Hà Nội

Công tác phòng chống dịch ở Hải Phòng: Lập tổ chống dịch theo thôn, xóm

13-04-2020 11:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tính đến thời điểm hiện nay, Hải Phòng chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, số cách ly tại các cơ sở tập trung là 706 người, cách ly tại nhà là 3.701 người.

Hải Phòng là địa phương có cảng biển, sân bay quốc tế, cho đến thời điểm này, có thể thấy, công tác chống dịch của Hải Phòng khá hiệu quả. Nổi bật nhất là thành phố này đã thành lập các tổ chống dịch ngay tại địa bàn là các thôn, xóm. Hoạt động tích cực của các chốt kiểm dịch thôn, xóm là yêu tố nền tảng giúp Hải Phòng kiểm soát chặt người đi lại không cần thiết, đúng với Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội.

Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU về một số nhiệm vụ cấp bách trong việc phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các địa phương thành lập tại mỗi thôn, tổ dân phố 1 tổ kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Mỗi tổ có từ 10 - 12 người, do bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố làm tổ trưởng. Thành phần tổ kiểm soát dịch COVID-19 cấp thôn sẽ có ít nhất 5 cựu chiến binh, 1 dân phòng, 1 dân quân, 1 đoàn viên thanh niên và 1 nhân viên y tế.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng kiểm tra 1 chốt kiểm soát dịch xã Phù Long, huyện Cát Hải.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng kiểm tra 1 chốt kiểm soát dịch xã Phù Long, huyện Cát Hải.

Từ ngày 27/3, 2.500 tổ chống dịch tại các tổ dân phố, thôn ở TP. Hải Phòng đi vào hoạt động để kiểm soát người ra vào nhằm đo thân nhiệt, phát hiện những trường hợp bất thường về đi lại, người nhập cảnh, người có dấu hiệu về sức khỏe để phòng chống dịch COVID-19.

Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ công dân ra, vào thôn, tổ dân phố; những biến động nhân khẩu trên địa bàn; kiểm tra y tế (đo thân nhiệt) những người vào địa bàn; giám sát y tế tất cả nhân khẩu để kịp thời phát hiện, thông báo dấu hiệu bất thường đến chính quyền và cơ quan y tế địa phương trước 17h00’ hàng ngày. Trường hợp đột xuất, cần báo cáo ngay. Các tổ công tác này hoạt động 24/24 giờ các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Để tạo điều kiện cho 2.500 tổ chống dịch hoạt động, UBND TP. Hải Phòng đã xã hội hóa để hỗ trợ các thành viên tham gia tổ công tác. Trang thiết bị của tổ công tác được cấp từ nguồn kinh phí chống dịch của Hải Phòng là 1.000 tỷ đồng.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, thời gian qua, Hải Phòng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Trong thời gian giới, Hải Phòng sẽ thành lập các tổ công tác kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 tới từng thôn, tổ dân phố và được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả, nhằm ngăn chặn dịch lây lan vào TP. Hải Phòng.

Ghi nhận tại quận Lê Chân, một quận trung tâm của Hải Phòng cho thấy là địa phương triển khai sớm, hiệu quả cao các chỉ thị, kế hoạch của Trung ương, của thành phố tới tận các tổ dân phố, các gia đình. Quận Lê Chân có nhiều cách làm sáng tạo, là địa phương đầu tiên của thành phố tổ chức giao ban trực tuyến giữa Ban Thường vụ Quận ủy với 15 phường; huy động lực lượng giáo viên cùng tham gia chống dịch, tình nguyện bố trí ngoài thời gian tới trường đến nấu chuẩn bị bữa ăn nóng sốt cho người cách ly y tế tập trung tại khu ký túc xá sinh viên; chỉ trong 1 đêm thành lập được 352 tổ công tác kiểm soát dịch bệnh theo Chỉ thị 26 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng

Hay như tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng thành lập 252 tổ công tác, mỗi tổ có 20 người. Thay vì tổ chức chốt chặn tại các tổ dân phố, lãnh đạo quận Ngô Quyền chỉ đạo chỉ 1-2 người trực, còn lại chia nhóm nhỏ đi đến từng gia đình để tuyên truyền Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và nắm chắc các di biến dộng dân cư trên địa bàn. Hệ thống phát thanh, xe tuyên truyền di động của quận thường xuyên phát những bản tin mới nhất dịch.

Nhờ vậy mà những ngày qua, các tổ kiểm soát phát hiện các trường hợp từ nước ngoài, từ tỉnh ngoài về; những người có liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai để quản lý, kiểm tra y tế, đưa đi cách ly y tế kịp thời. Tại huyện Vĩnh Bảo, các tổ kiểm soát của huyện làm việc trách nhiệm cao, tận tâm, hoạt động suốt 24/24 giờ, nhất là tại các địa điểm giáp ranh như: cầu Đăng, cầu Tranh, cầu sông Hóa và các thôn xóm. Huyện bố trí mỗi xã 1 xe tuyên truyền lưu động, đồng thời vận động nhân dân thực hiện tốt cách ly xã hội, chủ động vận động người thân ở các tỉnh khác không về Hải Phòng trong thời gian này. Huyện cũng chủ động tạm ứng kinh phí chi trả chế độ cho thành viên các tổ công tác theo chính sách của thành phố, đồng thời huy động thêm nguồn xã hội hóa chi tăng thêm 25.000 đồng/người/ ngày, huy động 600 thùng mì ăn liền, 40 thùng sữa... cho các tổ công tác; vận động doanh nghiệp ủng hộ 50.000 khẩu trang để phát cho người dân...

Nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, Hải Phòng hiện nay chưa ghi nhận ca mắc COVID-19, đây là thành quả bước đầu nhưng không cho phép chính quyền và nhân dân chủ quan, lơi lỏng. Hiệu quả giám sát chặt chẽ từ người ra, vào thành phố cho đến ý thức phòng bệnh của người dân với cộng đồng thực hiện giãn cách xã hội góp phần vào thành công này.

TS. Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng: Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của người bệnh về việc họ đang thực hiện các liệu trình điều trị ở Hà Nội với tần suất khoảng 2 ngày/lần. Ngành y tế Hải Phòng có khuyến cáo các bệnh nhân nặng nên tổ chức thuê nhà trọ tại Hà Nội, khi nào thực hiện hết liệu trình điều trị, ít nhất qua ngày 15/4 hoặc nếu lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ kéo dài, những người bệnh này phải thực hiện hết giai đoạn đó mới quay trở về thành phố. Chúng tôi có báo cáo thành phố về các trường hợp nghèo, neo đơn, khó khăn, phải thuê nhà, thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện rà soát, sau đó có chính sách hỗ trợ những người này có điều kiện thuê nhà, không phải quay về Hải Phòng. Tôi cho rằng với tình hình hiện nay, việc xử lý điều trị cho người bệnh đang thực hiện dở các liệu trình điều trị trên Hà Nội vượt quá khả năng chuyên môn của Hải Phòng, nên thực hiện như trên để tránh lây nhiễm dịch.


Trần Hòa
Ý kiến của bạn