Cuộc họp HPG cuối năm 2019 chia sẻ về thực trạng và khả năng ứng dụng công nghệ trong ngành y tế nhằm thực hiện mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe (CSSK) toàn dân. Phát biểu khai mạc, TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết vào tháng 5/2018, Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 71 đã thông qua nghị quyết WHA71.7 về Y tế số. Các ưu tiên về y tế của khu vực Tây Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ và đổi mới trong việc thực hiện các chuyển đổi mang tính chiến lược và thực hiện các mục tiêu về y tế bao gồm mục tiêu Bao phủ CSSK toàn dân.
Ứng dụng công nghệ nhằm bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết, tại Việt Nam, Nghị quyết 20/ NQ-TW đưa ra các định hướng trong việc ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh, đổi mới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, giảm quá tải bệnh viện, bao gồm:
- Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.
- Thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân. Thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh. Có cơ chế, lộ trình phù hợp, từng bước thực hiện để tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khoẻ, khám và chăm sóc sức khoẻ định kỳ.
TS.Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại HPG về Công nghệ và các giải pháp sáng tạo cho Mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
-Tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa.
Đối với mục tiêu Bao phủ CSSK toàn dân, công nghệ sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, và giảm chi phí.
Theo PGS.TS. Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, Việt Nam có tỷ lệ bao phủ BHYT gần 90%. Tỷ lệ chi từ tiền túi người dân: 39%; tuy nhiên, theo WHO, tỷ lệ này phải dưới 30% mới đảm bảo sức khỏe toàn dân. Ngành y tế Việt Nam hiện đang đi đúng hướng và đang đổi mới tất cả các cấu phần. Trong tiến trình này, cuộc cách mạng 4.0, dữ liệu big data, robot, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật là xu hướng không thể tách rời giúp cải thiện sự tương tác hiệu quả giữa các thành tố, hệ thống y tế, cộng đồng dân cư, lấy con người làm trung tâm, giảm chi phí chăm sóc, tăng hiệu quả nguồn lực, xóa nhòa rào cản địa lý,…
Việt Nam có điều kiện thuận lợi ứng dụng giải pháp sáng tạo bởi có hệ thống hạ tầng viễn thông tương đối phát triển, tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh cao, hứa hẹn ứng dụng thử nghiệm giải pháp sáng tạo cho bao phủ CSSK toàn dân. Đây là lĩnh vực rộng lớn, hứa hẹn tiềm năng chẳng hạn như sức khỏe điện tử (E-health), ứng dụng viễn thông vào y tế, y tế từ xa (tele-medicine), ứng dụng mobile-heatlh (ứng dụng CSSK trên điện thoại di động), chẳng hạn như ứng dụng đã triển khai ở Viện Dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe người dân. Phần mềm quản lý tiêm chủng đã vận hành rất tốt, dữ liệu xuyên quốc gia giúp cho cháu bé từng tiêm ở TP.HCM thông tin tiêm chủng lưu trên hệ thống giúp trạm y tế xã có thể theo dõi tiếp tục tiêm cho cháu ở quê Hà Tĩnh. Hay hệ thống BHYT đã được cập nhật trên toàn quốc, giúp cho mọi cơ sở y tế đều có thể tiếp cận thông tin. Năm 2019 có sự thay đổi chóng mặt ở các trạm y tế xã, phần mềm BHYT kết nối trực tuyến (real time) với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh.
Cuộc họp Nhóm Đối tác Y tế (HPG) về Công nghệ và các giải pháp sáng tạo cho Mục tiêu Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân
Những rào cản đối với hồ sơ bệnh án điện tử liên thông
Việt Nam sẽ hướng tới nền y tế thông minh, ứng dụng công nghệ IT và giải pháp sáng tạo. 100% các cơ sở y tế có phần mềm hệ thống thông tin, kết nối với bộ ngành chính phủ. Tele-medicine và hồ sơ sức khỏe điện tử đang từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn rào cản là hiện nay ở các trạm y tế xã, có quá nhiều phần mềm quản lý thông tin. Chẳng hạn như đối với bệnh nhân mắc bệnh không lây, bác sĩ phải điền một lúc ít nhất 3 sổ giấy, hồ sơ bệnh không lây nhiễm và sổ y bạ bệnh nhân, rồi điền vào hệ thống BHXH bắt buộc. Hệ thống không kết nối với nhau, thiếu mã số định danh duy nhất. Hiện nay, mã thẻ BHYT bao phủ trên 86% dân số là mã bao phủ cao nhất. Chưa kể đến các phần mềm tiêm chủng và phần mềm quản lý hệ thống khác làm cho công việc của cán bộ y tế xã rất vất vả. Một giải pháp đồng bộ hóa phần mềm, cơ sở dữ liệu là điều mà Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế, các nhà lập trình và các đối tác chẳng hạn như WB,… sẽ phải tìm ra trong tương lai.
Trong năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án ứng dụng phát triển công nghệ thông tin để thực hiện Y tế thông minh giai đoạn 2019-2025. Đề án đưa ra kế hoạch tổng thể ứng dụng CNTT trong y tế, nhằm khắc phục tình trạng hiện nay là chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế, sử dụng CNTT còn phân mảnh, chưa đồng bộ và liên thông.
3 mục tiêu của đề án là:
- Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống CSSK và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam.
- Thứ hai, ứng dụng CNTT toàn diện tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh, góp phần cải cách hành trình và quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh.
- Thứ ba là, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.