Hà Nội

Công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu: Lên phương án sẵn sàng chăm sóc người bệnh tốt nhất

20-01-2017 10:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tết Nguyên đán đang gõ cửa từng ngõ, từng nhà. Trong khi các gia đình đang tất bật đón Tết thì các cán bộ y tế từ hệ dự phòng đến điều trị vẫn miệt mài làm việc chuyên môn.

Tết Nguyên đán đang gõ cửa từng ngõ, từng nhà. Trong khi các gia đình đang tất bật đón Tết thì các cán bộ y tế từ hệ dự phòng đến điều trị vẫn miệt mài làm việc chuyên môn. Với họ dường như không khí của ngày Tết vẫn như “đang ở đâu đó”, bởi sức khỏe của cộng đồng, bởi những người bệnh vẫn đang cần được điều trị, chăm sóc. Và, để công việc cao cả: bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân dịp Tết được đảm bảo như bình thường, ngay lúc này, các cơ sở y tế đã lên các phương án về nhân sự, chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất, dịch truyền...

Đảm bảo khám chữa bệnh tại bệnh viện và chi viện tuyến dưới

Tại BV Việt Đức - Cơ sở ngoại khoa mà lượng bệnh nhân (BN) nhập viện cấp cứu trong những ngày sát Tết và sau ngày mùng 3 Tết hàng năm thường tăng cao. Trao đổi với chúng tôi, GS.TS. Trần Bình Giang - Giám đốc BV cho biết, để đảm bảo công tác khám, cấp cứu và điều trị trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Ban giám đốc BV đã phân công kế hoạch trực cụ thể đến từng khoa, phòng. Theo đó, BV phân trực đầy đủ theo 4 cấp gồm: trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; thường trực lâm sàng; thường trực cận lâm sàng và trực hành chính, bảo vệ. Đồng thời, BV cũng duy trì hoạt động của đội cấp cứu ngoại viện, quán triệt tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng lên đường chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu.

Cũng theo GS.TS. Trần Bình Giang, trung bình một ngày trực khám chữa bệnh của BV Việt Đức trong dịp Tết có khoảng gần 400 cán bộ y tế và các bộ phận liên quan, trong đó có khoảng 30 bác sĩ. Do đặc thù là BV tuyến cuối về ngoại khoa nên ngoài 2 phòng mổ thường trực, tại Khoa Khám bệnh, BV Việt Đức đã bố trí thêm 5 bàn cấp cứu để đảm bảo công tác cấp cứu trong lúc cao điểm. Cùng với chuẩn bị về chuyên môn, BV Việt Đức cũng dành sự quan tâm đến người bệnh ở lại BV trong dịp Tết bằng các suất quà và suất ăn miễn phí...

Đối với BV Phụ sản TW, TS. Lê Hoài Chương - Phó Giám đốc BV cho biết, thông thường dịp Tết năm nào tại BV cũng thường xuyên được đón các bé sơ sinh chào đời. Do đó, BV đã phân công lịch trực Tết cụ thể của các cán bộ y tế trong BV để không chỉ phục vụ việc sinh nở của các sản phụ, mà còn đảm bảo đáp ứng các tình huống xảy ra trong sản khoa được chuyển từ tuyến dưới lên. Theo đó, BV cũng lên kế hoạch triển khai trực 4 cấp, trung bình một tua trực có khoảng 180 cán bộ y tế và các bộ phận liên quan, song song đó, 1 đội cấp cứu ngoại viện với xe cấp cứu, cơ số thuốc và nhân sự đã được chuẩn bị sẵn để kịp thời cấp cứu BN nặng ngoại viện khi cần.

Phó Giám đốc BV Phụ sản TW cũng cho biết thêm, trong những ngày Tết, BV vẫn duy trì các bàn khám cấp cứu 24/24 giờ để sẵn sàng phục vụ BN. Riêng với những BN lưu tại BV trong dịp Tết, BV đã lên kế hoạch cùng các nhà hảo tâm tặng quà và suất ăn miễn phí...

Tại BV Tai Mũi Họng TW, PGS.TS. Võ Thanh Quang - Giám đốc BV cho biết, dù là cơ sở y tế chuyên khoa, song vấn đề đảm bảo công tác khám, chữa bệnh do nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán đã được BV lên kế hoạch chi tiết.

Theo đó, BV dành khu vực Khoa Cấp cứu và Khoa Gây mê hồi sức là nơi cấp cứu cho BN, thường xuyên có 5-7 bác sĩ và 7 điều dưỡng thường trực phục vụ BN cấp cứu và khám chữa bệnh trong dịp Tết. “Chúng tôi dự kiến tại các khoa: Tai Mũi Họng trẻ em, Mũi xoang, Thanh học, Tai - Tai thần kinh sẽ cố gắng cho BN ra viện trước Tết. Hai khoa có kế hoạch lưu bệnh nhân trong dịp Tết là Khoa Cấp cứu và Khoa Ung bướu - trung bình các năm trước khoảng trên 20 BN” - Giám đốc Võ Thanh Quang cho biết.

Các bệnh viện đã sẵn sàng các phương án trực Tết. Ảnh: T. Minh

Các bệnh viện đã sẵn sàng các phương án trực Tết. Ảnh: T. Minh

Quyết liệt kiểm soát dịch bệnh dịp Tết

Thời tiết bất thường của mùa đông - xuân năm nay cũng khiến nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, vào mùa đông - xuân các dịch bệnh như cúm, sởi, Rubella, quai bị, sốt xuất huyết, tay-chân-miệng... thường gia tăng, nhưng đáng lo ngại là các dịch bệnh lây lan qua đường ăn uống, nhất là liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp, cúm và ngộ độc rượu. Bởi lẽ mùa đông - xuân cũng là thời điểm Tết Nguyên đán và nhiều lễ hội đầu năm nên lượng thực phẩm, đặc biệt là thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ tăng đột biến. Trong khi đó, tình trạng vận chuyển, buôn bán, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chưa chặt chẽ; tình trạng giết mổ, kinh doanh gia cầm, gia súc ốm chết vẫn diễn ra. Hiện nay, tuy Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H7N9 và cúm A/H5N6 nhưng nguy cơ dịch cúm bùng phát vào mùa đông - xuân rất cao do một số quốc gia trong khu vực đang có dịch cúm. Cùng với đó, dịch bệnh tay-chân-miệng cũng rất dễ bùng phát vì đây là loại bệnh mà có số người mắc luôn ở mức cao.

Tại phía Nam, theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), bệnh thủy đậu hay gặp trong thời điểm từ tháng 12 đến tháng 6, trong đó các tháng 2, 3, 4, 5 thường có số ca bệnh tăng cao nhất. Cũng tại TP.HCM, hiện số ca mắc bệnh Zika đang tăng từng ngày. Đến thời điểm này đã có 200 ca và chỉ có quận 8 là nơi chưa xuất hiện ca bệnh; 2 nơi có số người mắc bệnh cao nhất là quận Bình Thạnh và quận 2. Hay tại Quảng Nam, dịch bệnh bạch hầu đã khiến hai học sinh tử vong cách đây vài ngày.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết gây ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang rình rập, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng. Ngành y tế sẽ phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình BN mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm các ổ dịch và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Bộ Y tế cũng tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, cũng như không ăn tiết canh heo, giết mổ heo ốm, bệnh. Đảm bảo ăn chín, uống chín và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày.

Ðảm bảo cung ứng thuốc dịp Tết Ðinh Dậu 2017

Để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết Đinh Dậu 2017 và nguy cơ bùng phát dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc để đảm bảo sẵn sàng cung ứng thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, chú trọng bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh cúm A/H5N1), tay-chân-miệng, sốt xuất huyết, sởi, Rubella, tiêu chảy do virut Rota, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và các bệnh khác có nguy cơ bùng phát trong mùa đông - xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội; đồng thời chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh; chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về kinh doanh thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và các hành vi đầu cơ, tích trữ ảnh hưởng đến công tác bình ổn và quản lý giá thuốc; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm bán thuốc 24/24 giờ.

Mai Hương


Hoàng Nguyễn - Nguyên Ánh
Ý kiến của bạn