Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

19-01-2022 22:37 | Thời sự

SKĐS - Sáng 19/01, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc (UBDT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT; các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh, Y Thông.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội…

Hội nghị trực tuyến được kết nối tới 52 điểm cầu tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), với sự tham dự của trên 1.600 đại biểu Trung ương và địa phương.

Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và các đồng chí lãnh đạo UBDT chủ trì Hội nghị.

Công tác dân tộc đạt được nhiều kết quả quan trọng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong năm 2021, hệ thống cơ quan công tác dân tộc các cấp đã khắc phục khó khăn trong tình hình dịch bệnh COVID-19 và các khó khăn đặc thù của vùng DTTS&MN, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

UBDT đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2021. Tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG) và chuẩn bị tốt các điều kiện để quản lý, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình MTQG ở địa phương. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID -19 và nắm tình hình dịch bệnh, thiên tai tại vùng đồng bào DTTS&MN. Chủ động hỗ trợ và đề xuất tham mưu trình các cấp thẩm quyền hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS&MN vượt qua khó khăn do dịch bệnh, ổn định cuộc sống…

Cùng với việc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS&MN đã ban hành các Nghị quyết của Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác dân tộc và ban hành các chính sách đặc thù riêng của từng địa phương như: chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho hộ nghèo DTTS vùng khó khăn; hỗ trợ học phí và trợ cấp xã hội cho học sinh DTTS; chế độ đãi ngộ đối với bác sĩ công tác tại vùng DTTS&MN; bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS; bảo hiểm y tế đối với người có uy tín vùng đồng bào DTTS; chính sách bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS không thuộc vùng có điều kiện KT-XH khó khăn...

Đồng thời, cơ quan công tác dân tộc các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho UBDT các tỉnh, thành phố chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình MTQG.

Năm 2022, UBDT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc; Tổ chức thực hiện tốt giai đoạn I của Chương trình MTQG; Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021-2025…

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đồng tình và đánh giá cao những kết quả của công tác dân tộc trong năm 2021. Một số đại biểu đề nghị trong giai đoạn 2022-2025, UBDT và các bộ, ngành sớm hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG; có hướng dẫn cụ thể về xác định địa bàn, đối tượng thụ hưởng các chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021-2025; Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS để giúp cho các địa phương nghiên cứu, xây dựng đội ngũ cán bộ lâu dài bảo đảm phù hợp, chủ động và hiệu quả; Có chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19…

7 nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân tộc trong thời gian tới

Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - Ảnh 3.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của UBDT, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng đồng bào DTTS&MN. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị. Vì vậy, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị cơ quan làm công tác dân tộc cần lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là: Tập trung với quyết tâm chính trị cao nhất để triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình hành động, kế hoạch công tác để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp của các địa phương và các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Hai là: Bám sát và nắm bắt tình hình thực tiễn các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là về đời sống của bà con đồng bào, tình hình thiên tai, dịch bệnh, di cư tự phát, các điểm "nóng" về an ninh trật tự... Trên cơ sở đó chủ động tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kịp thời có những chủ trương, giải pháp phù hợp, kịp thời để bảo đảm ổn định cuộc sống, bảo vệ an toàn cho sức khỏe và tài sản của nhân dân.

Ba là: Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Bốn là: Tập trung nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc; cải cách về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Dân tộc và tổ chức bộ máy cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện công tác dân tộc các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao vai trò của Ủy ban Dân tộc là cơ quan đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc, đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Năm là: Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động người dân hiểu rõ và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, xã hội…

Sáu là: Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi… Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm về chất lượng, đủ đức đủ tài theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, lưu ý có các chính sách đặc thù để tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.

Bảy là: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8/12/2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022, trong đó quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, miền núi vùng DTTS... bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.

Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị - Ảnh 4.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: UBDT

Thay mặt UBDT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và các ý kiến phát biểu của các cơ quan, các địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh mong muốn, trong thời gian tới, UBDT tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt là sự phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, địa phương để công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trọng tâm là triển khai Chương trình MTQG đạt được kết quả tích cực ngay từ năm đầu tiên triển khai.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc thực hiện các chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số dịp Tết Nguyên đán Nhâm DầnThủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Dân tộc thực hiện các chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần

SKĐS - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Xem thêm video đang được quan tâm

63 tỉnh, thành trên cả nước công bố điều kiện và quy định về quê ăn Tết Nguyên Đán 2022


PV
Ý kiến của bạn