Hà Nội

Công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT đạt được những kết quả ấn tượng

01-07-2020 08:38 | Thời sự
google news

SKĐS - BHXH Việt Nam, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT hiệu quả nhất, mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT.

Luật BHYT ra đời từ năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2014, là cơ sở pháp lý thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT toàn dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Trong đó đã quy định “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện”.

Thực tiễn cho thấy chính sách, pháp luật BHYT ngày càng hoàn thiện, con đường tiến tới thực hiện BHYT toàn dân được chỉ rõ tại các văn kiện của Đảng, quy định trong Luật BHYT và đang dần trở thành hiện thực. BHXH Việt Nam, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện đã nỗ lực không ngừng để việc thực thi pháp luật BHYT hiệu quả nhất, mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về BHYT.

Nhân Ngày bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam - ngày 1/7, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã có bài viết chia sẻ về công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT của Ngành BHXH trong thời gian qua.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn

Những kết quả ấn tượng

Sau gần 06 năm triển khai thực hiện Luật BHYT sửa đổi, đã có những kết quả nổi bật trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT được ghi nhận:

Thứ nhất, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đã đạt gần 90% dân số; đối tượng tham gia BHYT tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm tăng 48%, từnăm 2015-2019 tăng hơn 15 triệu người, đến hết năm 2019 đã có 85,636 triệu người tham gia BHYT, trong đó diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: nhóm người lao động (NLĐ) đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên (HSSV) đạt xấp xỉ 100% và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Như vậy, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 (theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm).

Do đó mục tiêu đến năm 2025 tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số như Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 củaHội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ Nhân dân trong tình hình mới đặt ra là hoàn toàn khả thi.

Để đạt được kết quả khả quan như vậy là do sự nỗ lực của Ngành BHXH và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. BHXH Việt Nam đã chủ động đề xuất với Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT cho từng địa phương; Tích cực phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh, thành phố giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc và quyết liệt chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp để người dân tham gia BHYT thuận lợi nhất; Mở rộng hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức kinh tế.

Tính đến quý IV/2019, toàn quốc có 12,48 nghìn Đại lý thu với 37,35 nghìn điểm thu và 52,18 nghìn nhân viên đại lý thu; Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và tích cực cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT.

Thứ hai, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Nếu như năm 2014, mới có 2.111 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ký hợp đồng KCB BHYT với cơ quan BHXH thì đến tháng 6 năm 2020 số cơ sở KCB BHYT là 2.571 cơ sở KCB, tăng 22% so với năm 2014. Đặc biệt là số cơ sở KCB tư nhân kí hợp đồng KCB BHYT đã tăng gần gấp đôi từ 424 cơ sở KCB năm 2014 lên 835 cơ sở KCB năm 2020.

Cơ hội tiếp cận với dịch vụ KCB BHYT ngày càng mở rộng, số lượt KCB BHYT được quỹ BHYT thanh toán cũng tăng mạnh. Nếu như năm 2009 mới có 92,1 triệu lượt KCB BHYT thì đến năm 2019 số lượt người đi KCB BHYT đã tăng gần gấp hai lần với 186 triệu lượt.

Số chi khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ BHYT cũng ngày càng tăng, từ 15,5 nghìn tỷ (tương đương 970 triệu USD) của năm 2009, tăng lên đến hơn 100 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4 tỷ USD) của năm 2019.

Với hơn 18.000 dịch vụ kỹ thuật y tế bao gồm cả những dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật nội soi, MRI, CT, PET-CT…; trên 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm vị thuốc đông y, thuốc từ dược liệu bao gồm cả các thuốc tim mạch, điều trị ung thư đắt tiền…; hàng ngàn loại vật tư y tế bao gồm cả vật tư y tế thay thế như: máy tạo nhịp tim, stent mạch vành, khớp nhân tạo… phạm vi quyền lợi về BHYT của Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là rộng rãi so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội như người nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT trong năm lên đến hàng tỷ đồng.

Thứ ba, quản lý và sử dụng quỹ BHYT an toàn, hợp lý, hiệu quả.

Do mức đóng BHYT còn thấp, phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT hiện nay chủ yếu theo phí dịch vụ, cùng với sự chuyển đổi sang cơ chế tài chính tự chủ của các bệnh viện công lập, chính sách giá dịch vụ y tế liên tục điều chỉnh tăng... thiếu các công cụ, chế tài kiểm soát tình trạng lạm dụng... dẫn đến chi phí KCB BHYT ngày càng gia tăng khiến cho việc bảo đảm cân đối quỹ BHYT trở nên khó khăn.

Để đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo tính khách quan; gắn thực hiện nhiệm vụ thu, chi, giải quyết chính sách, quản lý quỹ và phát triển đối tượng tham gia BHYT, từ năm 2018, BHXH Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ
ban hành quyết định giao dự toán chi KCB BHYT đến từng địa phương, đây là
biện pháp góp phần tháo gỡ vướng mắc trong bối cảnh hầu hết các tỉnh bị bội
chi quỹ KCB BHYT do điều chỉnh giá dịch vụ y tế (DVYT) và mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT.

Việc hướng dẫn các địa phương phân bổ và điều hành dự toán hàng năm cũng được chú trọng; đồng thời,thường xuyên theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện dự toán, tổng hợp dữ liệu giao dự toán KCB BHYT toàn quốc đến các cơ sở KCB nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT.

Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định giao dự toán chi KCB BHYT đến từng địa phương đã đưa chính quyền địa phương chung tay cùng ngành BHXH quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT, đồng thời vẫn bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Năm 2018, số thu từ đối tượng tham gia BHYT là 93.318 tỷ đồng; tổng số thu BHYT do với kế hoạch được giao đạt 105,8%. Tổng số chi KCB BHYT là 95.081 tỷ đồng bằng 104,3% so với dự toán Chính phủ giao.

Năm 2019, số thu (ước tính) từ đối tượng tham gia BHYT là 104.807 tỷ đồng; tổng số chi KCB BHYT ước là 104.443 tỷ đồng, ước tính vẫn đảm bảo cân đối thu - chi trong năm, không phải sử dụng đến nguồn quỹ dự phòng.

Thứ tư, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Thực hiện liên thông, kết nối với tất cả cơ sở KCB trong cả nước và đã đưa hệ thống giám định điện tử đi vào hoạt động, một mặt kiểm soát được chi phí, nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, giúp cải cách thủ tục hành chính trong KCB BHYT hướng tới quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT, mặt khác thông qua đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Từ tháng 01/2017, Hệ thống Thông tin giám định BHYT chính thức được khai thác để thực hiện các quy trình của nghiệp vụ giám định BHYT. Với việc ứng dụng Hệ thống, hầu hết các quy trình nghiệp vụ có thể tự động hoá đã được thực hiện bằng các chức năng của phần mềm, qua đó nâng cao chất lượng các nghiệp vụ đồng thời giúp giảm hàng trăm giờ làm việc của cán bộ giám định. Các nghiệp vụ tạm ứng, thanh quyết toán trong khám chữa bệnh BHYT của BHXH cấp tỉnh và huyện với các cơ sở y tế được thực hiện theo quy trình khép kín, liên thông và có cơ chế kiểm soát, đối chiếu giữa các phần mềm nghiệp vụ, đảm bảo minh bạch, chính xác trong quản lý tài chính.

Các chức năng của Hệ thống Thông tin giám định BHYT ngày càng được hoàn thiện, phát triển và cập nhật thường xuyên. Hệ thống đã kịp thời phân tích, phát hiện và thông báo thường xuyên cho cơ sở KCB và cơ quan BHXH địa phương những biến động bất thường như: các trường hợp chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật không đúng qui định, quá mức cần thiết, không đúng quy trình chuyên môn, tần suất chỉ định dịch vụ tăng bất thường; chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng ngoại trú rộng rãi; sử dụng thuốc quá mức cần thiết…; phát hiện và công khai các trường hợp lạm dụng BHYT như: đi KCB nhiều lần, nhiều nơi trong ngày; thu dung người bệnh có thẻ BHYT để trục lợi… giúp BHXH tỉnh, thành phố kịp thời kiểm tra, giám định lại các khoản chi BHYT, cơ sở KCB cũng chủ động xem xét, điều chỉnh việc thống kê thanh toán và việc chỉ định sử dụng dịch vụ y tế.

Hệ thống Thông tin giám định BHYT qua hơn hai năm hoạt động đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thay đổi ý thức, nâng cao trách nhiệm quản lý quỹ BHYT không chỉ của ngành BHXH mà cả ngành y tế đặc biệt là các cơ sở y tế. Với các thông tin được cập nhật, công khai minh bạch thường xuyên, nhiều cơ sở KCB đã có những chuyển biến tích cực trong chỉ định điều trị, góp phần tiết giảm các khoản chi không cần thiết, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi khám chữa bệnh mỗi năm, góp phần đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ.

Thứ năm, cấp mã số BHXH là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT để nhằm quản lý xuyên suốt quá trình tham gia đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT, làm căn cứ cấp sổ BHXH, thẻ BHYT điện tử thay thế cho thẻ BHYT chất liệu giấy.

Việc cấp một mã số BHXH duy nhất mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan quản lý và cả người tham gia, đáp ứng yêu cầu về quản lý cơ sở dữ liệu tập trung trên toàn quốc của ngành BHXH. Theo đó, cơ sở dữ liệu này giúp loại bỏ được tình trạng cấp trùng thẻ, chống các hành vi sử dụng thẻ giả, lạm dụng quỹ BHYT đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Mã số BHXH cũng đã được Bộ Y tế quy định sử dụng làm mã định danh y tế duy nhất cho mỗi người dân Các cơ sở y tế sử dụng mã định danh y tế để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với Bệnh án điện tử, Hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác.

Hướng tới phát triển BHYT bền vững

BHYT là chính sách xã hội quan trọng, là một trong các trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHYT cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm phát triển bền vững.

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững chính sách BHYT cũng đang gặp nhiều vấn đề thách thức trong thời gian tới như: già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi,... và đặc biệt là chi KCB BHYT không ngừng gia tăng, từ năm 2017 quỹ BHYT bắt đầu trong tình trạng chi vượt quá thu trong năm.

Quyền lợi của người tham gia BHYT luôn được đảm bảo.

Do đó, để thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW đã đề ra là đến năm 2025 tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và để phát triển BHYT bền vững, cần phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, phát triển đối tượng tham gia BHYT bền vững.

Số người dân chưa tham gia BHYT hiện nay tuy còn ít, nhưng lại là thách thức không nhỏ, bởi đó là những người không có thu nhập ổn định, thuộc thị trường lao động tự do, thường khi có bệnh mới tham gia BHYT, đi ngược lại nguyên tắc chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT.

Hướng giải quyết đặt ra là ngành BHXH cần phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và chính quyền địa phương để đề xuất những giải pháp hỗ trợ người dân tham gia BHYT, giúp những đối tượng này có những thuận lợi ban đầu khi tham gia BHYT.

Đồng thời có những giải pháp đảm bảo tính ổn định, bền vững cho các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT bằng cách nâng cao nhận thức của người dân ý thức chia sẻ cộng đồng và cơ hội có nguồn tài chính vững chắc phòng khi không may mắc bệnh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính tiến tới thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép người tham gia BHYT thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia BHYT.

Thứ hai, quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả, an toàn nhưng cũng cần bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT. Cần sớm thực hiện và hoàn thiện các quy trình thực hiện của các giải pháp sau:

- Phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh; hoàn thiện các chính sách về BHYT, xây dựng gói quyền lợi BHYT phù hợp, rà soát ưu tiên đưa vào danh mục quỹ BHYT chi trả đối với các dịch vụ y tế có tính chi phí hiệu quả cao; bảo đảm công khai và minh bạch trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT.

- Thay đổi phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT theo hướng thanh toán định suất đối với KCB ngoại trú và theo nhóm chẩn đoán DRG đối với KCB nội trú.

- Kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở KCB.

- Đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị y tế.

- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định đối với BHXH các tỉnh phố và các cơ sở KCB BHYT, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hình thức lạm dụng BHYT cũng như các trường hợp người bệnh BHYT không được đảm bảo quyền lợi tối đa.

Với việc triển khai những giải pháp đồng bộ, hiệu quả như vậy, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và đảm bảo phát triển BHYT bền vững.


TS Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam
Ý kiến của bạn