Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng
Với sự chủ động trong công tác tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động, ngay từ đầu năm 2024 Chi cục Dân số Hà Tĩnh Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Y tế, Trung tâm Y tế cấp huyện tuyên truyền đến người dân và đối tượng được thụ hưởng theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Chi cục Dân số Hà Tĩnh đã chỉ đạo các Trung tâm Y tế cấp huyện tăng cường tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đó là đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, dừng lại ở hai con, để nuôi dạy tốt…
Chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai Chiến dịch "Tăng cường truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS" đợt I năm 2024.
Đến nay, đã có 142 xã, phường, thị trấn thuộc 8/13 huyện hoàn thành Chiến dịch và đạt được nhiều kết quả tích cực, gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình thực hiện được 20.211 ca, đạt 109,8% kế hoạch đề ra; số lượt phụ nữ được khám viêm nhiễm đường sinh sản là 8228 người, đạt 78,4% kế hoạch; số phụ nữ được phát hiện mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản là 3130 người (chiếm 58,8%), trong đó số phụ nữ được điều trị là 2650 người (đạt 84,7%).
Thực hiện các đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số
Hoạt động tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên (VTN/TN)": Tổ chức 12 cuộc giao lưu, đối thoại trực tiếp về sức khỏe sinh sản tại các trường THCS, THPT ở 03 huyện Can Lộc, Hương Khê và thị xã Kỳ Anh.
Đề án "Sàng lọc trước sinh và sơ sinh": triển khai tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố, với các hoạt động chủ yếu như: tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề cho phụ nữ mang thai; Tổ chức siêu âm sàng lọc trước sinh qua các đợt tổ chức đáp ứng dịch vụ; xã hội hóa lấy mẫu máu gót chân gửi đi xét nghiệm để phát hiện dấu hiệu mắc các bệnh tật bẩm sinh ở trẻ.
Đề án "Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh": Triển khai tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động đã triển khai: hướng dẫn các địa phương thực hiện tuyên truyền về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi trên địa bàn...
Phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng, tạp chí, tập san, bản tin đưa tin, bài theo sự kiện, đồng thời duy trì đều đặn các chuyên mục, chuyên trang "Dân số và Phát triển" nhằm cung cấp thông tin cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý, các ban ngành đoàn thể các cấp và đông đảo tầng lớp nhân dân. 6 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện được 6 chuyên đề, 12 chuyên trang dân số và phát triển.
Phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức 06 lớp tập huấn chính sách dân số và các biện pháp tránh thai hiện đại, cách phòng tránh các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản cho 900 học viên là ban chủ nhiệm câu lạc bộ, cán bộ Chi hội phụ nữ phụ nữ thôn, tổ dân phố.
Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ
Hoạt động cung cấp dịch vụ được thực hiện thường xuyên từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường. Ngoài các đơn vị như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT, Trạm Y tế cấp xã thì các đơn vị y tế ngoài công lập, các phòng khám sản phụ khoa cũng được khuyến khích tham gia chuỗi hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS, điều đó đã tăng cơ hội để người dân có nhu cầu được tiếp cận rộng rãi, kịp thời, an toàn các dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS ngày càng được mở rộng, chú trọng chất lượng dịch vụ của các cơ sở y tế công lập cấp tỉnh, huyện, xã và khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Chi cục Dân số ký hợp đồng với các đơn vị, ban, ngành đoàn thể tham gia truyền thông, đẩy mạnh công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS; Tổ chức giám sát, hỗ trợ nhằm khuyến khích các cơ sở y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS; Tham mưu UBND tỉnh, Sở Y tế các kế hoạch triển khai các hoạt động Đề án 818 tới cộng đồng.
Ông Phan Trường Sang - Chi cục trưởng Chi cục Dân số Hà Tĩnh cho biết, việc triển khai truyền thông lồng ghép Đề án 818 đã đem lại nhiều lợi ích cho người dân trên địa bàn. Người dân được hưởng lợi một số dịch vụ khám miễn phí mà các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ như: test tiểu đường, đo huyết áp, đo chỉ số cơ thể, siêu âm tuyến giáp, siêu âm ổ bụng… Cũng thông qua đợt truyền thông này đã giúp người dân thay đổi nhận thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ; chủ động, có trách nhiệm hơn khi tham gia các dịch vụ để bảo vệ, nâng cao chất lượng SKSS cho bản thân, xây dựng gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc, góp phần ổn định dân số và phát triển bền vững.
Vẫn còn nhiều khó khăn thách thức
Mặc dù công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tuy nhiên vẫn còn có nhiều khó khăn thách thức như:
Nhân lực làm công tác dân số phải thực hiện đồng thời các nhiệm vụ truyền thông của TTYT và dân số nên nhân lực thiếu, hiệu quả công tác chưa cao.
Hiện nay kinh phí hoạt động của cấp nào do chính quyền cấp đó bố trí từ nguồn dự toán chi thường xuyên. Tuy nhiên, việc bố trí kinh phí cho công tác dân số và phát triển tại cấp huyện, xã không thực hiện đúng nguyên tắc và định mức Nghị quyết 221/2020/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định, ảnh hưởng lớn tới việc triển khai, tổ chức thực hiện các hoạt động công tác dân số tại cơ sở.
Công tác tuyên truyền, vận động; công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại một số địa phương, đơn vị chưa thực sự hiệu quả; nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu gương mẫu trong thực hiện chính sách dân số làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền vận động người dân.