Công tác xã hội tại bệnh viện – Nhịp cầu nhân ái nơi giường bệnh

22-12-2015 11:21 | Nhịp cầu Nhân ái
google news

SKĐS - Đã có rất nhiều BV triển khai có hiệu quả mô hình Phòng CTXH tại BV như BV Bạch Mai, BV Nhi T.Ư… trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân (BN) nguy kịch có cơ hội hồi sinh, tiếp tục chắp cánh cho những ước mơ còn dang dở…

Ngày 26/11/2015, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 43/2015/TT-BYT Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ Công tác xã hội (CTXH) của bệnh viện (BV). Điều này đã giúp các BV không chỉ có vai trò khám chữa bệnh mà trở thành nhịp cầu nối giữa bệnh nhân – cộng đồng.

Trên thực tế, đã có rất nhiều BV triển khai có hiệu quả mô hình Phòng CTXH tại BV như BV Bạch Mai, BV Nhi T.Ư… trong đó đặc biệt chú trọng các hoạt động từ thiện và vận động, tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân (BN) nguy kịch có cơ hội hồi sinh, tiếp tục chắp cánh cho những ước mơ còn dang dở…

Chắp cánh cho những ước mơ

Một thanh niên trẻ người dân tộc H’mông vừa được cứu sống ở phòng C3 Viện tim mạch, BV Bạch Mai... Nhớ lại những ngày đầu, BN Cứ A Tu (sinh năm 1992, ở bản Dân Quân, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) nhập viện, các bác sĩ cho biết BN cần phải phẫu thuật tim thì mới cứu sống được với chi phí khoảng 90 triệu. Khi đó gia đình vay mượn khắp nơi, có gì bán nấy mà mới chỉ được 11 triệu. Gia đình và BN một mực xin về, nhưng với trách nhiệm cao cả của các thầy thuốc hết lòng vì người bệnh không đành lòng để một thanh niên còn trẻ phải mất đi quyền được sống, chị Dợ mất đi một người chồng, đứa trẻ mất đi một người cha...

Sau bao nhiêu nỗ lực của BN, của thầy thuốc và của bao tấm lòng từ thiện, BN Tu đã được cứu sống, được về bên vợ và cậu con trai bé nhỏ. Niềm vui ấy như được nhân lên gấp bội, ngày 16/12/2015 Tu đã được xuất viện. Chị Dợ vui lắm, trong ngày ra viện chị đã mua tặng chồng một bộ quần áo mới của người dân tộc H’mông với nhiều sắc màu rực rỡ. Trông họ thật hạnh phúc! Đến nay gia đình anh chị đã nhận được tổng số tiền là 136.250.000 VNĐ và 150 USD. Nhưng họ nói "đủ tiền chữa bênh là vui lắm rồi, có rất nhiều BN khó khăn như mình mà không chưa được giúp đỡ...". Vợ chồng anh Tu đã chia sẻ lại cho 3 BN khác có hoàn cảnh khó khăn, tương thân tương ái.

Phòng CTXH taị BV kết nối với các nhà hảo tâm tổ chức giáng sinh sớm cho bệnh nhi tại BV Bạch Mai và BV Nhi T.Ư

BSCKII. Phạm Thị Bích Mận, Trưởng phòng CTXH, BV Bạch Mai cho biết, đến nay phòng CTXH đã thể hiện được vai trò của mình tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ bệnh nhân, quan hệ công chúng và tổ chức từ thiện như phát cháo tình nguyện, tổ chức đào tạo tập huấn, kết nối mạng lưới tình nguyện viên để giúp đỡ BN. Đến nay, tổng số tiền kêu gọi giúp đỡ BN là hơn 1,3 tỷ đồng. Trong đó kêu gọi ủng hộ bằng tiền mặt là 1 tỷ đồng. Ngoài ra, phòng còn hỗ trợ BN xin miễn giảm viện phí từ nguồn quỹ hỗ trợ BN nghèo của BV 204 triệu đồng.

Phòng CTXH, BV Bạch Mai tuy mới ra đời được gần 7 (tháng thành lập ngày 28/5/2015) nhưng đã phát huy được vai trò của mình. Hiện nay, phòng có một trưởng phòng và 3 tổ gồm tổ quản lý hành chính và nguồn lực, tổ truyền thông và quan hệ công chúng, tổ trợ giúp và chăm sóc khách hàng. Một trong những hoạt động hiệu quả nhất là Phòng CTXH đã kết nối với các tổ chức xã hội giúp đỡ BN khó khăn. Trên trang fanpage của phòng, cũng như của BV thường xuyên cập nhật các thông tin về những hoàn cảnh đặc biệt cần giúp đỡ, khi có nguồn tài trợ, các nhà hảo tâm và nhân viên CTXH đến tận giường bệnh để trao tặng cho BN; tổ chức các hoạt động vui trung thu, giáng sinh ngay tại khoa phòng cho bệnh nhi giúp xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ. Không những thế, hoạt động CTXH tại đây còn hỗ trợ tìm người thân cho BN vô thừa nhận điều trị tại BV, giúp họ trở về, tìm lại được vòng tay thân yêu của gia đình; tư vấn cho BN về quyền, lợi ích hợp pháp và nghĩa vụ của người bệnh, các chương trình, chính sách xã hội về BHYT, trợ cấp xã hội trong KCB.… Một trong những thành công lớn của CTXH ở BV Bạch Mai là đã tổ chức CLB bệnh nhân sinh hoạt với 3 nội dung: Tư vấn giáo dục sức khỏe, tặng quà và rèn tập kĩ năng thư giãn, tập yoga cười. Đầu tháng 11 vừa qua, buổi sinh hoạt đầu tiên của CLB Thận nhân tạo với ba nội dung trên diễn ra sôi nổi, thu hút gần 50 bệnh nhân tham gia. Sắp tới, BV sẽ tổ chức đều đặn những hoạt động này hàng tháng và mong muốn nhân rộng mô hình này trong BV.

BV Nhi T.Ư là nơi có “thâm niên” xây dựng và phát triển phòng CTXH với hơn 7 năm thành lập đã thực sự đạt hiệu quả cao, trở thành kiểu mẫu cho nhiều BV khác. Tại đây, các hoạt động CTXH khá bài bản, giúp cho gia đình người bệnh và nhân viên y tế thông cảm, hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác khám và điều trị; hướng dẫn cho gia đình người bệnh hiểu biết về thủ tục giấy tờ, chế độ bảo hiểm và các hoạt động khác... và vận động sự tham gia, ủng hộ của nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc giúp đỡ bệnh nhi các suất ăn từ thiện cũng như hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh. Hàng ngày, nhân viên CTXH sẽ lên thăm hỏi, chia sẻ, phát phiếu cơm, cháo miễn phí cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Trợ giúp các y, bác sĩ để giải thích cho người bệnh hiểu và thông cảm với hoàn cảnh hiện tại, hỗ trợ trong điều trị và các chính sách xã hội khác. Vận động cộng đồng giúp đỡ các suất cơm, cháo và kinh phí điều trị cho những BN có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh hiểm nghèo. Triển khai và duy trì thực hiện các dự án lớn hỗ trợ cho các bệnh nhi. Ngoài ra, nhân viên của phòng còn vận động và đón nhận các phần quà, trang thiết bị y tế của cộng đồng hỗ trợ BV... Đặc biệt, các bệnh nhi không bao giờ cảm thấy yếu ớt, lạc lõng nơi BV trong những ngày lễ tết. Phòng sẽ phối hợp với các đơn vị tài trợ đều đặn tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật vào các dịp Lễ, Tết lớn như: chương trình Trung Thu Hồng, Giáng Sinh Hồng dành cho các bệnh nhi và gia đình bệnh nhi.

Tương tự tại BV Việt Đức, thời gian gần đây cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động kêu gọi giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó khăn, trọng bệnh, chia sẻ khó khăn với người bệnh. Tại Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư, ở BV - nơi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc mặc dù còn nhiều khó khăn vất vả song các cán bộ CTXH vẫn cảm thấy rất hạnh phúc mỗi khi một hoàn cảnh BN khó khăn được nhận sự trợ giúp về cả tinh thần và vật chất của các cá nhân và tổ chức xã hội, san sẻ phần nào gánh nặng cho người bệnh… Rất nhiều, rất nhiều phòng CTXH của các BV lớn đã và đang tiếp tục ra đời với mục tiêu giúp đỡ và làm hài lòng người bệnh hơn nữa.

Trao quà cho các hoàn cảnh bệnh nhân khó khăn tại BV Bạch Mai.

Công tác xã hội tại BV: Cần được quan tâm đúng mức

CTXH trong xã hội nói chung và CTXH tại BV nói riêng vẫn còn là công việc khá mới mẻ song nó lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa bệnh nhân với BV. Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, hiện nay ở một số BV đã có mô hình CTXH và đội ngũ tình nguyện viên tham gia hỗ trợ BV, cán bộ y tế trong phân loại, tư vấn, giới thiệu dịch vụ, hỗ trợ chăm sóc người bệnh... góp phần đáng kể giảm tải những khó khăn trong quá trình khám, điều trị. Do sự quá tải ở nhiều BV, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh cho nhân dân, nếu có sự tham gia của nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng công tác sẽ làm tăng sự hài lòng của người bệnh, khiến họ tuân thủ điều trị và chất lượng khám chữa bệnh sẽ được tăng lên. Có thể nói rằng, nếu CTXH tốt thì góp phần nâng cao y đức của người thầy thuốc.

Tuy hoạt động CTXH là cần thiết tại các cơ sở y tế song theo ý kiến đánh giá của nhiều cán bộ CTXH, hiện CTXH vẫn còn một số khó khăn nhất định như chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chức danh chuyên môn về CTXH trong cơ cấu nhân sự y tế… Bên cạnh đó, hoạt động CTXH mới được thực hiện tốt ở các BV lớn tuyến Trung ương, còn tại BV tuyến tỉnh, tuyến huyện hoạt động này vẫn chưa được coi trọng, do vậy chưa tạo được bước đột phá về chất lượng phục vụ khiến bệnh nhân tại các cơ sở y tế này hài lòng. Ngoài ra, hiện phần lớn cán bộ làm CTXH trong các BV chưa được đào tạo chính quy về nghiệp vụ này mà nhiều trong số đó là cán bộ kiêm nhiệm hoặc công tác ở lĩnh vực khác sau đó chuyển công tác sang lĩnh vực CTXH trong khi theo quy định của Thông tư 43, nhân lực của phòng CTXH bao gồm các viên chức, nhân viên chuyên ngành CTXH; chuyên ngành truyền thông, y tế hoặc ngành khoa học xã hội khác được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về CTXH… Đây là những hạn chế còn tồn tại cần phải được khắc phục để phát triển nghề CTXH trong ngành y tế, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả trong việc nâng cao sức khỏe cho người dân.


Thanh Loan
Ý kiến của bạn