Tết là dịp để nghỉ ngơi, sum vầy gia đình, thế nhưng, đối với những người thầy thuốc, họ vẫn luôn tất bật bởi công việc cứu người là nhiệm vụ tối cao,... Trong 7 ngày nghỉ Tết đã có trên 112.000 trường hợp được khám chữa bệnh và cấp cứu tại các cơ sở y tế...
Gần 4.500 trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau
Theo báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu của Bộ Y tế, tổng số người bệnh còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh đến 7 giờ sáng ngày 1/2/2017 (mùng 5 Tết) là 112.308 trường hợp. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 179.732 trường hợp, trong đó có 126.264 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, 11.006 trường hợp phải chuyển viện. Thực hiện 13.705 ca phẫu thuật, trong đó 310 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân) và điều trị khỏi cho xuất viện 91.770 người bệnh.
Bộ Y tế cũng cho biết, báo cáo từ các cơ sở y tế trên cả nước, trong dịp Tết năm 2017 tổng số ca đến khám, cấp cứu do đánh nhau là 4.474 trường hợp, trong đó 550 trường hợp được xác định nguyên nhân do rượu bia. Trong số này có 20 trường hợp tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và chúc Tết tại BV Phạm Ngọc Thạch - TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Nguyễn Huyền
Bên cạnh đó, cấp cứu tai nạn giao thông cũng luôn nóng bỏng tại các cơ sở y tế trong những ngày Tết. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, trong đợt nghỉ Tết vừa qua, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là gần 35.800 trường hợp ghi nhận tại khoa khám bệnh các BV và theo lời khai của người bệnh, người nhà bệnh nhân. Trong đó có 19.5727 trường hợp va chạm nhẹ được xử trí và cho về trong ngày, có 11.454 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú và gần 2.300 trường hợp phải chuyển tuyến điều trị. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến BV) là 160 trường hợp, giảm 64 trường hợp so với năm 2016.
Tại báo cáo này, Bộ Y tế cũng cho biết, 23 bệnh nhân do vụ tai nạn lật xe ôtô gần chùa Ba Vàng - Quảng Ninh ngày mùng 3 Tết vẫn đang được điều trị ổn định tại BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, chưa có thêm bệnh nhân xuất viện.
Tổng số ca khám rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn và rượu là gần 2.500 trường hợp, trong đó hơn 700 trường hợp được xác định nguyên nhân do bia rượu. Cũng trong 7 ngày nghỉ Tết cả nước có gần 18.500 trẻ sơ sinh chào đời.
Riêng số bệnh nhân bị thương do pháo nổ, trong 7 ngày Tết cả nước có 150 trường hợp vào viện (chưa loại trừ số trùng lặp do chuyển viện), tăng 54 trường hợp so với năm 2016, không có trường hợp tử vong. Ngoài ra cũng có 31 trường hợp nhập viện do chất nổ khác, không có tử vong.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 6 ngày Tết, các cơ sở y tế thuộc Hà Nội tiếp nhận hơn 6.700 ca cấp cứu, với 659 ca tai nạn giao thông. Đặc biệt, Trung tâm cấp cứu 115 đã hoạt động hết công suất. Mỗi ngày có 14 đội cấp cứu ứng trực 24/24 giờ tại trung tâm và các trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn thành phố.
Từ ngày 26/1 - 7h00’ ngày 31/1, lực lượng cấp cứu toàn thành phố đã tiếp nhận 464 lượt yêu cầu, số lượt xe đi 464 lượt, cấp cứu và vận chuyển 319 bệnh nhân, chuyển viện 249 trường hợp, trong đó tai nạn giao thông 28 trường hợp, tai nạn sinh hoạt 9 trường hợp, tử vong: 22 trường hợp (trong đó: 1 do tai nạn sinh hoạt; 1 do tai nạn giao thông; 20 do các nguyên nhân khác).
Tập trung cao độ chăm sóc, điều trị cho người bệnh
Đêm giao thừa (30 Tết), sau chuyến công tác dài ngày từ Thụy Sĩ vừa trở về, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành thời gian đến chúc Tết, thăm hỏi, động viên và tặng quà các y, bác sĩ và các bệnh nhân, sản phụ tại BV Ung bướu, BV Phạm Ngọc Thạch và BV Phụ sản Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh.
Chia sẻ với chúng tôi, BS. Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu hồi sức (BV Bệnh Nhiệt đới TW) cho biết, ở Khoa Cấp cứu toàn là bệnh nhân nặng không thể về nhà ăn Tết. Từ ngày 30 đến mùng 1, mùng 2 Tết càng có nhiều người nhập viện hơn, những cuộc liên hoan tiệc tùng liên miên khiến các bệnh như viêm gan cấp, xơ gan do virut, đặc biệt là bệnh liên cầu lợn gia tăng.
Còn BS. Lê Việt Trung, Trưởng khoa Cấp cứu (BV E) cho biết, năm nay, ước tính, số bệnh nhân nhập viện tăng hơn năm ngoái với đủ các bệnh như chấn thương sọ não do sử dụng bia rượu gây TNGT, ngộ độc rượu, đánh nhau... Vì vậy, đến kíp trực là các y, bác sĩ đều phải căng mình phục vụ. “Chứng kiến và tham gia cấp cứu những ca tai nạn giao thông thương tâm, lần nào tôi và các nhân viên cũng có cảm giác đau đớn, nuối tiếc. Mong rằng người dân không uống quá nhiều, không tham gia giao thông sau khi uống bia, rượu để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người khác”, BS. Lê Việt Trung chia sẻ.
Tại BV Việt Đức, BS. Phạm Hải Bằng, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, trưởng kíp trực cọc 1 của BV cho biết, trong 5 ngày Tết Đinh Dậu (tính đến ngày mùng 5 Tết), BV Việt Đức tiếp nhận cấp cứu 714 trường hợp, trong đó tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ khá cao với 504 ca. Trong số 504 ca tai nạn giao thông đến khám, cấp cứu tại BV Việt Đức có 272 ca chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân khác nhau (trong đó có 148 ca do không đội mũ bảo hiểm). Cũng trong dịp Tết Nguyên đán, có 179 trường hợp đến khám, cấp cứu tại BV Việt Đức do tai nạn sinh hoạt.
“Thực hiện kế hoạch phân công trực Tết của BV, các y, bác sĩ chúng tôi luôn nỗ lực, tạm quên ngày Tết quây quần để đảm bảo công tác chăm sóc, khám và cấp cứu cho người bệnh” - BS. Bằng cho biết.
Các bác sĩ Khoa cấp cứu - BV Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Thái Bình
Gia tăng bệnh nhân cấp cứu nặng do xuất huyết tiêu hóa, sảng rượu
Tại BV Bạch Mai, trong các ngày nghỉ Tết, số ca cấp cứu tăng cao hơn hẳn so với ngày thường. Sáng mùng 5 Tết, BS. Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, 6 ngày Tết vừa qua, mỗi ngày khoa tiếp nhận 100 bệnh nhân từ khắp nơi chuyển đến, cao điểm ngày mùng 4 Tết tiếp nhận đến 116 bệnh nhân. 2/3 trong số này là những trường hợp nặng, phải nhập viện. Đáng lưu ý, trong đó có nhiều bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, có ngày khoa tiếp nhận 5-6 bệnh nhân, cao điểm nhất vào ngày 29-30 Tết. Tất cả đều có tiền sử nghiện rượu trên các nền bệnh lý mạn tính, có người uống 1 lít/ngày gây xơ gan và các bệnh lý dạ dày, thực quản.
BS. Hùng cũng cho biết thêm, cách đây khoảng 10 năm, mỗi tuần khoa chỉ có 1-2 ca sảng rượu nhưng giờ ít nhất 2 ca/ngày. Đáng lưu ý, số bệnh nhân nhập viện do rượu, bia ngày càng trẻ hóa, trong độ tuổi 30-40.
Thống kê của BV Bạch Mai cũng cho hay, các trường hợp người lớn phải vào khám và cấp cứu trong các ngày Tết tại BV này chủ yếu do các bệnh mạn tính: tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp. Đáng lưu ý, số đến khám, cấp cứu do ngộ độc rượu (5 trường hợp) và do thức ăn (15 trường hợp) được ghi nhận riêng trong ngày 4 Tết, cao hơn hẳn so với cùng kỳ Tết Bính Thân 2016.
Tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, BS. Nguyễn Đàm Chính cho biết, vào mùng 4 Tết, có 1 bệnh nhân nam 57 tuổi ở Mỹ Hào, Hưng Yên tử vong nghi ngộ độc rượu methanol. Trước đó, ngày mùng 3 Tết, bệnh nhân uống nhiều rượu tại nhà, rơi vào trạng thái hôn mê từ sáng mùng 4 Tết. Bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Chống độc trưa cùng ngày trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, dùng thuốc trợ tim nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi, huyết áp tụt và gia đình đã xin bệnh nhân về đêm mùng 4 Tết.