Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử, đại diện các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Báo cáo của Ủy ban Dân tộc, hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015 dành cho vùng dân tộc thiểu số khá đầy đủ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và phủ kín các địa bàn vùng dân tộc và miền núi. Qua 5 năm thực hiện, các chương trình, chính sách giảm nghèo tiếp tục hoàn thành mục tiêu về giảm nghèo. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Thông qua thực hiện Chương trình 135, đã có 80 xã đặc biệt khó khăn và gần 400 thôn đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu năm 2015, có hơn 1,3 triệu hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công tác dân tộc đi liền với chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi trọng và đầu tư suốt từ ngày thành lập nước đến nay. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những thành tựu của công tác dân tộc 5 năm qua. Đó là, việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc ngày càng đồng bộ, hoàn thiện hơn với 154 chính sách cụ thể theo vùng, ngành, lĩnh vực và đạt được nhiều thành công. Nguồn lực thực hiện công tác dân tộc ngày càng phong phú, đa dạng, hiệu quả hơn. Đã chuyển một bước tư duy từ “cho không” sang cho vay ưu đãi để tạo động lực cho đồng bào nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Công tác chỉ đạo, điều hành về công tác dân tộc có bước chuyển biến, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi thay đổi rõ rệt, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khấm khá hơn. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tâm huyết, trách nhiệm...
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Ảnh: Lê Sơn
Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những tồn tại trong triển khai chính sách dân tộc là: Còn có chính sách chồng chéo, một số chính sách không phù hợp, không mang tính đặc thù và sự phối hợp chưa đồng bộ. Chính sách ban hành nhiều nhưng nguồn lực bố trí của Nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là chưa có cơ chế huy động nguồn lực xã hội cho vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh một số địa phương đặc biệt quan tâm, còn nhiều địa phương chưa quan tâm thực sự tới vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.
Đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ về kinh tế - xã hội, từng bước ổn định và phát triển.
Ảnh: Yến Ngọc
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ: Cần nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với công tác dân tộc để xây dựng chính sách dân tộc sáng tạo, hiệu quả; rà soát lại chính sách dân tộc, tránh trùng lặp; Tăng cường nguồn lực, bố trí tập trung, không dàn trải, công khai minh bạch, chống tiêu cực trong việc thực hiện chính sách dân tộc; Cán bộ làm công tác dân tộc phải sát dân hơn nữa để có tham mưu, kiến nghị thiết thực; Đẩy mạnh tuyên truyền vận động với bà con dân tộc thiểu số để bà con đoàn kết, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống, thay đổi nhận thức và hành vi cụ thể của bà con; Các địa phương không để dân đói, bỏ học, dịch bệnh xảy ra trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi.