Tác hại của cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống mức nhẹ thường ít gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị sớm, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống sau này. Cong vẹo cột sống là một trong những nguyên nhân gây ra chứng đau lưng; hạn chế vận động của hệ thống cơ xương. Trường hợp bệnh nặng có thể gây rối loạn tư thế, dị dạng thân hình, tác động xấu đến tâm lý của trẻ, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng; ảnh hưởng đến chức năng của tim, phổi (giảm dung tích sống của phổi); gây biến dạng xương chậu, ảnh hưởng đến quá trình sinh đẻ của trẻ nữ khi trưởng thành.
Một số nghiên cứu trên thế giới còn cho thấy, cong vẹo cột sống có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của người bệnh. Qua theo dõi 130 bệnh nhân bị vẹo cột sống không được điều trị từ năm 1930 - 1968, người ta nhận thấy, tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân bị cong vẹo cột sống tăng 100% (2 lần) so với quần thể. Nếu chỉ tính riêng vẹo cột sống vùng ngực, tỷ lệ tử vong tăng cao gấp 4 lần, 37% bệnh nhân bị đau lưng, 14% bị các triệu chứng về tim phổi, 37% bị tàn tật với những biến dạng khác.
Các dạng tư thế do cong cột sống. |
Phát hiện vẹo cột sống
Cán bộ y tế trường học, cha mẹ học sinh có thể khám sàng lọc cho học sinh và con em mình bằng những kỹ thuật đơn giản và dễ thực hiện.
Nơi khám phải bằng phẳng, đủ ánh sáng để người khám nhìn rõ. Cho học sinh cởi bớt quần áo, làm sao phần thân và hai chân để hở, tháo bỏ giày dép, đứng thẳng, hai gót chân chụm vào nhau.
Người khám ngồi trên ghế, cách lưng học sinh 0,5m, với tư thế ngồi có thể nhìn vào chính giữa lưng và nhìn đều hai nửa cơ thể bên phải và bên trái cột sống.
Cho học sinh cúi xuống, người khám dùng ngón tay miết dọc theo các gai đốt sống hoặc dùng bút, thỏi son đánh dấu các gai đốt sống. Sau đó cho học sinh đứng thẳng, quan sát các điểm đánh dấu. Trong trường hợp bị vẹo cột sống, các đốt sống ít nhiều bị xoay vặn làm cho các gai đốt sống bị lệch, các điểm đánh dấu không nằm trên một đường thẳng mà bị lệch sang phải hoặc sang trái.
Phát hiện cong cột sống
Người khám quan sát tư thế đứng bình thường của học sinh từ trái qua phải hoặc từ phải qua trái. Nếu bình thường, tư thế học sinh ngay ngắn, thân người được giữ thẳng, đầu ngẩng, hai bờ vai cân đối, bụng hơi căng, chân thẳng. Nếu bị gù thì lưng học sinh tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ. Nếu bị so vai, đầu ngả về phía trước, hai vai chùng xuống. Nếu cột sống giảm độ cong sinh lý (bẹt) thì có tư thế lưng thẳng, bụng xệ.
Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám chẩn đoán xác định và được tư vấn về các biện pháp dự phòng và điều trị kịp thời.
Điều trị cong vẹo cột sống
Để có thể quyết định phương pháp điều trị những trường hợp mắc cong vẹo cột sống, các chuyên gia y tế cần phải khám xác định rõ mức độ cong vẹo cột sống của bệnh nhân. Ngoài những quan sát thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân chụp Xquang. Dựa vào phim Xquang, người ta sẽ xác định được độ lớn của góc cong vẹo cột sống (góc Coob). Tùy theo độ lớn của góc Coob và khả năng tiến triển của nó, bác sĩ sẽ chỉ định các bài tập phục hồi chức năng hoặc cho mang áo nẹp. Nếu mức cong vẹo cột sống nặng và tiến triển nhanh, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật chỉnh hình.