PV: Thưa ông, công tác y tế của Vĩnh Phúc tại thời điểm này ra sao?
BS. Nguyễn Thanh Hải: Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, ngay từ sớm 30/1/2020, Sở Y tế Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND về Đáp ứng với dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và Quyết định số 205/QĐ-UBND ngày 31/01/2020 về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 trên tỉnh Vĩnh Phúc; có các phương án đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra.
Khi dịch bệnh xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ban, ngành, các cơ sở y tế tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị; theo dõi sát diễn biến, đánh giá tình hình hằng ngày, tham mưu kịp thời với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi các cấp để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi có yếu tố dịch tễ liên quan, xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để lan rộng. Đồng thời, giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối, cách ly những trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm.
BS. Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc truyền thông về rửa tay đến cán bộ y tế và người dân.
Đối với công tác điều trị, ngành y tế triển khai thu dung, cách ly, điều trị, quản lý ca bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định; tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến điều trị. Các bệnh nhân đầu tiên được điều trị tại các bệnh viện tuyến cuối sức khỏe hiện nay đều ổn định.
Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế bố trí khu vực riêng để điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân. Ngành cũng đã chủ động bổ sung vật tư, hóa chất, bảo đảm kinh phí cho việc cấp cứu, điều trị người bệnh; có kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài. Đồng thời, duy trì hoạt động đường dây nóng của các đơn vị y tế dự phòng và các bệnh viện; phối hợp quản lý, ngăn chặn các tin đồn về tình hình dịch bệnh gây hoang mang trong cộng đồng.
Sở Y tế yêu cầu các trung tâm y tế nơi xảy ra dịch khẩn trương phòng chống dịch, cử đội phản ứng nhanh xuống cơ sở nơi bệnh nhân sinh sống, tổ chức phun hóa chất chloramin B tại hộ gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh trong vòng bán kính 500m. Cùng với đó, thành lập khu vực điều trị cách ly gồm các giường bệnh cho các đối tượng nghi ngờ, trong đó có phòng cách ly tuyệt đối. Hiện tại, khu cách ly tại địa phương có dịch đang có các bệnh nhân theo dõi. Ngày 13/2, chúng tôi đã huy động hơn 150 cán bộ y tế tăng cường cho 13 xã trọng điểm huyện Bình Xuyên.
Sở Y tế đã phối hợp với các địa phương tập huấn cho tất cả cán bộ trung tâm y tế và các trạm y tế xã, thị trấn về việc phòng chống và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19; tiếp tục tổ chức giám sát các ca bệnh có đi qua vùng dịch tại các xã và những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân và các xã, thị trấn còn lại.
Ông cho biết, tình hình khoanh vùng, khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 và các khu vực cách ly trên địa bàn hiện nay như thế nào?
Hiện nay, công tác kiểm soát bệnh cũng như cách ly người nghi nhiễm đang được Vĩnh Phúc kiểm soát tốt. Qua báo Sức khỏe&Đời sống, chúng tôi xin cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như dư luận xã hội về công tác chống dịch hiện nay trên địa bàn.
Ngành y tế Vĩnh Phúc với sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương đang vào cuộc khẩn trương. Hệ thống y tế từ tỉnh đến tổ dân phố đã nắm chắc và hiểu biết rất rõ về COVID-19. Ngoài việc truyền thông đến từ gia đình cá nhân, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng quân đội, công an tổ chức khu vực cách ly tại Trường Quân sự tỉnh. Tại địa điểm cách ly, có 3 đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ là: Trung tâm Y tế TP. Vĩnh Yên, BVĐK tỉnh và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Các trường hợp cách ly, theo dõi đều được miễn phí cung cấp đồ dùng cá nhân, suất ăn hàng ngày theo đúng quy định.
Bệnh viện bệnh lý hô hấp cấp tính đặt tại Trường văn hóa của tỉnh có quy mô 200 giường và trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh lên 300 giường đã có và lắp đặt xong các trang thiết bị y tế, cơ số thuốc phục vụ cho việc điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Chiều 12/2/2020, tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định khoanh vùng, phong tỏa, cách ly khu vực có dịch tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, ngành y tế và các ngành hữu quan đã và sẽ triển khai quyết định này ra sao, thưa ông?
Tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện áp dụng các biện pháp khẩn cấp về về phòng, chống dịch theo quy định của Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản liên quan.
Tại vùng có dịch áp dụng các biện pháp cách ly và có các chốt kiểm soát. Chốt kiểm soát này sẽ có công an, quân đội, y tế và cán bộ xã. Trong thời gian khoanh vùng, chúng tôi sẽ tập trung các biện pháp y tế tốt nhất để phun toàn bộ diện tích các hộ gia đình. Ưu tiên chặt chẽ về y tế, bảo vệ sức khỏe người dân. Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp tuyên truyền, mời các chuyên gia y tế nói chuyện với người dân để phòng tránh tốt nhất...
Sở Y tế Vĩnh Phúc đang tích cực phối hợp với chính quyền huyện Bình Xuyên kiểm soát chặt chẽ, cách ly người đến từ vùng dịch. Chúng tôi mong muốn các cơ quan đơn vị chung tay cùng Vĩnh Phúc, cùng với nhân dân Vĩnh Phúc nỗ lực, vượt qua thời điểm khó khăn, chung tay chống dịch.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nghị quyết này cũng quy định mức hỗ trợ cho cán bộ y tế và những người tham gia phòng, chống dịch bệnh tại các chốt là 200.000 đồng/người/ngày làm việc bình thường; 400.000 đồng/người/ngày nghỉ, ngày lễ. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách dự phòng và các nguồn hợp pháp khác...