Những ca bệnh thoát hiểm nhờ công tác xã hội
Bệnh nhân Nguyễn Quang Thái (13 tuổi, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), nhập viện trong tình trạng bệnh lý nặng, phức tạp. Thái được phát hiện mắc bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng), suy gan cấp, xơ gan, xuất huyết tiêu hóa, viêm gan B mạn tính… Bệnh diễn tiến quá nhanh khiến tính mạng của Thái được đếm ngược từng ngày. Trước đó, bé đã trải qua một cuộc phẫu thuật điều trị thông liên thất. Với tình trạng này, các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng, cơ hội sống duy nhất là được ghép gan.
Mặc dù bố của Thái - anh Nguyễn Quang Tuấn sẵn sàng hiến gan cho con trai, nhưng chi phí cho một cuộc ghép gan không nhỏ, sau đó còn phải tiếp tục theo dõi, điều trị, dùng thuốc chống thải ghép… Nhà đông anh em, bé Thái mới trải qua cuộc phẫu thuật tim… đã làm kinh tế gia đình suy kiệt. Dù đau đớn nhìn con đang phải đếm ngược từng ngày thời gian còn lại, nhưng bố mẹ của Thái cũng không thể chạy vạy ở đâu ra một số tiền lớn để tiếp tục chữa bệnh cho con.
Trước tình cảnh đó, các bác sĩ, nhân viên y tế của Khoa Phẫu thuật Gan- Mật-Tụy, Bệnh viện TWQĐ 108, phải nghĩ cách tìm nguồn hỗ trợ cho gia đình bệnh nhân. Thông tin của bệnh nhân Nguyễn Quang Thái, được đưa đến Ban CTXH để được hỗ trợ. Nhân viên Ban CTXH, Bệnh viện TWQĐ 108, đã lập tức triển khai phương án tìm nguồn tài trợ. Qua báo chí cùng các nhà hảo tâm gửi trực tiếp đến số tài khoản của mẹ bệnh nhân Thái, chỉ trong thời gian ngắn. Thái đã nhận được 800 triệu đồng và được thực hiện ca phẫu thuật ghép gan.
Đặc biệt, trước khi ghép gan, Nguyễn Quang Thái có ước mơ được gặp cầu thủ Nguyễn Quang Hải. Dù không gặp được trực tiếp, nhưng nhân viên Ban CTXH đã kết nối đến đội tuyển quốc gia để cầu thủ Quang Hải cùng đồng đội ký tặng mang về cho bệnh nhân. Đây là món quà tinh thần vô cùng lớn đối với bé Thái và gia đình trước khi phẫu thuật.
Em Hoàng Mai Phương (Văn Giang, Hưng Yên) bị đa chấn thương do tai nạn giao thông trên đường đến trường. Nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốc mất máu, tổn thương phức tạp, vỡ khung chậu, đứt động mạch chậu chung bên trái vỡ bàng quang… Tiên lượng bệnh rất nặng và nguy cơ tử vong cao, bệnh nhân được phẫu thuật ngay lập tức để vượt qua tình huống nguy kịch.
Mặc dù Phương đã vượt qua được ranh giới sinh tử, nhưng do tai nạn quá nặng nên em phải phẫu thuật nhiều lần để cắt lọc các cấu trúc hoại tử. Các bác sĩ đã phải cắt bỏ hoàn toàn chân trái, tử cung và buồng trứng, bàng quang, để cứu sống bệnh nhân.
Gia đình Phương có hoàn cảnh khó khăn, chi phí cho quá trình điều trị vượt ngoài khả năng. Hơn nữa, do hậu quả của tai nạn giao thông để lại quá nặng nề đã gây ra cú sốc tinh thần cho Phương và gia đình…
Trong quá trình điều trị, ngoài sự tận tâm điều trị, chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng, thì Phương còn được nhân viên CTXH hỗ trợ tìm nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm. Ngoài ra, em và gia đình còn được kết nối với bác sĩ để giải tỏa những lo âu, căng thẳng trong thời gian nằm viện, giúp em có thêm hy vọng vào sự phục hồi của bản thân. Đến nay, Phương đang dần trở lại với cuộc sống và cố gắng nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng.
Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn… được Ban CTXH Bệnh viện TWQĐ 108 hỗ trợ, kết nối tìm nguồn tài trợ về tài chính cũng như hỗ trợ tinh thần để vượt qua khó khăn.
Công tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong bệnh viện
Trên thế giới, ngành CTXH ra đời, bắt đầu từ năm 1869 tại London - Vương quốc Anh. Các hiệp hội từ thiện bắt đầu và là nền tảng cho các hoạt động công tác xã hội chuyên nghiệp sau này. Đến nay, gần 100 quốc gia trên thế giới ở khắp các châu lục đã công nhận nghề công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp.
Tại Việt Nam, ngành CTXH được hình thành muộn hơn so với các nước phát triển trên thế giới. Trước đây, các hoạt động CTXH được quan niệm là phong trào hoạt động của các đoàn thể tham gia công tác từ thiện, các thành viên làm CTXH với tính chất tự phát. Tới năm 2010 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nghề "Công tác xã hội" đã đánh dấu một mốc mới quan trọng của ngành CTXH tại Việt Nam. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày CTXH Việt Nam. Từ đó, công tác xã hội đã chính thức được công nhận là một ngành nghề chuyên nghiệp.
Riêng đối với ngành y tế, từ khi được thành lập đến nay, CTXH bệnh viện đã chứng minh vai trò quan trọng không thể thiếu trong các hoạt động hỗ trợ bệnh nhân cũng như nhân viên y tế.
Tại Bệnh viện TWQĐ 108 với phương châm hoạt động "Lấy người bệnh làm trung tâm, hướng đến sự hài lòng của người bệnh", bệnh viện đã đi tiên phong trong toàn quân thành lập Ban CTXH. Từ khi thành lập đến nay, Ban CTXH đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ đồng hành hỗ trợ người bệnh trong quá trình khám bệnh và điều trị và là cầu nối tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế.
Ban CTXH được chia thành 5 bộ phận chính: Bộ phận hỗ trợ hướng dẫn người bệnh, bộ phận điện thoại chăm sóc người bệnh, bộ phận truyền thông, bộ phận vận động tài trợ và tổ chức sự kiện, bộ phận nhà lưu trú...
Đặc biệt với hoạt động CTXH chuyên sâu, bộ phận hỗ trợ hướng dẫn người bệnh tại các khoa lâm sàng, có nhiệm vụ hỗ trợ bệnh nhân, kết nối với nhân viên y tế. Trong trường hợp cần thiết, nhân viên Ban CTXH cung cấp thông tin về người bệnh cho nhân viên y tế để được hỗ trợ điều trị, động viên, chia sẻ với nhân viên y tế khi có vướng mắc với người bệnh trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được lập hồ sơ quản lý ca, tiến hành can thiệp tư vấn tâm lý, nâng đỡ tinh thần kết nối các nguồn lực hỗ trợ về tài chính, góp phần chăm sóc toàn diện người bệnh về sức khỏe thể chất tinh thần…
Thượng tá Nguyễn Tuấn Quận, Phụ trách Trưởng ban Công tác xã hội Bệnh viện TWQĐ 108 chia sẻ: Trong bối cảnh các bệnh viện đang chuyển mình để đáp ứng và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, người nhà người bệnh trong quá trình đến khám và điều trị, Ban CTXH của bệnh viện là cầu nối giúp bệnh nhân cũng như người nhà của họ thuận lợi và yên tâm hơn khi đến điều trị.
Ngoài vấn đề chuyên môn cao của bác sĩ cùng với chất lượng quản lý bệnh viện tốt, thì việc chăm sóc, hỗ trợ bệnh nhân thông qua các hoạt động do Ban CTXH tổ chức là rất cần thiết. Hơn nữa, các hoạt động này kết hợp với hoạt động truyền thông đã giúp xây dựng thương hiệu và nâng cao hình ảnh của bệnh viện.
TS.BS.Trương Hữu Hoàng - Phó Chủ nhiệm khoa Chống đau và Chăm sóc giảm nhẹ - Viện Ung thư - Bệnh viện TWQĐ 108:
Theo tôi, Ban CTXH bệnh viện rất quan trọng, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư. Từ khi có Ban CTXH, thông qua các hoạt động, nhân viên công tác xã hội đã hỗ trợ và giúp bác sĩ lâm sàng giảm tải công việc được khá nhiều và chuyên tâm hơn về mặt chuyên môn. Với bệnh nhân ung thư, họ có rất nhiều nỗi lo lắng phiền muộn, bác sĩ điều trị mặc dù luôn cố gắng hết sức để giúp đỡ họ cả vấn đề điều trị và tâm lý. Nhưng do đặc thù công việc nên bác sĩ khó có thời gian để đi sâu vào những mong muốn sâu thẳm của bệnh nhân… Thì lúc này, nhân viên công tác xã hội sẽ giúp tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và chia sẻ với bệnh nhân những khó khăn đó. Sau đó sẽ trao đổi với nhân viên y tế và đề xuất trực tiếp hoặc gián tiếp các phương án để cùng hỗ trợ bệnh nhân, giúp kết quả điều trị được tốt hơn.
Ngoài ra, nhân viên công tác xã hội còn hỗ trợ bác sĩ tổ chức các buổi giảng dạy cho bệnh nhân các kiến thức về dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao kiến thức của bệnh nhân về bệnh tật cũng như quá trình điều trị lâu dài.
CN.Hoàng Thị Sầu - Nhân viên Ban CTXH, Bệnh viện TWQĐ 108:
Tại Viện Ung thư, những bệnh nhân mới được phát hiện hoặc ung thư giai đoạn cuối không còn đáp ứng với các phác đồ điều trị, họ thường có tâm lý rất sốc, bất ổn. Lúc này họ rất cần có người động viên chia sẻ và đồng cảm. Khi có sự quan tâm từ phía nhân viên bệnh viện sẽ giúp họ phần nào vượt qua được sự khủng hoảng tinh thần. Vì thế, dù đôi khi gặp phải sự phản ứng thái quá của bệnh nhân, nhưng khi được chia sẻ, phần nào giúp bệnh nhân bình tĩnh trở lại được, đó là động lực để chúng tôi tiếp tục công việc của mình…
Bệnh nhân Tr.V.B (80 tuổi, HN) - Khoa Chống đau và Chăm sóc giảm nhẹ - Viện Ung thư:
Khi mới vào bệnh viện, dù là bệnh nhân ung thư thường được coi là "nhận án tử hình", nhưng tôi không lo lắng nhiều về bệnh vì tôi đã lớn tuổi. Tôi đã hình dung là các thủ tục nhập viện phải chờ đợi lâu, phức tạp… Có bệnh đi viện là rất khổ rồi, khi phải chờ đợi và không hiểu về các thủ tục gì thì thêm bức xúc. Nhưng rất may là được nhân viên CTXH của bệnh viện hướng dẫn, hỗ trợ nên mọi việc thuận lợi, tôi không gặp khó khăn gì.
Mời độc giả xem thêm video:
Điều ước của bệnh nhân ung thư.