Công trình của tình đoàn kết, hữu nghị Việt-Nga

07-11-2017 15:44 | Thời sự
google news

SKĐS - Tượng đài tưởng niệm các quân nhân Liên Xô (Nga) và Việt Nam hi sinh vì hòa bình, ổn định khu vực miền Trung giai đoạn 1978 đến 2002 là một trong những công trình độc đáo ở Việt Nam thể hiện sâu đậm tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa hai đất nước.

Kiệt tác độc đáo

Tượng đài tưởng niệm này còn có tên gọi là Tượng đài Cam Ranh. Đây là một kiệt tác độc đáo trong nền nghệ thuật điêu khắc Việt Nam. Lồng vào tượng đài là ý nghĩa tưởng nhớ và lòng tri ân vô bờ bến đến những người đã khuất. Tượng đài có chiều cao 21m, nặng 800 tấn, được đặt trên đồi nhân tạo cao 3m ở Cam Ranh (Khánh Hòa) công trình do Liên Doanh Việt - Nga Vietsovpetro xây dựng. Tượng đài khắc tên  44 quân nhân Nga và 174 cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hi sinh tại Cam Ranh và khu vực miền Trung vì hòa bình, ổn định khu vực.

Là người gắn bó sâu sắc với công trình này, ông Lê Ngọc Thạch (51 tuổi, bảo vệ tượng đài) hồi khứ lại chuỗi thời gian đã trôi qua, tâm sự: “Sự kiện ngày 13/2/1985, trong kíp bay TU 95  của  Thiếu tá Krivenko S.D cùng với 9 thành viên đã hi sinh trên vùng thềm lục địa Việt Nam. Đến năm 1986, các quân nhân Liên Xô dựng cột bia bằng xi măng tưởng niệm các chiến sĩ này. Tiếp đó, 10 năm sau, tai nạn thảm khốc của 3 chiếc máy bay SU – 27 do thời tiết xấu, đâm vào núi Chúa, cột bia đã bổ xung thêm bảng ghi thứ 2,  ghi tên 4 phi công Nga”.

Tượng đài là kiệt tác độc đáo, thắm tình hữu nghị Việt-Nga.

Kỷ niệm trỗi dậy mãnh liệt, lặng người đi hồi lâu, ông Thạch kể tiếp rằng: “Năm 2002, đoàn lính Nga cuối cùng rời khỏi Cam Ranh. Đến năm 2004, trong cuộc viếng thăm lại Cam Ranh, Ban lãnh đạo Vietsovpetro đã đề xuất ý tưởng xây dựng Tượng đài mới như ngày nay. Nét chủ đạo của công trình này được điêu khắc theo biểu tượng mũi tàu hướng về phía trước cùng với hai hình ảnh người lính của Hải quân Việt Nam sát cánh với không quân Liên Xô và em bé nâng cánh chim hòa bình. Đó là minh chứng cho tình đoàn kết, hữu nghị và niềm tin chiến thắng của hai dân tộc Nga - Việt.

Thêm yêu nước mình, thêm quý nước bạn

Không chỉ uy nghi và có giá trị về lịch sử, hiện nay, tượng đài là điểm đến yêu thích của khách du lịch trong và  ngoài nước. Trong đó có người đến vì tình đồng đội, có người đến vì tình cảm của cha mẹ và  tình cảm tự hào về sự hi sinh của các chiến sĩ. Trong quyển sổ ghi cảm tưởng  bên cạnh tượng đài, chúng tôi đọc được nhiều dòng tâm sự xúc động như; “lòng ngưỡng mộ trong tôi trào dâng mỗi khi đến đây để đốt nén hương nhớ về đồng chí và đồng đội”- Đây là tình cảm của ông Dương Hoa Hồng (nguyên thuyền trưởng HQ 604) dành cho các đồng chí, đồng đội và anh em của mình trên  tàu 604 định mệnh. Trên chuyến tàu đó, có 64 chiến sĩ hi sinh để bảo vệ biển, đảo quê hương. Bên cạnh đó, có những người mẹ sau bao trông ngóng, mỏi mòn, họ cũng đã kịp để lại những lời tâm sự như rút từ đáy sâu gan ruột của mình.

Bà Phan Thị Lực (mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự) viết: “Lần đầu tiên đến thăm tượng đài, tôi rất xúc động và biết ơn Đảng, Nhà nước Việt Nam và Nga. Mong tình hữu nghị của hai đất nước sẽ mãi thắm tươi, bền vững. Riêng năm 2016, lượng khách du lịch Nga đến thăm Tượng đài Cam Ranh hàng chục ngàn lượt. Các nghiên cứu sinh tại trung tâm nhiệt đới Việt - Nga ở Khánh Hòa và nhiều người khác như tìm thấy sự thân thương như chính quê hương của mình.

Tượng đài còn là nơi giáo dục lý tưởng cho lớp trẻ

Suốt chiều dài lịch sử Liên Xô luôn có nhiều mối quan hệ hỗ trợ với Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Bởi vậy, tượng đài này còn mang ý nghĩa giáo dục, bồi đắp thêm lý tưởng cho thế hệ trẻ mỗi khi đến viếng thăm.


Hà Đạo-Phạm Nhài
Ý kiến của bạn