Hà Nội

Cộng tác viên: Những người mang lại sức sống cho tờ báo

08-10-2021 10:25 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Với Sức khỏe & Đời sống, có một đội ngũ không thể thiếu đó là cộng tác viên. Họ là những thầy thuốc, dược sĩ... đã đóng góp không ít công sức cho sự phát triển, cũng như uy tín của tờ báo…

60 năm, trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển. Từ báo in, bản thảo viết tay, mọi công đoạn làm báo đều thủ công, đến báo điện tử trong thế giới phẳng, thời 4.0… Những thành viên của Báo Sức khỏe và Đời sống cũng luôn làm mới mình để theo kịp với xu hướng báo chí của thời đại.

Cộng tác viên - đội ngũ không thể thiếu

Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, hai ban Y và Dược được coi là 2 ban chủ chốt của Báo Sức khoẻ & Đời sống. Các chuyên mục của 2 ban này được xây dựng cũng nhằm mục đích đăng tải các bài viết liên quan đến các vấn đề bệnh tật và thuốc điều trị. Ngoài mục đích hướng dẫn cách phòng bệnh, thì các bài viết còn hướng đến việc nâng cao nhận thức, cách nhận biết bệnh sớm về bệnh; các biện pháp điều trị cũng như các cảnh báo về việc sử dụng thuốc không an toàn… 

 Ngoài ra còn giới thiệu đến độc giả những phương pháp mới, hiện đại mà nền y học thế giới và Việt Nam đang ngày càng tiến bộ vượt bậc.

Hơn nữa, trên thực tế chúng ta đều thấy, không phải tất cả các bác sĩ ở các bệnh viện từ tuyến đầu cho đến tuyến cuối đều có điều kiện để cập nhật các thông tin cũng như các biện pháp điều trị mới… Thông qua các bài viết của các giáo sư đầu ngành, cũng một phần nào truyền tải kiến thức đến với các bác sĩ ở tuyến dưới - nơi điều kiện tiếp cận và học hỏi còn không ít khó khăn...

Sơ qua như vậy cũng đủ thấy, vai trò của cộng tác viên - là những bác sĩ, dược sĩ đối với 2 ban chuyên môn này quan trọng như thế nào.

Những cộng tác viên đầu tiên của tôi…

Khi mới chuyển về Ban Dược - Cuối tháng, tôi có một tâm trạng khá lo lắng. Bởi lúc này tôi chưa hề có một cộng tác viên là bác sĩ hay dược sĩ nào. Mà ở ban Dược chỉ có vài chuyên mục nhỏ: "Quanh viên thuốc", "Viên thuốc tự sự", là phóng viên có thể tìm hiểu trên thực tế để viết. Còn các bài chuyên môn thì cần phải có bác sĩ và dược sĩ uy tín thực hiện. Nếu phóng viên viết các bài cho chuyên mục "Cảnh giác thuốc" hay "Kỹ thuật cao", thì vẫn cần có sự cung cấp thông tin và hiệu đính của các thầy thuốc.

Hồi đó, các bệnh viện chưa có phòng truyền thông như bây giờ. Họ cũng rất kín tiếng và có vẻ như luôn e ngại với báo chí. Mỗi khi đi xuống bệnh viện, chúng tôi phải trang bị đủ giấy giới thiệu của cơ quan, lịch hẹn trước… Nhưng khi giới thiệu là "nhà báo", nhiều bệnh viện từ chối gặp. Các bác sĩ cũng ngại viết, ngại nói về công việc của mình.

Phải qua vài lần trao đổi, bài viết được đăng và cũng phải thừa nhận rằng, lúc đó cái tên Sức khỏe và Đời sống cũng mang lại sự cởi mở hơn với các bác sĩ.

Sau những khó khăn ban đầu, thì chúng tôi bắt đầu mời được những cộng tác viên nhiệt tình, mà sau này trở nên thân quen, tôi gọi họ là "bác sĩ - nhà báo", còn họ gọi tôi là "nhà báo - bác sĩ".

Từ các cộng tác viên ở các bệnh viện: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện TWQĐ 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Nội tiết Trung ương… Với các tên quen thuộc trong các bài viết trên báo: PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc, TS.Bùi Hải Bình, PGS.TS.Nguyễn Đức Hải, PGS.TS.Nguyễn Đình Tiến, PGS.TS.Vũ Ngọc Lâm, GSS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng, PGS.TS.Nguyễn Hoàng Ngọc, PGS.TS.Tạ Văn Bình,  TS Phạm Thuý Hường, TS.Phan Hướng Dương, BS.Nguyễn Bạch Đằng… Giúp tôi hoàn thành những bài viết cho Ban Dược cũng như số Chuyên đề cuối tháng.

Hơn nữa, các bác sĩ lại tiếp tục giới thiệu, kết nối tôi với các đồng nghiệp của họ… Chúng tôi mở rộng thêm được cộng tác viên cho mỗi bài viết, mỗi chuyên mục mà mình phụ trách.

Và cứ thế, danh sách các thầy thuốc cộng tác với Báo Sức khỏe & Đời sống tiếp tục nối dài…

Trong hàng trăm cộng tác viên tôi có, có người chỉ cộng tác viết vài bài hoặc trả lời phỏng vấn. Nhưng đặc biệt có những thầy thuốc đã dành thời gian viết rất nhiều, hàng chục đến hàng trăm bài viết - mà chúng tôi gọi đó là cộng tác viên "ruột". Các thầy thuốc, dù họ bận đến đâu, nhưng mỗi khi chúng tôi cần, họ đều dành thời gian cho Báo Sức khỏe & Đời sống...

… Đến cộng tác viên thời 4.0

Khi công nghệ thông tin lấn chiếm mọi mặt của cuộc sống, báo chí không nằm ngoài lề. Các trang mạng xã hội phát triển, cũng là lúc các kiến thức, dù đúng hay sai, đều được chia sẻ trên đó, trong đó có kiến thức y khoa.

Cũng từ facebook, tôi tiếp tục mở rộng thêm các cộng tác viên, mà chưa một lần gặp mặt trước đó. Các cộng tác viên mới này không chỉ ở các bệnh viện thuộc Hà Nội, mà tôi đã mở rộng ra trên toàn quốc. DS.Bùi Ngọc Lan Hương, BS.Trần Văn Công, BS.Huỳnh Thị Như Mỹ, BS.Lê Hồng Hà, BS.Trần Minh Thiệu (TP.HCM); DS.Bùi Sỹ Thành (Yên Bái), DS.Nguyễn Hải Đăng (Hà Nội), BS.Nguyễn Tuấn (Nha Trang), BS.Nguyễn Quốc Tuấn (Cần Thơ)… cũng đã đóng góp không ít khối lượng bài chuyên môn cho Báo Sức khỏe & Đời sống.

Trong các group của các thầy thuốc, thường chia sẻ thông tin y tế mới, các ca bệnh lạ, các trường hợp bệnh nhân dùng thuốc sai dẫn đến hậu quả… cũng cung cấp cho tôi những ý tưởng cho bài viết mới của mình…

Cứ thế, dù cho khi làm báo thủ công, tìm kiếm thông tin còn khó khăn, đến thời làm báo hiện đại, hầu hết mọi thông tin muốn tìm đều có thể sử dụng google để trợ giúp. Nhưng đội ngũ cộng tác viên - những thầy thuốc luôn không thể thiếu. Không ngoa khi nói cộng tác viên chính là "linh hồn" của báo.

Những cộng tác viên tôi có, mà trong khuôn khổ bài viết này, không thể kể hết tên của họ được. Nhưng tôi luôn trân trọng và biết ơn họ. Bởi không chỉ giúp tôi hoàn thành các bài viết đăng trên báo, mà thông qua các bài viết cũng như những trao đổi thường xuyên với các anh/chị, đã giúp tôi gom góp cho bản thân mình những kiến thức y học. Chính những điều này đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày…

PGS.TS.BS.Nguyễn Đức Hải: Chia sẻ kiến thức với cộng đồng là một niềm vui

Trong thực tế khám chữa bệnh hằng ngày, khi tiếp xúc với bệnh nhân, trao đổi với họ về bệnh tật, tôi nhận thấy đa số họ hiểu biết y tế của người dân mình còn hạn chế. Thậm chí là cả các đồng nghiệp của tôi ở các tuyến dưới, nơi còn nhiều khó khăn khi tiếp cận với sự tiến bộ của y học, cũng còn nhiều hạn chế về mặt chuyên môn…

Tôi cũng thấy nhiều người đọc Báo Sức khỏe & Đời sống, chứng tỏ họ đang rất quan tâm tới những thông tin được báo đăng tải. Truyền thông có một sức mạnh rất lớn trong việc tuyên truyền, giáo dục cho sự nhận thức của người dân. Cũng như Báo Sức khỏe & Đời sống chính là cầu nối giữa các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm với bác sĩ ở nơi còn nhiều khó khăn…

Rồi thì bài viết đầu tiên: "Ảnh hưởng của độ cao đến bệnh huyết áp và tim mạch" đã mở đầu cho cơ duyên của tôi với Báo Sức khỏe & Đời sống. Đến nay, đã 15 năm cộng tác, tôi vẫn tiếp tục viết bài mỗi khi có "đơn đặt hàng".

PGS.TS.BS.Nguyễn Đức Hảihttps://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-...

DS. Bùi Ngọc Lan Hương: Công tác với báo chính là một cơ duyên

"Năm nay kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Báo Sức khỏe & Đời sống. Chị viết giùm em đôi dòng cảm xúc khi cộng tác viết bài với báo nhé".

Biết viết gì nhỉ? Vốn là dân chuyên toán, tôi không khéo viết. Khi tham gia facebook, tôi viết những dòng suy nghĩ, tâm tư về nghề nghiệp, phân tích những đơn thuốc, viết gì đó về những bệnh mà mình quan tâm...

Vô tình hay là một cơ duyên nào đó mà Nguyễn Hà, biên tập viên của Báo Sức khỏe & Đời sống, đi ngang đọc và inbox làm quen:

- Chị ơi, cho em xin bài này.

- Chị ơi, chị cộng tác viết bài cho báo em đi.

Ô hay, viết tự phát, viết những gì mình thích, mình quan tâm, viết không trau chuốt gì, thế mà cô ấy lại đem bài đi đăng. Mình và Hà cũng chẳng biết mặt nhau, chẳng gặp nhau bao giờ, chỉ cảm nhận nhau qua văn phong.

DS. Bùi Ngọc Lan Hương
Cộng tác với Báo Sức khoẻ & Đời sống chính là một cơ duyên...

Thế là từ đó tôi viết, đặt bút xuống là tuôn trào. Cao điểm có những lúc, một tuần báo ra ba số, mà bài của tôi lên cả ba. Hầu như bài viết nào cũng được biên tập và duyệt, ít khi bài bị "rớt". Kể từ đó tôi gắn bó với Hà cùng Báo Sức khỏe & Đời sống.

Qua bao nhiêu năm, gắn bó với Báo Sức khỏe & Đời sống, tôi chỉ có thể nói: Tất cả gói gọn trong hai chữ cơ duyên.

Những người mang lại sức sống cho Sức khỏe và Đời sống - Ảnh 7.

Mạng xã hội đã kết nối tôi trở thành cộng tác viên với báo, và có thêm những người bạn. Nếu không nhờ sự năng nổ đi "săn cộng tác viên", đi tìm nguồn bài viết và nếu như ngày ấy tôi do dự, không cởi mở, không viết gì cả thì ngày hôm nay không có tình bạn giữa hai chúng tôi, cũng không có chung niềm đam mê là cùng chia sẻ thông tin, kiến thức đến với bạn đọc. Và, quan trọng hơn tất cả là chúng ta có thêm những người bạn rất đáng trân quý qua trang báo này!

Sự tình cờ hay là duyên kỳ ngộ?

DS. Bùi Sỹ Thành chia sẻ: "Nhiều năm trước, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn qua messenger của một bạn, giới thiệu là biên tập viên của Báo Sức khỏe & Đời sống, mời cộng tác viết bài. Ban đầu tôi rất ngại, vì những kiến thức tôi đưa lên trang cá nhân cũng như trong các group do tôi làm quản trị, cũng chỉ là để các bác sĩ, dược sĩ cùng thảo luận, góp ý… Nhưng sau sự thuyết phục, cũng như bản thân tôi luôn muốn chia sẻ kiến thức với cộng đồng. Mà Báo Sức khỏe & Đời sống là một kênh chính thức, uy tín và tin cậy. Do đó tôi đã gửi bài viết đầu tiên.

Qua vài lần trao đổi, bài tôi viết được biên tập lại, rồi đăng. Thế là tôi tiếp tục gửi bài thứ 2, bài thứ 3… Và tôi lại thấy rất vui khi ngồi viết bài gửi cho báo, chờ đợi mỗi khi bài báo được đăng. Thế mà tôi đã cộng tác với báo được 6 năm.

Thông qua Báo Sức khỏe & Đời sống đã góp một phần công sức nhỏ bé để nâng cao kiến thức về sức khỏe cho người dân. Đến nay, tờ báo này như là một sự ưu tiên tìm đọc của tôi. Đây quả là "hữu duyên thiên lý năng tương ngộ". Thông qua mạng xã hội đã gắn kết tôi với với Báo Sức khỏe & Đời sống.

Thu Hà (ghi)
Ý kiến của bạn