Công pháp trị liệu viêm phế quản mạn tính  

SKĐS - Trong y học cổ truyền, viêm phế quản mạn tính thuộc phạm vi các chứng Khái thấu, Đảm ẩm, Suyễn tức...và được trị liệu bằng nhiều biện pháp khác nhau như dùng thuốc, châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, sử dụng các món ăn, bài thuốc..., trong đó có việc tập luyện khí công dưỡng sinh.

Viêm phế quản mạn tính thể tắc nghẽn, còn gọi là bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một thể bệnh nặng, có nhiều biến chứng nguy hiểm và gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống. Những công pháp thường dùng để phòng chống căn bệnh này có thể kể ra như sau :

Công pháp 1

Chọn tư thế nằm hoặc ngồi bằng tròn. Nếu nằm thì nằm ngửa ngay ngắn trên giường, đầu hơi cúi về trước, hai mắt nhắm hờ, hai tay duỗi thẳng tự nhiên dọc theo thân mình, lòng bàn tay úp xuống, chân duỗi thẳng, hai gót khép lại, các ngón chân xoè ra tự nhiên. Nếu ngồi thì ngồi ngay ngắn trên ghế, đầu hơi cúi về trước, hai mắt nhắm hờ, ngực nhô lưng thẳng, hai vai và khuỷu tay thả lỏng, ngón tay duỗi, lòng bàn tay úp xuống đặt trên đùi, hai chân cách nhau cùng tầm với vai, gối gấp vuông góc, bàn chân bám đất. Ý thủ Đan điền (là vị trí tương ứng với huyệt Khí hải, nằm ở trên đường trục giữa cơ thể, dưới rốn 1,5 thốn đồng thân.

Huyet đan điền

Tập trung ý nghĩ vào huyệt Đan điền, thở sâu bằng bụng.

Khi luyện tập chỉ cần tưởng tượng Đan điền là một vùng tròn to hay một quả cầu bé nằm ở giữa vùng bụng dưới. Theo y học cổ truyền, Đan điền là “sinh khí chi hải” (biển của sinh khí) có vai trò rất quan trọng trong nhân thể). Miệng hơi ngậm, thở bằng mũi, trước tiên hít vào thật sâu rồi ngừng thở giây lát, sau đó từ từ thở ra (hít vào - ngừng thở - thở ra), luân phiên đều đặn như vậy. Phối hợp với niệm câu từ, thông thường bắt đầu bằng câu có 3 chữ (khi hít vào niệm một chữ, khi ngừng thở niệm một chữ và khi thở ra niệm nốt chữ còn lại), sau đó tăng dần lên nhưng không nên quá 9 chữ. Câu gì cũng được nhưng nên chọn những câu có nội dung khoẻ mạnh như : “ Tự kỷ tĩnh”, “Nội tạng động, đại não tĩnh”, “Tự kỷ tĩnh toạ”, “Tự kỷ tĩnh toạ thân thể khoẻ”, “Kiên trì luyện tập cơ thể sẽ khoẻ mạnh”...Câu từ niệm có tác dụng tập trung tư tưởng, dứt bỏ mọi ý nghĩ tản mạn, thông qua ám thị có thể dẫn đến những hiệu ứng sinh lý tương ứng với câu từ. Cần chú ý khi hít vào thì lưỡi nâng lên chạm hàm ếch, khi thở ra thì lưỡi hạ xuống và khi ngừng thở thì lưỡi bất động.

Cuối cùng, đặt hai bàn tay chồng lên nhau xoa vùng ngực theo chiều kim đồng hồ chừng 30 vòng với một lực vừa phải. Môĩ ngày luyện từ 2 lần, mỗi lần 30 phút.

Công pháp 2

Đứng thẳng ngay ngắn, toàn thân thả lỏng, lưỡi áp lên hàm ếch, ép ngực, thu bụng, hai tay buông thả tự nhiên áp vào hai bên đùi, hai bàn chân mở rộng ngang tầm hai vai, đầu ngón chân hơi quắp vào trong. Thở tự nhiên, tập trung ý nghĩ vào huyệt Dũng tuyền (ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân 2 và điểm giữa bờ sau gót chân, trong chỗ lõm ở gan bàn chân) trong 3 phút đến khi huyệt vị này có cảm giác nóng ấm thì chuyển sang phép thở khí công : Khi hít vào thì dùng ý nghĩ dẫn thận khí từ huyệt Dũng tuyền đi lên, qua huyệt Hội âm (ở trước hậu môn) rồi theo Nhâm mạch (đường trục giữa bụng đi từ Hội âm lên huyệt Thừa tương ở dưới môi dưới) rồi nhập vào huyệt Đan điền. Khi thở ra thì dùng ý nghĩ dẫn khí từ Đan điền thông sang huyệt Mệnh môn (ở chỗ lõm dưới đầu mỏm gai đốt sống thắt lưng 2, đối xứng trước sau với huyệt Đan điền) rồi lại hạ xuống thông qua Hội âm tới Dũng tuyền. Cứ làm như thế nhiều lần để khí trong cơ thể đi lại tuần hoàn.

huyet-dung-tuyen

Công pháp 3

Hai bàn tay đặt trên giường, ưỡn ngực, ngửa đầu, đồng thời hít khí vào đầy lồng ngực, ngừng thở một chút, sau đó thở khí ra, đồng thời cúi gáy, cong lưng, thu lồng ngực lại. Một thở ra, một hít vào là một biến. Tập khoảng 9 đến 18 biến là được.

Công pháp 4

Chọn tư thế ngồi hoặc nằm, lưỡi uốn chạm hàm ếch, thả lỏng toàn thân tuần tự từ đầu, gáy, thân, tay, chân...Tập trung ý nghĩ vào huyệt Đan điền. Tiếp đó, thở sâu bằng bụng theo nguyên tắc “sâu, dài, đều đặn và nhẹ nhàng”, có nghĩa là khi hít vào thì bụng phình lên, khi thở ra thì bụng thót lại. Thở ra bằng miệng, hít vào bằng mũi. Thời gian thở ra dài bằng 1 - 2 lần thời gian hít vào. Làm đều đặn mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Khi mới tập mỗi lần làm 10 biến, sau đó tăng dần lên tuỳ theo tình trạng cụ thể của mỗi người.

Có thể chọn hai trong bốn công pháp nêu trên. Khi luyện tập, cần lựa vị trí cho thích hợp, đảm bảo yên tĩnh, thông thoáng nhưng không bị gió lùa. Trước khi luyện tập 15 - 20 phút cần dừng mọi hoạt động thể lực và trí óc căng thẳng, đi vệ sinh và cởi bớt áo ngoài. Trong thời gian tập nên sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất, không hút thuốc lá và uống rượu, tránh mọi căng thẳng tình cảm. Sau khi tập xong, không nên vội đứng lên ngay hoặc cử động mạnh, dùng hai bàn tay xoa mặt, vuốt nhẹ hai mắt, sau đó từ từ trở lại hoạt động bình thường. Không nên tập luyện khi quá no hoặc quá đói, khi bị cảm mạo, tiêu chảy cấp tính và quá mệt mỏi cũng nên tạm ngừng tập luyện.


BS  Hoàng Khánh Hiển
Ý kiến của bạn