Việt Nam sở hữu nhiều công nghệ xử lý chất thải y tế
Theo báo cáo "Xu hướng xử lý chất thải y tế trên thế giới và một số ứng dụng tại Việt Nam" do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, thuộc Sở KH&CN TPHCM công bố năm 2022, Việt Nam có 23 tài liệu sáng chế xử lý chất thải y tế được công bố/bảo hộ tại Việt Nam, chủ yếu là từ các nhà sáng chế trong nước. Hầu hết các tài liệu sáng chế này liên quan đến các công nghệ đốt (60,9%), plasma (8,7%) để xử lý chất thải y tế.
Trong đó, với các công nghệ liên quan tới nhiệt, Viện Công nghệ môi trường (VAST) có "Công nghệ lò đốt chất thải rắn y tế VHI-18B", cho phép xử lý chất thải y tế ở nhiệt độ cao, thời gian lưu cháy dài, khói thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, lượng tro rất ít và được áp dụng cho hơn 50 cơ sở y tế quận, huyện.
Viện Công nghệ VinIT sở hữu "Hệ thống xử lý chất thải rắn y tế công nghệ Plasma", sử dụng công nghệ plasma (tạo nhiệt độ cao trên 1.200oC) để đốt các loại chất thải rắn y tế mà không tạo ra các loại khí thải độc hại như đioxin và furan. Hệ thống này đã được triển khai tại Liên bang Nga và mới được giới thiệu ra thị trường Việt Nam.
Bên cạnh các phương pháp liên quan tới nhiệt (đốt/hấp), Viện Nghiên cứu Cơ khí có công nghệ "Xử lý rác thải y tế không đốt - công nghệ thân thiện môi trường", xử lý hiệu quả tiêu diệt 99,9999% vi khuẩn, không phát thải ô nhiễm thứ phát, năng suất đạt khoảng 10 tấn/ngày.
Phòng thí nghiệm Trọng điểm ĐHQG-HCM Công nghệ xử lý chất thải bậc cao (Trường Đại học Bách Khoa TPHCM) có "Giải pháp xử lý kháng sinh trong nước thải y tế bằng công nghệ màng MBR kết hợp quá trình ozone". Nhờ công nghệ này, chất kháng sinh có trong nước thải y tế được loại bỏ trên 80%, từ đó giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người. Ngoài ra, Công ty TNHH Sản xuất và Phát triển công nghệ TBM, đã giới thiệu phương pháp "Xử lý rác thải y tế bằng công nghệ vi sóng", cho phép khử trùng chất thải y tế mà không tạo ra khói 26 bụi, không xả nước thải, cũng như không sử dụng hóa chất khử tiệt trùng và hoàn toàn thân thiện với môi trường.
Nhiều nhưng vẫn thiếu
Về mặt công nghệ cũng như số lượng, có thể thấy, các công nghệ xử lý chất thải y tế đã được các nhà khoa học, các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư, nghiên cứu. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác trên thế giới, các sáng chế, nghiên cứu trong lĩnh vực này chưa được nhiều và đa phần là các giải pháp thuộc nhóm công nghệ đốt. Ví dụ, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản những quốc gia bảo hộ nhiều sáng chế nhất về vấn đề này, với trung bình 150 sáng chế/năm.
Bên cạnh đó, các công nghệ mới, tiên tiến như công nghệ plasma, công nghệ vi sóng, công nghệ nhiệt ẩm tuy đã xuất hiện, nhưng còn khá ít, công suất nhỏ. Đây là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp tăng cường hợp tác, phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu thế quốc tế để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, giải quyết tốt bài toán môi trường sau xử lý.
Một vấn đề cũng được nhiều chuyên gia thống nhất, đó là việc triển khai xử lý chất thải y tế theo hướng thân thiện với môi trường còn khá hạn chế, Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục cải thiện các giải pháp công nghệ phù hợp để xử lý chất thải y tế, cần phát triển cả các giải pháp thân thiện hơn với môi trường, hạn chế sản phẩm phát sinh trong quá trình xử lý chất thải y tế, theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Trên bình diện thực tiễn, khối lượng rác thải y tế ngày càng nhiều tại Việt Nam đang tạo ra một bài toán cấp bách hơn bao giờ hết với việc xử lý chúng. Điều này có nghĩa là, những công nghệ xử lý cần được nhân rộng lên gấp nhiều lần, được ứng dụng ở nhiều cơ sở y tế và địa phương hơn nữa, mới có thể giải quyết được khối lượng chất thải y tế hiện tại. Đây không còn là bài toán về chất lượng, mà đã chuyển thành bài toán về số lượng và khối lượng, và không chỉ còn là vấn đề của ngành y tế, mà đã trở thành vấn đề của toàn xã hội với nhiều Bộ, ngành liên quan.
Xem thêm video đang được quan tâm:
VIDEO - Trạm trung chuyển rác xây dựng tiền tỷ rồi bỏ hoang vì... không còn phù hợp.