Công trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin Rota tại Việt Nam được trao giải thưởng Bảo Sơn 2013

14-06-2014 16:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng ngày 14/6, Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Bảo Sơn đã phối hợp tổ chức lễ trao Giải thưởng Bảo Sơn năm 2013. Theo đó, công trình thuộc lĩnh vực phát triển Y Dược mang tên: “Chuỗi công trình nghiên cứu Virus Rota và sản xuất vắc xin Rota tại Việt Nam” của tác giả PGS.TS

Qua 16 năm nghiên cứu bệnh Viêm dạ dày ruột cấp tính do virus Rota, PGS.TS Lê Thị Luân cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công vắc xin phòng bệnh tiêu chảy tại Việt Nam. Được biết, đây là chuỗi công trình nghiên cứu khoa học bài bản, có được kết quả nghiệm thu xuất sắc với tính mới, tính khoa học và trình ứng dụng cao trong y học. Với kết quả nghiên cứu này, vắc xin Rotavin-M1 đã được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, được sản xuất và đưa ra thị trường cho trẻ em trên toàn quốc sử dụng từ tháng 8/2012 (tính tới nay có khoảng gần 100.000 trẻ em đã sử dụng).

Trao tặng giải thưởng Bảo Sơn cho PGS.TS Lê Thị Luân và nhóm nghiên cứu
Trao tặng giải thưởng Bảo Sơn cho PGS.TS Lê Thị Luân và nhóm nghiên cứu

PGS.TS Lê Thị Luân chia sẻ, có thể nói đây là một thành công lớn của Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin đồng thời cũng là thành tựu to lớn của ngành y học dự phòng nói riêng và ngành y tế nói chung. Thành công này đã khẳng định một lần nữa, Việt Nam là nước thứ hai của Châu Á và là một trong bốn nước trên thế giới (sau Mỹ, Bỉ, Trung Quốc) tự sản xuất được vắc xin Rota với công nghệ cập nhật quốc tế. Quan trọng hơn, việc tự sản xuất được vắc xin Rota sẽ giúp cho Việt Nam giảm 5.300-6.800 ca tử vong của trẻ, giảm đến 820.000 lượt thăm khám của trẻ và giảm 122.000-140.000 lần trẻ phải nhập viện do virus Rota.

 

 

Văc xin Rotavin-M1 đã đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế và xã hội
Văc xin Rotavin-M1 đã đem lại nhiều hiệu quả về kinh tế và xã hội

 

Được biết, Giải thưởng Bảo Sơn được chính thức trao giải từ năm 2011, dành để vinh danh các công trình khoa học xuất sắc có giá trị khoa học và thực tiễn, đã được ứng dụng trong thực tế, đóng góp nổi bật vào sự phát triển của đất nước. Mỗi năm trị giá giải thưởng sẽ tăng lên 10.000 USD cho tới khi đạt mốc 1 triệu USD thì duy trì mức thưởng này. Đến nay, cùng với công trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin Rota, đã có 3 công trình khoa học được trao giải với tổng giá trị 80.000 USD. Theo dự kiến, Giải thưởng Bảo Sơn năm 2014 sẽ được phát động vào tháng 7 tới.


Ý kiến của bạn