Tháng 3 năm ngoái, Sinovel - một trong những hãng turbine gió lớn nhất Trung Quốc và hai nhân viên bị kết tội xúi giục một nhân viên của AMSC đánh cắp mã nguồn phần mềm từ một máy tính của hãng này ở Wisconsin (Mỹ). Sinovel sau đó được cho là đã áp dụng công nghệ này trên bốn turbine xuất khẩu cho khách hàng tại Massachusetts (Mỹ). Thậm chí, các turbine còn được lắp đặt không xa lắm so với trụ sở của AMSC.
Tháng 5 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo truy tố 5 quan chức thuộc quân đội Trung Quốc với cáo buộc tấn công mạng vào các công ty Mỹ để lấy cắp bí mật thương mại. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng chúng "vô căn cứ và có mục đích khác".
Năm ngoái, 6 người Trung Quốc bị cáo buộc ăn trộm hạt ngô giống trên các cánh đồng bang Iowa (Mỹ). Hôm qua, người thứ 7 trong đường dây này - Mo Yun cũng đã bị bắt giữ. Bà bị kết tội ăn trộm bí mật thương mại cho công ty giống cây của chồng mình - Tập đoàn công nghệ Dabeinong Bắc Kinh.
- Quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng vì gián điệp thương mại. Ảnh: Telegraph
Các công ty như Dupont Pioneer, Monsanto và LG Seeds đã phải mất nhiều năm, tiêu tốn hàng chục triệu USD để nghiên cứu ra các sản phẩm này. Chúng có thể chống lại côn trùng, cỏ dại sinh trưởng tốt trong điều kiện bất lợi. Tuy nhiên, các công nghệ hạt giống được cấp bằng sáng chế và hạt biến đổi gene thường có giá bán cao hơn hạt bình thường.
Sự kiện này càng khiến căng thẳng giữa hai quốc gia leo thang. Trên CNN, nhiều chuyên gia cho biết, dù rất nhiều nước có hoạt động gián điệp công nghiệp, Trung Quốc từ lâu đã một trong những nước tích cực nhất, cả trực tuyến và ngoại tuyến.
"Có thể nói rằng Trung Quốc là nước hoạt động rộng rãi nhất. Cáo buộc của Mỹ là về sở hữu trí tuệ. Đó là ăn trộm bí mật thương mại, là gián điệp kinh tế", Kevin Mandia - nhà sáng lập hãng bảo mật Mandiant cho biết.
Chiến lược gián điệp công nghiệp của Trung Quốc có lẽ một phần do nhu cầu hiện đại hóa đất nước trong vài thập kỷ nay. Bí mật lấy được công nghệ sẽ giúp nước này đẩy nhanh tiến trình, bỏ qua các vấn đề có thể mất nhiều năm nghiên cứu và phát triển.
Chiến dịch này nhắm đến nhiều ngành, từ nông nghiệp đến hàng không và máy tính. Cáo buộc của Mỹ cho biết các mục tiêu gần đây của Trung Quốc còn bao gồm sản xuất pin năng lượng mặt trời, nhôm, thép và thiết kế nhà máy điện nguyên tử.
Ngoài lấy trộm bí mật công nghệ của nước khác, Trung Quốc cũng ra sức bảo vệ các bí mật thương mại của mình để dùng trong dân sự và quân sự. Hoạt động tình báo của họ cũng không thường sử dụng các gián điệp được đào tạo bài bản, có khi chỉ là sinh viên hoặc kỹ sư.
Từ sau khi Quốc hội thông qua Đạo luật Tình báo kinh tế năm 2006, Mỹ đã đưa ra tòa rất nhiều cá nhân bị kết tội giúp Trung Quốc làm gián điệp. Một trong những vụ nổi tiếng nhất đến nay là Dongfan "Greg" Chung. Chung mang quốc tịch Mỹ, từng làm việc cho Boeing và chương trình tàu con thoi của NASA.
Chung bị kết tội năm 2009 sau khi cơ quan điều tra phát hiện hàng trăm nghìn tài liệu có nội dung nhạy cảm trong căn nhà tại California. Các công tố viên cho biết anh ta đã đưa rất nhiều tài liệu chi tiết về công nghệ vũ trụ và quân sự cho quan chức Trung Quốc. Cuối cùng, người này bị kết án 15 năm tù. Một người quen của Chung - Chi Mak cũng phải bóc lịch 24 năm vì tuồn cho Trung Quốc thông tin mật về tàu thủy và tàu ngầm của Mỹ.
"Đưa cho Trung Quốc công nghệ tên lửa tiên tiến không phải việc làm có lợi cho Mỹ. Người Trung Quốc luôn muốn có công nghệ của chúng tôi", Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ thời đó - Greg Staples cho biết.
Tổng thống Mỹ - Barrack Obama đã nhiều lần nêu ra vấn đề này với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình. Tuy nhiên, những lập luận của ông dần chẳng còn sức nặng khi Edward Snowden tiết lộ chính các cơ quan Mỹ cũng theo dõi công ty viễn thông Trung Quốc - Huawei. Trung Quốc đã rất nhanh chóng tận dụng cơ hội này để chỉ trích ngược lại Mỹ. "Rất nhiều người biết rằng từ lâu, Mỹ đã sử dụng công nghệ cao để thực hiện các vụ đánh cắp bí mật quy mô lớn và nghe lén quan chức, công ty và cá nhân nước ngoài", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.