Bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2 – Quốc hội khóa XV, sáng 20/10 Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
Báo cáo nêu rõ, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lời kêu gọi thiết tha của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội khóa XV đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành có căn cứ chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay những vấn đề cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nhất là từ khi được kiện toàn, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng Ban đã bám sát diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Các địa phương đã triển khai quyết liệt, sáng tạo nhiều giải pháp phù hợp với thực tiễn. Chiến lược và các biện pháp phòng, chống dịch được quyết định nhanh, triển khai quyết liệt, cơ bản là phù hợp. Chuyển từ "phòng ngự" sang "tấn công"; lấy xã, phường, thị trấn làm "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", người dân là trung tâm, là chủ thể phòng, chống dịch; kịp thời đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến gần dân nhất, sát dân nhất; đã huy động một lực lượng lớn nhân viên y tế, quân đội, công an hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương có dịch. Khoanh vùng, cách ly ở phạm vi hẹp nhất có thể; tiến hành xét nghiệm thần tốc với tốc độ nhanh hơn tốc độ lây nhiễm, khoa học, phù hợp, hiệu quả; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, kết nối điều hành chỉ huy đến gần 100% các xã, phường, thị trấn vùng có dịch.
Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo thường xuyên, nỗ lực cao độ trong công tác ngoại giao vaccine, trong thời gian ngắn đưa về nước được một lượng vaccine lớn để tiêm miễn phí cho nhân dân, là một kỳ tích, một bước đột phá cực kỳ quan trọng trong chiến lược phòng, chống dịch.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động, hỗ trợ an sinh xã hội. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, cá nhân là những tấm gương tiêu biểu cho tinh thần "tương thân, tương ái" với những nghĩa cử cao đẹp, lan tỏa yêu thương, "lay động lòng người", thấm đẫm "tình đồng chí, nghĩa đồng bào", thể hiện sâu đậm truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông đã chuyển tải kịp thời, chính xác, khá đầy đủ về công tác phòng, chống dịch. Tuyệt đại đa số người dân tin tưởng, ủng hộ, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Chiến thắng đại dịch COVID-19 là chiến thắng của Nhân dân.
Với những nỗ lực đó, đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh ở các địa phương.
Bên cạnh kết quả to lớn đã đạt được, cử tri và Nhân dân cho rằng công tác phòng, chống dịch còn một số hạn chế, bất cập, như: Một số nơi còn xảy ra tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá, di chuyển của người dân. Sau khi "nới lỏng" các biện pháp giãn cách xã hội, một lượng lớn người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có dịch trở về quê tự phát, tiềm ẩn rủi ro và lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Công tác truyền thông có thời điểm còn bị động, lúng túng, chưa kịp thời, nhất là trong thời gian đầu của đợt dịch lần thứ 4; ứng dụng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu
Báo cáo nêu, Cử tri và nhân dân ghi nhận nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; cùng với sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết của Quốc hội, ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn; thu ngân sách có thể vượt kế hoạch, nông nghiệp đạt kết quả tích cực, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng…
Bên cạnh đó, Cử tri và nhân dân còn lo lắng bởi GDP 9 tháng năm 2021 không đạt kế hoạch; việc giải ngân vốn đầu tư công chậm; một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng năm 2021 đạt thấp so với Nghị quyết của Quốc hội.
Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các địa phương có giải pháp kịp thời lưu thông hàng hóa, vận chuyển vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; có các chính sách hỗ trợ về thuế; giảm các khoản phí, lệ phí, tiền thuê đất; giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất ngân hàng; có chính sách hỗ trợ duy trì lực lượng lao động… để doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất.
Cử tri và nhân dân phản ánh, còn nhiều đối tượng khó khăn chưa được nhận các gói hỗ trợ an sinh xã hội; thủ tục hỗ trợ còn bất cập, rườm rà, tiến độ giải ngân chậm; việc quy định hỗ trợ đối với một số đối tượng chưa cụ thể nên các địa phương áp dụng chưa thống nhất; nhiều nơi nông dân gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng chưa được hỗ trợ; vẫn còn tình trạng trục lợi trong thực hiện an sinh xã hội, gây khó khăn, bức xúc cho người dân.
Việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội.
Cử tri và nhân dân lo lắng về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học trực tuyến, nhất là đối với học sinh bậc tiểu học; việc phải tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các em học sinh.
Cử tri và nhân dân rất bức xúc trước các thông tin xấu độc, sai sự thật; tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, vật tư y tế giả; chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... gia tăng, diễn biến phức tạp.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều vụ án tham nhũng đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Đồng thời tin tưởng, sau khi bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ theo dõi, chỉ đạo đạt kết quả toàn diện hơn, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.
Về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài, Cử tri và nhân dân hoan nghênh Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo kịp thời việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về giáo dục, y tế đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; rất vui mừng, phấn khởi việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Cử tri và nhân dân ghi nhận Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để các tôn giáo tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, mong muốn cơ quan có thẩm quyền có giải pháp cụ thể để đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân…
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 5 kiến nghị, trong đó có việc đề nghị Đảng và Nhà nước sớm nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ, động viên lực lượng tuyến đầu; tôn vinh, ghi nhận công lao của những đồng chí hy sinh, những người dân bị tử vong do thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Có hình thức thích hợp để biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân, nhất là cán bộ cơ sở, tổ COVID cộng đồng, cán bộ ngành y tế đã nghỉ hưu tình nguyện tham gia phòng, chống dịch, những nhóm thiện nguyện có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.