Công ty Alibaba “Lừa đảo cướp đoạt tài sản” hay “vi phạm quy định về sử dụng đất”?

21-12-2022 17:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Nguyễn Thái Luyện cho rằng mình đang bị oan sai, mọi hoạt động kinh doanh đều công khai và bị cáo chỉ “Vi phạm quy định về sử dụng đất” theo điều 228 Bộ luật hình sự.

Đại diện VKSND TP.HCM cho biết, rất nhiều luật sư biện hộ cho các bị cáo không đồng ý với cáo trạng mà VKSND TP.HCM đã truy tố các bị cáo về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà hành vi của các bị cáo chỉ "Vi phạm quy định về sử dụng đất" theo điều 228 Bộ luật hình sự. (BLHS)

Ngoài ra, một số bị cáo trong vụ án này đã nộp lại số tiền từ 10-30 triệu đồng nhưng các bị cáo không được VKSND TP.HCM áp dụng điểm B điều 51 BLHS đối với tình tiết giảm nhẹ. Đồng thời, nhiều luật sư có ý kiến khi các thân chủ là bị cáo trong vụ này là bị hại trong vụ án khác nhưng VKS không xác định là bị hại trong vụ án. Qua phần xét hỏi công khai tại phiên tòa, các bị cáo là bị hại đã đồng ý cấn trừ số tiền đã đầu tư để Công ty Alibaba khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho nhiều bị hại khác.

Công ty Alibaba “Lừa đảo cướp đoạt tài sản” hay “vi phạm quy định về sử dụng đất”? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo khác tại phiên tòa.

VKS đã truy tố 22 bị cáo về tội chiếm đoạt tài sản qua phần tranh luận đối đáp trong ngày 19 và 20/12/2022 thì các luật sư bào chữa cho các bị cáo đã không thống nhất với tội danh mà VKS đã truy tố. Cụ thể như sau:

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện kêu oan, không thừa nhận tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo khẳng định, bị cáo không lừa đảo, mọi hoạt động mua bán đất là công khai minh bạch nên bị cáo không đồng ý VKS truy tố bị cáo là oan sai. Việc kinh doanh bất động sản dựa trên hiến pháp luật dân sự, luật kinh doanh bất động sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện đề nghị hội đồng xét xử xem xét đối với các hợp đồng này là dân sự, các hợp đồng đã ký với khách hàng nếu đồng ý sẽ tiếp tục, các hợp đồng khác nếu khách hàng không đồng ý thì sẽ bồi thường theo hợp đồng đã ký kết.

Luật sư Phan Văn Hưng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thái Luyện cho rằng, theo khoa học pháp lý thì tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì phải người phạm tội phải thực hiện thủ đoạn gian dối để khách hàng tin tưởng là thật và bàn giao tài sản của họ từ đó mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi vi phạm của bị cáo Luyện đều được quy định trong các văn bản về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Do đó, hành vi của bị cáo Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo khác có dấu hiệu "Phạm tội các quy định về sử dụng đất" được quy định tại điều 228 BLHS.

Tuy nhiên, theo đại diện VKSND TP.HCM, căn cứ theo khoản 4 điều 5 Luật kinh doanh bất động sản quy định về các loại bất động sản được kinh doanh như sau: Các loại đất được phép chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì được phép kinh doanh và sử dụng đất. Trong 58 dự án của Công Ty Alibaba, các loại đất được bị cáo Nguyễn Thái Luyện đưa vào kinh doanh, chào bán cho khách hàng là những loại đất nông nghiệp, đất quốc phòng...

Công ty Alibaba “Lừa đảo cướp đoạt tài sản” hay “vi phạm quy định về sử dụng đất”? - Ảnh 2.

Phiên tòa xét xử vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" của Công ty Alibaba sáng ngày 21/12.

Đồng thời, qua xác minh tại văn phòng công chứng đất đai tại tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định được một số dự án thuộc đất quốc phòng và đất lâm nghiệp. Căn cứ theo điều 55 Luật kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện các dự án bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải có giấy tờ về việc sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ đã được cấp qua bản vẽ đã được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng. Giấy tờ nghiệm thu để hoàn thành cơ sở hạ tầng để thực hiện tương ứng theo tiến độ dự án.

Đồng thời căn cứ vào điều 168 Bộ luật kinh doanh đất đai năm 2013 khi chưa đứng tên chủ quyền mà lại bán đất cho người khác. Trong vụ án này có nhiều dự án bị cáo mới ký hợp đồng đặt cọc với chủ đất chưa sang tên chuyển nhượng, chưa có hợp đồng công chứng nên bị cáo đã triển khai hoạt động mở bán và chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Bị cáo Luyện, trước khi ký kết hợp đồng đã đưa ra những thông tin gian dối về dự án cho khách hàng để thu tiền. Trong tất cả các hợp đồng ký kết giữa Công ty Alibaba và các khách hàng mua đất đều là đất dự án, không phải là đất của gia đình hay là đất chuyển nhượng. 58 dự án không được sự phê duyệt của cơ quan chức năng theo quy định.

Đối với bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh, bị cáo có vai trò rất quan trọng trong Công ty Alibaba và đã thực hiện chuyển nhượng 92 thửa đất nông nghiệp bất hợp pháp. Sau khi hoàn thành thủ tục đặt cọc thì bị cáo Lĩnh đã ký chuyển nhượng cho các bị cáo Võ Thị Thanh Mai, Trần Huy Phúc...Bị cáo Lĩnh đã bị UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) xử phạt 2 lần vì vi phạm hành chính do liên quan tới đất nhưng sau vẫn tiếp tục vi phạm. Qua điều tra cho thấy tội danh mà VKS truy tố bị cáo Lĩnh là hoàn toàn chính xác và vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và tội danh như trước đây đã nêu.

Bị cáo Võ Thị Thanh Mai, bị cáo là vợ Nguyễn Thái Luyện, là Giám đốc tài chính của Công ty Alibaba, luật sư bào chữa cho rằng bị cáo Mai có tình tiết giảm nhẹ như có thai, thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác cơ quan, bị hại có đơn yêu cầu giảm nhẹ án, lần đầu phạm tội, ông bà nội tham gia kháng chiến…) và bị cáo kêu oan, bị cáo không vi phạm tội "Rửa tiền". Bị cáo cũng kêu oan tội "Rửa tiền" và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ tội danh. Nhưng VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố do bị cáo có vai trò rất lớn và quan trọng đối với công ty. Bị cáo Mai là người quản lý dòng tiền của công ty. Đến nay, số tiền 13 tỷ đồng bị cáo rút ra và chuyển trả cho vài người thì bị cáo đều biết. Nếu xác định được 13 tỷ đồng không nằm trong số tiền lừa đảo thì sẽ oan sai cho bị cáo.

Đối với Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện), đã khai rằng tin vào anh mình là Nguyễn Thái Luyện, bị cáo Lực không lừa ai. Đồng thời, luật sư bào chữa cho rằng, việc kinh doanh của Công ty Alibaba là hình thức kinh doanh mới, truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là không căn cứ, vì giao dịch dân sự giữa cá nhân – cá nhân, khách tự nguyện đồng ý tách thửa trong 12 tháng, thời gian chưa hết hợp đồng, cần trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Công ty Alibaba cũng đã điều lệ số vốn 1600 tỷ đồng không có thật để tạo vỏ bọc cho công ty, tạo niềm tin cho khách hàng là công ty có tiềm lực về kinh tế. Do đó, VKSND TP.HCM đã truy tố bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo khác về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là có căn cứ và theo quy định pháp luật.

Đối chiếu với những quy định của pháp luật VKS đã truy tố bị cáo Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo khác về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là đúng người đúng tội, đúng với hành vi của bị cáo và các bị cáo khác. Vậy nên, VKS vẫn giữ nguyên cáo trạng của Nguyễn Thái Luyện và các bị cáo khác tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và cung hình phạt đối với bị cáo vào ngày 19 và 20/12 vừa qua.

Xét xử vụ Alibaba: Bị cáo khóc lóc xin giảm nhẹ hình phạt vì không muốn "chôn vùi tuổi xuân"Xét xử vụ Alibaba: Bị cáo khóc lóc xin giảm nhẹ hình phạt vì không muốn 'chôn vùi tuổi xuân'

SKĐS - Liên quan đến phiên xét xử các bị cáo trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền” tại công ty địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện đứng đầu. Ngoài Nguyễn Thái Luyện bị đề nghị tù chung thân, các đồng phạm khác cũng bị đề nghị mức án nhiều năm tù.


P.Thương
Ý kiến của bạn