Hà Nội

Công ty thu hồi nợ "thông cầu" với xã hội đen

10-03-2013 10:02 | Thời sự
google news

“Dịch vụ tín dụng đen” nở rộ kéo theo sau nó là “dịch vụ đòi nợ thuê”. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khoản nợ không rõ ràng, nhưng các đối tượng, công ty đòi nợ thuê vẫn “vào cuộc” vì phí dịch vụ cao; đây là nguồn gốc hình thành nên “chiêu” siết nợ theo kiểu giang hồ, xã hội đen.

“Dịch vụ tín dụng đen” nở rộ kéo theo sau nó là “dịch vụ đòi nợ thuê”. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khoản nợ không rõ ràng, nhưng các đối tượng, công ty đòi nợ thuê vẫn “vào cuộc” vì phí dịch vụ cao; đây là nguồn gốc hình thành nên “chiêu” siết nợ theo kiểu giang hồ, xã hội đen.
 
Công ty thu hồi nợ "thông cầu" với xã hội đen 1
“Ngoài luật”


Được phép hoạt động như một doanh nghiệp là cơ sở để các công ty đòi nợ thuê xuất hiện ngày càng nhiều. Trên thực tế, bên cạnh những công ty hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ, đúng pháp luật quy định thì còn không ít những công ty đòi nợ thuê dùng nhiều chiêu thức “ngoài luật” để gây áp lực lên con nợ gây mất trật tự công cộng. Để giải quyết “nhanh - gọn - dứt điểm” hợp đồng, các công ty đòi nợ thuê sẵn sàng sử dụng phương thức dùng các đối tượng có tiền án, tiền sự để đe dọa, khủng bố con nợ hoặc sẵn sàng bắt giữ con nợ cho đến khi có người đem tiền đến chuộc. Cụ thể, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt giữ 24 nhân viên của Công ty CP Thu hồi nợ Phương Đông (trụ sở tại 90 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Dưới sự chỉ đạo của giám đốc công ty, nhóm nhân viên này đã kéo đến bao vây nhà chị Nguyễn Thị Như Tâm (đường Láng Hạ) đe dọa, đòi nợ thuê. Chúng mang theo ống nước, gậy gộc để trấn áp, tràn vào nhà cắt cầu dao điện sau đó, bắt giữ chị Tâm và em chồng đưa về trụ sở Công ty Phương Đông bắt viết giấy nhận nợ 600 triệu đồng và phải trả tiền ngay trong ngày. Khi lực lượng công an bao vây, thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp công ty này, các nhân viên công ty đã chống đối quyết liệt, khóa trái cửa và hô cướp.

Thực tế, Công ty Phương Đông “tập hợp” nhiều đối tượng thuộc diện cộm cán giang hồ; mỗi khi có “hợp đồng” đòi nợ, thay vì hoạt động theo lĩnh vực được cấp phép về tư vấn thu hồi nợ thì Lê Bình Minh, Giám đốc công ty lại cắt cử nhân viên khủng bố tinh thần người vay theo kiểu… xã hội đen như theo dõi, gọi điện đe dọa, nói xấu, căng băng rôn đòi nợ tại nhà riêng hoặc nơi làm việc của con nợ. Với tỉ lệ ăn chia 10-40% tổng số tiền thu về, Minh đã chỉ đạo đám “bộ sậu” thực hiện 12 vụ bắt giữ người trái pháp luật, dùng vũ lực khống chế, đánh đập con nợ để chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Thực tế, pháp luật đã có những quy định, điều kiện rất nghiêm ngặt để quản lý lĩnh vực kinh doanh khá nhạy cảm này, cụ thể là Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ban hành ngày 14-6-2007. Thế nhưng vì lợi nhuận ăn chia cao, nhiều công ty được hình thành một cách hợp pháp nhưng lại hoạt động đòi nợ thuê một cách bất hợp pháp ngoài luật.

Biến tướng

Việc vay mượn - đòi nợ - siết nợ hiện nay tập trung chính vào các đối tượng nghiện lô đề, cờ bạc, cá độ bóng đá do thua sạch nên phải vay mượn “tín dụng đen” để “đập” chỗ này “vá” chỗ kia, lãi mẹ đẻ lãi con cộng thêm tiền vay ban đầu khiến việc con nợ chi trả chủ nợ dường như là không thể.

Chính vì vậy, chủ nợ buộc phải dùng các biện pháp mạnh để siết nợ bằng 2 cách thông qua công ty đòi nợ thuê hoặc nhờ vả các đối tượng côn đồ ngoài xã hội. Một số công ty đòi nợ thuê vì lợi nhuận lại quả cao, có kết quả ngay cũng “biến tướng” dịch vụ của mình bằng cách thông cầu sang đám “anh-chị” có số má đi đòi nợ thuê rồi ăn chia. 

Thực tế cho thấy diễn biến hoạt động của loại đối tượng này đã làm gia tăng các vụ án nghiêm trọng như đe dọa, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật… Cụ thể, ngày 24-11-2012 người dân phố Yên Phụ, Hà Nội bỗng nghe thấy một tiếng nổ lớn, làm rõ thì đó là một vụ thảm sát bằng mìn tại số nhà 20/114 phố Yên Phụ do mâu thuẫn từ việc vay vợ. Thủ phạm vụ nổ mìn là Hà Phương Lương (SN 1962, ở Hoàng Mai, Hà Nội, một con nợ của nạn vay “nóng” trả “nguội”) có cho bà Lan ở số nhà 20/114 Yên Phụ vay một khoản tiền nhưng đến hạn bên vay không trả nên đã mang súng và mìn tự chế đến nhà con nợ “xử lý”. Trước đó một ngày (23-11-2012), CAQ Đống Đa đã nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Mạnh Cường (ở ngõ Hòa Bình, phường Thổ Quan, quận Đống Đa) về việc bị 2 đối tượng là Đặng Tiến Dũng (SN 1976, ở phố Khâm Thiên) và Phạm Hoài Nam (SN 1992, ở phố Xã Đàn) mang theo 1 khẩu súng ngắn K58 bắn đạn nhựa đến… đòi nợ. 

Thực tế, sau khi nhận những phi vụ trực tiếp từ chủ nợ, hoặc thông qua công ty đòi nợ thuê, các đối tượng côn đồ, xã hội đen bắt đầu thực hiện “nhiệm vụ đòi nợ rùng rợn”. Tại Hải Phòng, ngày 30-11-2012, CAQ Ngô Quyền đã ập vào khách sạn Rose trên địa bàn quận bắt giữ nhóm đối tượng đòi nợ thuê khi chúng đang giam giữ trái phép anh Hoàng Văn Bình (SN 1968, Giám đốc Nhà máy nước Tân Phong, có vay nợ của chị Hoàng Thị Bình, SN 1976, ở xã Minh Tân, Kiến Thụy trên 700 triệu đồng nhưng khất nợ nhiều lần không trả) chờ người nhà anh Bình đến nộp tiền. Trước khi được giải cứu, anh Bình đã bị nhóm giang hồ đòi nợ thuê khống chế, ép lên ôtô đưa đi, ngoài việc bị đánh đập, anh Bình đã bị một đối tượng dùng tông đơ “gọt” tóc thành kiểu đầu 3 chỏm hình trái đào, chụp ảnh dọa tung lên mạng Internet rồi đưa vào khách sạn giam giữ. Tại Thái Bình, ngày 7-9-2012, hai đối tượng côn đồ là Trần Thế Cường (SN 1985, ở Yên Thọ, Đông Triều, Quảng Ninh) và Hoàng Văn Nèng (SN 1988, ở thôn Khuổi Lù, Kim Cúc, Bảo Lạc, Cao Bằng) đã xách dao phớ, súng côn quay xông thẳng vào nhà ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1959, ở thôn Chính, Thụy Chính, Thái Thụy) đòi tiền con trai ông Tiến là anh Nguyễn Văn Tới (SN 1985) trong quá trình học tại Quảng Ninh có nợ 7,6 triệu đồng. Siết nợ con, hai đối tượng Cường và Nèng đã bắt cóc bố làm con tin và yêu cầu người nhà phải mang ngay 15 triệu đồng đến nộp nếu không sẽ “xử” nạn nhân.

 Để đạt được mục đích những đối tượng đi đòi nợ không từ một thủ đoạn nào, ngoài việc đòi nợ, siết nợ bằng cách uy hiếp con nợ bằng dao kiếm, súng, đe dọa, tra tấn, bắt cóc, giam giữ trái phép thì hiện tượng đòi nợ thuê đã hình thành nên những đối tượng, ổ nhóm côn đồ hết sức lộng hành, coi thường pháp luật, liều lĩnh và manh động gây án như việc tưới xăng thiêu sống con nợ (ông Võ Văn Tài, ở Q.8 TP.HCM vay của bà Nguyễn Thị Huệ 4.000 USD nhưng đến hẹn không trả. Bà Huệ đã nhờ họ hàng đòi giúp, một đối tượng đã mang xăng đến tạt vào người và bật lửa đối ông Tài);  “khủng bố” bằng cách ném chất thải vào nhà con nợ (Anh Đoàn Huy Thắng, ở 75 phố Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội có người em chơi cờ bạc nợ tiền không có khả năng hoàn trả nên anh Thắng phải chịu hộ em và đã bị chủ nợ “khủng bố” bằng chất thải gồm trứng gà thối, tiết canh, phân người, cá thối… trộn với dầu nhờn vứt thẳng vào nhà)… 

Siết chặt “góc tối”

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động đòi nợ thuê trở nên bát nháo, không kiểm soát được, luật sư Chu Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định: “Trong thời gian gần đây, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tình trạng con nợ mất khả năng thanh toán ngày càng nhiều. Thay vì khởi kiện vụ án ra Tòa án, họ thường tìm đến các doanh nghiệp đòi nợ thuê, thậm chí nhờ đến các băng nhóm xã hội đen. Bên cạnh đó, phải nhận thấy rằng việc đòi nợ bằng con đường khởi kiện ra Tòa án mất rất nhiều thời gian và nhiều trường hợp, mặc dù đã thắng kiện thì quá trình thi hành án dân sự cũng rất khó khăn”…

“Dịch vụ đòi nợ thuê” theo dạng “công ty thu hồi nợ” đều lách luật để làm “luật” bằng cách chuyển hướng sang “nhắc nợ”, “đeo bám” con nợ. Còn các đối tượng côn đồ thường siết nợ bằng cách “khủng bố” tinh thần để che giấu dấu vết gây khó khăn cho cơ quan chức năng. Hiện nay nhiều công ty đòi nợ thuê không thực hiện dưới hình thức “đòi nợ thuê” mà thực hiện theo kiểu nhận “gán nợ”. Sau đó các đối tượng tiến hành những thỏa thuận về dân sự, “trói” dần nợ, gây sức ép bằng nhiều cách khác không đến mức để bị truy cứu trách nhiệm hình sự khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý.

Để tránh những trường hợp đòi nợ, siết nợ xảy ra theo chiều hướng xấu, các cá nhân hoặc công ty khi vay tiền cần phải thiết lập hợp đồng vay nợ rõ ràng. Nếu không thực hiện được đúng hợp đồng hai bên cần phải đưa vụ việc ra Tòa Dân sự hoặc Kinh tế giải quyết, tránh để cho các đối tượng lợi dụng kẽ hở của luật ép nợ, siết nợ”. 

Về phía công ty đòi nợ thuê lẫn người bị đòi nợ, theo quy định của pháp luật, chủ nợ và con nợ có trách nhiệm hợp tác với nhau cùng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để xác định rõ các khoản nợ. Trong trường hợp doanh nghiệp đòi nợ thuê không thẩm định kỹ hồ sơ, không xác minh tính hợp pháp của khoản nợ mà đã tiến hành các biện pháp nghiệp vụ dẫn đến đòi một khoản nợ không có căn cứ pháp lý thì chính doanh nghiệp thu hồi nợ đã vi phạm pháp luật. Điều 11, Nghị định số 104/2007/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm khi thực hiện dịch vụ đòi nợ, cụ thể là doanh nghiệp đòi nợ thuê không được thực hiện hoặc thông qua người khác thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của con nợ, chủ nợ và các tổ chức, cá nhân khác liên quan.

 Để kiểm soát hoạt động đòi nợ thuê, đã đến lúc các cơ quan pháp luật cần rà soát, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này. Kiên quyết trấn áp, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen. Các cơ quan như Tòa án, Thi hành án dân sự cần xem xét giải quyết các vụ án liên quan đến đòi nợ nhanh gọn, hiệu quả, tạo được lòng tin của nhân dân. 
 
Theo An ninh Thủ đô

Ý kiến của bạn