Công tác xã hội trong bệnh viện: Hướng tới công bằng trong chăm sóc toàn diện người bệnh

23-03-2019 21:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhân lực làm công tác xã hội tại các bệnh viện “đảm đương” khá nhiều việc. Họ không chỉ vận động tiếp nhận tài trợ, kết nối dịch vụ mà còn là người hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân; Hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế; Hỗ trợ chăm sóc hàng ngày cho người bệnh; Hỗ trợ pháp lý cho người bệnh; Truyền thông quan hệ cộng đồng…

Tại hội thảo "Công tác xã hội trong bệnh viện: Hướng tới hiệu quả và công bằng trong chăm sóc toàn diện người bệnh” do Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Nhóm học giả thuộc chương trình công bằng chăm sóc sức khỏe, Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức ngày 23/03/2019, TS. Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết: Quyết định số 2514/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án “Phát triển Nghề Công tác xã hội trong ngành Y tế giai đoạn 2011-2020” và Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện đã đánh dấu sự phát triển Nghề Công tác xã hội trong ngành Y tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo "Công tác xã hội trong bệnh viện: Hướng tới hiệu quả và công bằng trong chăm sóc toàn diện người bệnh”

“Điều đó đã được minh chứng qua việc các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và tuyến quận huyện đã và đang thành lập Phòng / tổ công tác xã hội, góp phần đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”- TS Nguyễn Hồng Sơn nói.

Trên thực tế hiện nay nhân lực làm công tác xã hội tại các bệnh viện “đảm đương” khá nhiều việc. Họ không chỉ vận động tiếp nhận tài trợ, kết nối dịch vụ mà còn là người hỗ trợ tâm lý xã hội cho bệnh nhân; Hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế; Hỗ trợ chăm sóc hàng ngày cho người bệnh; Hỗ trợ pháp lý cho người bệnh; Truyền thông quan hệ cộng đồng…

Hội thảo với sự chủ trì của TS. Nguyễn Hồng Sơn và GS.TS. Bùi Thị Thu Hà (Hiệu trưởng trường ĐHYTCC) đã thu hút sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các bệnh viện, các Trường đại học, trung tâm nghiên cứu, và các tổ chức quốc tế, cơ quan thông tấn báo chí và các học giả thuộc chương trình công bằng chăm sóc sức khỏe nhằm mục tiêu chia sẻ, thảo luận và thống nhất về một số vấn đề cơ bản của nghề công tác xã hội, và công tác xã hội trong bệnh viện.

Cán bộ phòng Công tác xã hội – bệnh viện Bạch Mai trao quà cho người bệnh

Đồng thời hiểu rõ hiện trạng và thách thức về chăm sóc sức khỏe toàn diện và vai trò của công tác xã hội trong bệnh viện; tăng cường kết nối và phát triển hợp tác giữa các cơ quan đơn vị và cá nhân có liên quan đến công tác xã hội tại Việt Nam.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cũng nêu rõ, đến thời điểm hiện tại, nhận thức của các bên liên quan (các nhà hoạch định chính sách, giảng viên / nghiên cứu viên, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng…) cũng như thái độ và kỹ năng của nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện còn hạn chế.

Bên cạnh đó, bộ máy hoạt động, chức năng nhiệm vụ và hoạt động công tác xã hội ở các bệnh viện còn chưa có sự đồng nhất trong khi các bằng chứng khoa học về các vấn đề có liên quan đến công tác xã hội trong bệnh viện và giải pháp nâng cao năng lực và phát triển hệ thống công tác xã hội trong bệnh viện tại Việt Nam còn nhiều giới hạn.

Được biết, trong hệ thống các trường y hiện nay, Trường Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo cử nhân công tác xã hội định hướng chuyên biệt lĩnh vực y tế. Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về công tác xã hội và chăm sóc sức khỏe. Chương trình đào tạo này sẽ cung cấp nguồn nhân lực ở trình độ đại học có kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở, dịch tễ học; có kỹ năng nghề công tác xã hội định hướng về hỗ trợ, tư vấn, chăm sóc sức khỏe đặc biệt cho nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Tại hội thảo nhiều ý kiến cho rằng, để công tác xã hội trong bệnh viện phát triển cần thực hiện nhiều đồng bộ các giải pháp như nâng cao nhận thức về công tác xã hội cho bệnh nhân và người dân. Bên cạnh đó chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác xã hội cho cán bộ y tế. Ngoài ra, cần xây dựng một mạng lưới cán bộ làm công tác xã hội y tế, xây dựng mô hình công tác xã hội tại các cơ sở y tế. Đồng thời tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế về lĩnh vực này.

Hoạt động hỗ trợ gội đầu cho người bệnh nhân kỷ niệm Ngày Công tác xã hội của Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Hội thảo cũng được nghe các báo cáo viên trình bày về Công tác xã hội trong bệnh viện: Những vấn đề cơ bản và tính chuyên nghiệp trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Vai trò của công tác xã hội trong bệnh viện đối với người khuyết tật và Mô hình hoạt động công tác xã hội tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương...

Nhằm ghi nhận vai trò to lớn của nghề Công tác xã hội trong đời sống nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1791/QĐ-TTg ngày 15/09/2016 về ngày công tác xã hội Việt Nam, quyết định chọn ngày 25/3 hằng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam” với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề Công tác xã hội.

Công tác xã hội có vị trí và vai trò hết sức quan trọng và cần thiết trong hoạt động của ngành Y tế. Công tác xã hội với mục đích thực hiện hỗ trợ điều chỉnh về các yếu tố xã hội để giúp người bệnh vượt qua hoàn cảnh từ đó tích cực hợp tác với thầy thuốc, nhân viên y tế trong quá trình khám bệnh, điều trị và trở lại cộng đồng sau điều trị.

Công tác xã hội còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với thân nhân; giữa người bệnh với những người xung quanh và với thầy thuốc, nhân viên y tế. Vì lẽ đó các bệnh viện là nơi cần thiết có sự xuất hiện của công tác xã hội nhất.


Thái Bình
Ý kiến của bạn