Công nhân mất việc, giảm giờ làm gia tăng: ĐBQH kiến nghị loạt giải pháp

25-05-2023 14:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước tình trạng các khu công nghiệp đang xảy ra tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, nhiều ĐBQH đề nghị cần có giải pháp mạnh để kịp thời khắc phục, tháo gỡ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Tại Tổ 14, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu lên tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập là thực trạng lo ngại. Vì vậy, đại biểu Mai Thoa cho rằng, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập có phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.

Cần có nhiều giải pháp mạnh khắc phục, tháo gỡ kịp thời tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm - Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Mai Thoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Đến nay, Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn như ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm nhân lực, việc làm, giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.

Đại biểu cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi… Ngoài ra, cần có giải pháp hỗ trợ thanh niên trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp, trang trải tài chính, tìm kiếm việc làm.

Cần có nhiều giải pháp mạnh khắc phục, tháo gỡ kịp thời tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm - Ảnh 2.

ĐBQH Đặng Hồng Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, từ cuối 2022, những tháng đầu 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng năm 2022 cao, thu ngân sách vượt chỉ tiêu, tuy nhiên, đời sống người dân thì còn nhiều khó khăn, đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Đại biểu phân tích nguyên nhân của tình trạng này là do biến động từ tình hình kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề trong nước làm ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.

Đưa ra giải pháp, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ cùng các đại biểu cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới. Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.

Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp tổ chức cơ cấu, nâng cao chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cần có nhiều giải pháp mạnh khắc phục, tháo gỡ kịp thời tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm - Ảnh 3.

Đại biểu Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Thảo luận tại Tổ 10, nhiều ĐBQH cũng quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm. ĐBQH Hà Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng năm 2023 giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78,9 nghìn doanh nghiệp), trong khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77 nghìn doanh nghiệp). Điều này đồng nghĩa với số người lao động mất việc làm và mất thu nhập tăng, đặc biệt tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp ngừng hoạt động, cắt giảm lao động chủ yếu thuộc các ngành da giày, dệt may, với đặc thù lao động nữ chiếm tỷ lệ rất cao, đa phần là lao động có trình độ phổ thông, độ tuổi trên 40, nên cơ hội tìm việc làm mới rất khó khăn.

Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có một số chính sách hỗ trợ người lao động mất việc, nhưng đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quan tâm, rà soát, đánh giá chính xác về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, từ đó có giải pháp hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp…

ĐBQH đề xuất chủ nhà trọ tại khu công nghiệp được hưởng chính sách trong gói 120 nghìn tỷĐBQH đề xuất chủ nhà trọ tại khu công nghiệp được hưởng chính sách trong gói 120 nghìn tỷ

SKĐS - Qua khảo sát, ĐBQH Nguyễn Thị Vân cho rằng, công nhân lao động đang làm việc tại tỉnh Bắc Ninh có thói quen làm việc, tích góp rồi gửi tiền về quê xây nhà chứ không có nhu cầu mua nhà ở tại nơi làm việc.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn