễn Hồng - Nguyễn Huệ