Hà Nội

‘Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19 được chú trọng’

06-09-2022 10:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 8 tháng qua, công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 được chú trọng; theo dõi chặt chẽ, không chủ quan, lơ là trước các dịch bệnh mới phát sinh, sẵn sàng kịch bản cho mọi diễn biến dịch bệnh.

Thủ tướng: 8 tháng qua, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lênThủ tướng: 8 tháng qua, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên

SKĐS - Sáng 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2022, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.

Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022; thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 8, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, bên cạnh các yếu tố đã xuất hiện từ đầu năm, xuất hiện những yếu tố mới như hạn hán kéo dài trên diện rộng tại Trung Quốc, EU; chính sách tiền tệ nới lỏng tại Trung Quốc; căng thẳng địa chính trị gia tăng tại một số khu vực…

Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19 được chú trọng - Ảnh 2.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8/2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trong nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, tổ chức nhiều hội nghị quan trọng về đầu tư công, doanh nghiệp, lao động, bất động sản… kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục giải quyết những vấn đề yếu kém tồn đọng kéo dài; ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, kiểm tra công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới ngay trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, kịp thời thăm hỏi, động viên, khích lệ tinh thần thầy cô và học sinh.

Ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu, kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành để tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết…

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi tốt, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 9,4% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,4%. Tiêu dùng trong nước phục hồi tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ. Du lịch tiếp tục phục hồi tích cực, khách quốc tế 8 tháng đạt hơn 1,4 triệu lượt, gấp 12,7 lần so với cùng kỳ năm 2021…

Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19 được chú trọng - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm. Tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội, quan tâm hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục trẻ em bị mồ côi do đại dịch COVID-19; tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày Quốc khánh (2/9), 77 năm ngày Cách mạng Tháng Tám, Ngày truyền thống công an nhân dân Việt Nam…

Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 được chú trọng; theo dõi chặt chẽ, không chủ quan, lơ là trước các dịch bệnh mới phát sinh, sẵn sàng kịch bản cho mọi diễn biến dịch bệnh.

Ngành giáo dục tích cực triển khai hoạt động tuyển sinh các cấp; làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức khai giảng năm học mới tiết kiệm, hiệu quả, tạo không khí phấn khởi, hăng say học tập; tổ chức triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông năm học 2022-2023, phục vụ nhu cầu dạy và học.

Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh COVID-19

Về một số khó khăn, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp, có nguy cơ "dịch chồng dịch"...

Công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19 được chú trọng - Ảnh 4.

Kinh tế 8 tháng qua có nhiều khởi sắc.

"Nhìn chung, trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế có xu hướng phục hồi ngày càng tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; tuy nhiên, những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn, do biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi, việc điều chỉnh chính sách của các nước; nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu một số bài học kinh nghiệm như phải chủ động phương án ứng phó với các tình huống cấp bách, bất ngờ phát sinh, có tính đến độ trễ trong xây dựng, thực thi chính sách; nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng tự thích ứng của nền kinh tế; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng.

Cùng với đó, nâng cao tính chủ động, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất trong tham mưu, xây dựng, tổ chức thực hiện và thông tin, truyền thông về chính sách gắn với đẩy mạnh phân công, phân quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.

Theo Bộ trưởng, trong mọi hoàn cảnh, phải giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và triển khai thực tế, thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt; việc hỗ trợ lãi suất 2% còn hạn chế…


Lê Bảo
Ý kiến của bạn