Từ lâu, Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn được gọi là Cù Lao Ré, đã rất nổi tiếng với nghề trồng hành, tỏi và ngày nay được mệnh danh là “vương quốc tỏi” bởi ngoài nghề đi biển đánh bắt thuỷ hải sản, cây hành, tỏi đã gắn liền với người dân nơi đây.
Sàng lọc cát để phủ lên bề mặt ruộng trồng tỏi.
Từ khi khai sinh vùng đất này, những vị tiền nhân ở đất đảo đã biết trồng hành, tỏi để dùng làm thức ăn hàng ngày và để phòng bệnh. Người trồng hành, tỏi ở Lý Sơn luôn ví cây tỏi là “vàng trắng”, nhất là sau khi tỏi Lý Sơn được đăng ký nhãn hiệu, giá tỏi tăng cao nên nghề trồng tỏi ở Lý Sơn cũng trở nên thuận lợi. Nghề trồng hành, tỏi cho thu nhập cao hơn bất cứ mọi ngành nghề khác trên đảo; nhiều hộ nông dân Lý Sơn thoát nghèo và nhanh chóng làm giàu chính nhờ cây tỏi.
Trồng tỏi trên cát trắng.
Tỏi Lý Sơn vốn nổi tiếng thơm ngon với hương vị đặc trưng mà không đâu có thể có được. Song để có được mùi vị đặc trưng ấy, công việc trồng tỏi của người dân xứ đảo rất công phu. Trước khi xuống giống, ngoài lớp đất thịt phía dưới, người dân sử dụng một lượng cát trắng được lấy ngoài biển khơi đem về phủ lên bề mặt ruộng từ 2 - 3cm. Chị Dương Hoàng Oanh (ở thôn Đông, xã An Hải) - một trong những nông dân có hàng chục năm kinh nghiệm trồng tỏi cho biết: Trồng tỏi cũng cực nhọc lắm. Cứ vào vụ là phải ra ngoài bờ biển để xúc đất cát đem về đổ lên lớp mặt trên cùng để trồng, bởi sau một mùa vụ là chất dinh dưỡng trên lớp cát đó không còn nên năng suất và chất lượng tỏi không cao. Lớp cát này thực chất là cát biển kèm san hô vỡ vụn có tính chất giữ nhiệt, giữ ẩm và tạo hương vị cay đặc trưng riêng cho tỏi Lý Sơn. Cát phải sàng lọc thật kỹ, nếu để những hạt sạn xen lẫn trong cát, khi đưa lên đồng, củ tỏi cắm xuống sẽ bị hư. Tỏi phát triển nhờ có lượng cát trắng phủ trên bề mặt đất, giữ độ ẩm. Công việc tưởng chừng đơn giản: cho cát vào bao, đưa lên bè, đẩy vào bờ nhưng khi vào việc mới thấy vất vả. Mỗi khi biển động, phải vật lộn với từng con sóng xô đập vài ba giờ mới đưa được bè cát vào bờ, nhiều khi bè chao đảo làm người ngã lăn, trầy xước cả mình. Công việc nặng nhọc này tưởng chừng chỉ dành cho những người lớn. Nhưng có không ít đứa trẻ oằn mình dưới cái nắng biển để tìm cát. Công việc này không phải lúc nào cũng có thể làm, mỗi tháng thủy triều chỉ hạ 5-7 ngày vào đầu và giữa tháng nên những đứa trẻ phải tranh thủ ngoài giờ học ra phụ giúp ba mẹ để lấy đủ lượng cát, kịp cho vào mùa vụ.
Vận chuyển cát từ ngoài biển tới các ruộng trồng hành, tỏi.
Hệ thống tưới nước tự động cho hành, tỏi.
Thời tiết nắng, nóng ở đảo Lý Sơn triền miên nhưng hành và tỏi được người dân Lý Sơn chăm sóc đều sinh trưởng rất nhanh.
Nếu có cơ hội một lần đến với đảo Lý Sơn, không chỉ là đến với một miền đất đẹp, thơ mộng giữa biển trời mà ở đây bạn sẽ cảm nhận được sự yêu nghề trồng hành, tỏi của người dân Lý Sơn. Cho dù công việc trồng hành, tỏi của người dân nơi đây khó khăn, vất vả như thế nào thì họ cũng không từ bỏ công việc bao đời nay đã gắn với cây hành, cây tỏi. Các thế hệ con cháu từ đời này sang đời khác nguyện nối dõi nghề truyền thống trồng tỏi của quê hương huyện đảo Lý Sơn, để cây tỏi Lý Sơn ngày càng được nhiều người biết đến.
Bài, ảnh: Tuấn Anh