Hà Nội

Công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel: Làn sóng phản đối Tổng thống Mỹ D.Trump vẫn chưa giảm nhiệt

14-12-2017 16:58 | Quốc tế
google news

SKĐS - Gần 1 tuần sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, làn sóng phản đối Mỹ vẫn tiếp tục diễn ra trên thế giới.

Trong một diễn biến mới nhất, Đức cảnh báo chủ nghĩa bài Do Thái đang xuất hiện trở lại, còn Jordani đang xem xét lại Hiệp ước Hòa bình Wadi Araba năm 1994. Còn hôm nay (13/12), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) sẽ nhóm họp khẩn cấp để thảo luận về việc Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Trước đó, làn sóng biểu tình phản đối việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp ở Trung Đông, trong khi đó dư luận thế giới tiếp tục có phản ứng trái chiều đối với quyết định gây tranh cãi này của Mỹ. Theo hãng tin Pháp AFP, trong ngày 11/12, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn tại Liban với sự tham gia của hàng nghìn người. Tại Đức đã xảy ra nhiều vụ biểu tình phản đối Israel, người biểu tình đốt cờ Israel, tuyên truyền các thông điệp phỉ báng, chống lại Israel cùng người Do Thái nói chung. Trước đó, phát biểu với báo giới hôm 11/12, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cảnh báo nếu tình hình căng thẳng tiếp tục xảy ra, có thể sẽ dẫn tới tình trạng bài Do Thái trên toàn thế giới.

Tại Trung Đông, Ủy ban Quốc hội Jordani đang xem xét lại mọi thỏa thuận với Israel, bao gồm cả Hiệp ước Hòa bình Wadi Araba năm 1994. Trong cuộc họp tối 10/12, các nghị sĩ Jordani đã bỏ phiếu nhất trí cho phép Ủy ban Pháp luật của Quốc hội “xem xét lại mọi thỏa thận với Nhà nước Do Thái, trong đó có Hiệp ước Wadi Araba”. Trên thực tế, Hiệp ước Wadi Araba đã đưa Jordani trở thành một trong hai nước Arab duy nhất đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel, sau Ai Cập vào năm 1979.Ngày 11/12, trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Netanyahu, Cao ủy phụ trách An ninh Đối ngoại EU bà Federica Mogherini đã từ chối công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Ngày 11/12, trong cuộc gặp với Thủ tướng Israel Netanyahu, Cao ủy phụ trách An ninh Đối ngoại EU bà Federica Mogherini đã từ chối công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Cách đây gần 1 tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Động thái trên được cho là “cú sốc” trên toàn thế giới. Dư luận cho rằng động thái của Tổng thống Trump là một “bước đi nguy hiểm”, không chỉ đe dọa tiến trình đàm phán hòa bình Trung Đông, mà còn có nguy cơ làm bùng phát làn sóng bạo lực nghiêm trọng giữa người Palestine và Israel, giữa cộng đồng Do Thái và Arab. Bởi lâu nay, quy chế chính thức của Jerusalem là vấn đề hết sức nhạy cảm và là tâm điểm của cuộc xung đột Israel - Palestine.

Trong một tuần qua, nhiều nỗ lực ngoại giao con thoi đã được tiến hành nhằm tháo gỡ thế bế tắc tại Trung Đông. Sức ép quốc tế cũng đã đè nặng lên Washington buộc Ngoại trưởng Mỹ phải đưa ra những tuyên bố “xuống thang”. Trong đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson mới đây đã phải tuyên bố rằng tình trạng cuối cùng của thành phố Jerusalem sẽ được quyết định bởi các nhà đàm phán Israel và Palestine, dù cho Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công nhận thành phố này là Thủ đô của Israel.

Bản thân Thủ tướng Israel Netanyahu cũng đang phải “thuyết khách” với chuyến đi vòng quanh châu Âu, kêu gọi EU ủng hộ quyết định của Washington. Ngày 11/12, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) và Ủy viên phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU Federica Mogherini ở Brussels (Bỉ), bày tỏ mong muốn “tất cả hoặc hầu hết” các nước sẽ ủng hộ và theo sau Mỹ công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Nhà lãnh đạo Israel tuyên bố quyết định của Mỹ là một bước đi lịch sử mở ra các triển vọng hòa bình. Tuy nhiên, bà Mogherini đã thẳng thừng từ chối. Cao ủy phụ trách an ninh EU bà Mogherini khẳng định, EU sẽ tiếp tục công nhận “sự đồng thuận của quốc tế” về Jerusalem đồng thời phủ nhận khả năng EU ủng hộ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ở thời điểm này, chưa có dấu hiệu cho thấy làn sóng phản đối Mỹ và Israel sẽ dịu bớt. Theo giới phân tích, có thể bước đi của Tổng thống Trump sẽ giúp cải thiện quan hệ với đồng minh truyền thống Israel, vốn bị xấu đi vào cuối nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Obama. Tuy nhiên, mục tiêu thúc đẩy “một nền hòa bình chính đáng và lâu dài” giữa Israel và Palestine, như ông Trump đã cam kết đang bị xóa sổ. Cùng với đe dọa rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, quyết định của ông Trump về Jerusalem đang khiến hình ảnh và vị thế của Mỹ tại Trung Đông bị lung lay, bởi những hành động của Washington cho thấy dường như nước Mỹ không còn là “đối tác chắc chắn và đáng tin cậy” trong giải quyết các điểm nóng khu vực.


N.Minh
Ý kiến của bạn